Dân Việt

Hồ Việt Sử - ông trùm “chia ba Sài thành” (Kỳ 1): Đường vào giang hồ

PV 11/01/2018 11:49 GMT+7
Từ cuộc sống cơ cực, Hồ Việt Sử từng bước vượt lên để có cuộc sống vương giả hơn. Trong cuộc chiến đấu, cạnh tranh khốc liệt ở hệ thống các vũ trường Phương Nam, Sử dấn thân vào chốn giang hồ và khẳng định "số má" nhanh một cách ít ai có thể ngờ tới.

Đến sau này, bản thân Hồ Việt Sử cũng chẳng hề ngờ rằng, ranh giới giữa cái tốt và xấu lại mong manh đến vậy.

img

Hồ Việt Sử thời chưa dính đến giang hồ

"Đánh chiếm" Sài Thành bằng... xe cộ

Vừa bước sang tuổi 22, Hồ Việt Sử đã xuất ngũ sau 3 năm chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Về lại quê, Sử mở một nhà máy xay xát lúa nhỏ ở thị trấn Tri Tôn (An Giang). Tại đây, Sử quen và yêu một cô gái, chỉ ít lâu sau hai người thành vợ chồng. Hai đứa con lần lượt ra đời,  có vợ đẹp con ngoan, Sử làm việc ngày đêm để lo cho mái ấm gia đình. Anh chẳng ngại ngần đi ra đồng cày bừa thuê hay gặt lúa giúp bà con mỗi khi có ai đó trong xóm nhờ.

Những ngày khổ cực như dần được bù đắp, gia đình Sử tằn tiện tích cóp được một số vốn nhỏ. Đêm về, Hồ Việt Sử vắt tay lên trán, trăn trở về cuộc sống tương lai. Nếu chỉ ngày ngày ôm cái máy xay xát thì không biết ngày nào cuộc sống mới khá được lên. Khao khát làm giàu sục sôi, thế là Sử bắt đầu tập tành cho những chuyến đi buôn ngược xuôi.

Cuộc sống những năm đất nước còn khó khăn, người dân nào có được một chiếc xe gắn máy thì đã được xem là khá giả. Những chiếc xe chủ yếu được nhập nguyên "con", giá thành rất cao. Nắm bắt được nhu cầu sử dụng phương tiện này của người dân cộng với thời gian từng sinh sống tại nước bạn, Hồ Việt Sử nhanh chóng bắt mối để bước vào con đường đi buôn "xe nghĩa địa". Liên tục những chuyến hàng đưa về từ bên kia biên giới qua ngả An Giang về TP.HCM tiêu thụ. Thời đó ít người có con mắt nhìn thấy miếng bánh siêu lợi nhuận này nên chẳng mấy chốc, trong tay Sử đã "tụ" được một số vốn khá lớn.

Tuy nhiên, cùng với sự chuyển biến của cuộc sống xã hội, cùng đó là sự thay đổi của các cơ chế, chính sách, chuyện đi buôn xe máy cũng dần đến hồi thất thế. Cơ quan chức năng ngày càng siết dần và quản lý chặt việc buôn lậu các mặt hàng qua biên giới, đặc biệt là việc buôn bán phương tiện xe gắn máy.

Thấy con đường buôn xe đã vào giai đoạn gập ghềnh, Hồ Việt Sử dần bỏ hẳn việc buôn bán xe gắn máy. Đầu những năm thập niên 1990, xe bốn bánh chạy trên đường phố Sài Gòn nhộn nhịp hơn, Sử một lần nữa nhận định sắp tới, thị trường xe ô tô tư nhân sẽ béo bở. Sử bắt đầu tìm về Sài Gòn như miền đất hứa để mở salon kinh doanh xe 4 chỗ. Năm 1993, salon xe hơi đầu tiên của Sử khai trương trên đường Trần Hưng Đạo. Chỉ khoảng 1 năm sau đó, nhờ công việc buôn bán xe con thành công ngoài mong đợi, Sử mở tiếp một salon trên đường Lê Hồng Phong.

Từ những năm 1998, nhà hàng quán bar bắt đầu nở rộ khắp đất Sài Gòn. Với máu kinh doanh luôn sục sôi và con mắt tinh nhạy, Hồ Việt Sử "đánh hơi" thấy cơ hội trong mảng thị trường màu mỡ này. Giới trẻ thượng lưu có thói quen tìm đến vũ trường, quán bar như thể hiện đẳng cấp. Hàng loạt các quán bar, vũ trường mọc lên. Vốn dĩ có những mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo một số cơ quan chức năng và có vốn lớn, Sử được nhiều ông chủ các vũ trường mời gọi đầu tư hợp tác.

Năm 2000, Hồ Việt Sử chính thức nhận lời đổ vốn vào vũ trường Metropolis. Trời ban cho Sử cái duyên làm ăn nên hễ cất công bỏ sức vào lĩnh vực nào là y như rằng mang lại kết quả tốt đẹp. Lượng khách đến Metropolis ngày một đông. Tuy nhiên "ở đâu có máu thì ở đó có nhiều cá mập", trong giới giang hồ, ông trùm Năm Cam cũng đã "ngửi" được sự đe dọa từ một thế lực mới nổi trong lĩnh vực ăn chơi mang lại siêu lợi nhuận này.

img

Ông trùm Năm Cam

Trong thế giới mà mâu thuẫn được giải quyết bằng đao búa, nhiều băng nhóm giang hồ có vẻ dè chừng với Hồ Việt Sử. Một số băng nhóm nhỏ lẻ tự nhận là "đàn em" của Sử để tung hoành nhằm khuyếch trương thanh danh. Đã có vốn lớn, quan hệ rộng cộng với bản lĩnh của một gã từng va chạm với nhiều thành phần trong xã hội, Hồ Việt Sử chẳng ngán ngại bất cứ một thế lực nào trong giới giang hồ. Năm Cam cũng thừa hiểu và chấp nhận để Hồ Việt Sử đứng ngang hàng trong các cuộc chung đụng làm ăn. Sau lưng Sử, những mối quan hệ được tạo dựng lắm lúc phải mất một gia tài lớn hơn nhiều so với những phần lợi nhuận vặt vãnh.   

Mối quan hệ dích dắc với Năm Cam và A Lý

Ở đâu có sự trỗi dậy của thế lực "đen", ở đó có sự xuất hiện của những nhóm giang hồ nước ngoài tìm đến. Bắt đầu từ những năm cuối thập niên 90, Sài Gòn gây sự chú ý của nhiều băng nhóm giang hồ châu á. Nổi cộm trong thế giới của những ông trùm đó là sự xuất hiện của thành viên băng đảng Trúc Liên Bang ở Đài Loan. Từ năm 1997, nhóm Trúc Liên Bang lăm le tìm đến Việt Nam như một miền đất hứa màu mỡ. ở Đài Loan, băng nhóm này được xếp hàng thứ ba và có mạng lưới thành viên rộng khắp ở nhiều nước trên thế giới. Băng Trúc Liên Bang "đổ bóng" xuống hầu hết những thị trường ngầm béo bở  như cho vay nặng lãi, bảo kê sòng bạc, vũ trường ...

img

A Lý (Lee Han Hsin)

Hou Ming Chin, một tay giang hồ cộm cán trong tổ chức này "nổ phát súng hiệu" đầu tiên cho sự xuất hiện của chúng ở Việt Nam bằng cách triệt hạ 2 thành viên trong băng nhóm theo lệnh của ông trùm ở Đài Loan. Sau khi hạ sát "những kẻ phản bội", tên Chin bị Công an Việt Nam tóm gọn trước khi định bỏ trốn ra nước ngoài. Để tiếp nối sự nghiệp bành trướng của bang hội, Lee Han Hsin (tứ A Lý) được cử sang Việt Nam trong vai một thương gia. A Lý nhanh chóng kết hôn với một cô gái Việt Nam quê ở Nghệ An.

Thời điểm đó, nhờ phong trào lấy chồng xứ Đài nở rộ, nhiều cô gái sẵn sàng nhắm mắt đưa chân theo các cuộc hôn nhân không tình yêu. Có vợ người Việt, A Lý như tạo thêm được sự tin tưởng cho tổ chức Trúc Liên Bang tại Đài Loan. Y trở về nước, huy động tiền của nhiều người rồi tiếp tục quay trở lại Việt Nam. A Lý xâm nhập Sài Gòn vẫn theo cách thức cũ. A Lý chia tay với người vợ Việt Nam đầu tiên sau khi cả hai sinh được một cô con gái, y kết hôn với một cô gái trẻ người Việt tại khu Chợ Lớn. Chính người phụ nữ này sau trở thành một trợ thủ đắc lực cho hắn trong công cuộc mở rộng địa bản làm ăn.

A Lý cao chỉ tầm 1,4m, ở hắn luôn toát lên một phong cách rất "Tàu" với cái đầu trọc lóc và nhẵn bóng và cái miệng luôn nhóp nhép nhai trầu, khóe miệng y lúc nào cũng rân rấn một màu đỏ nhựa. Hắn  thường xuất hiện ở chốn đông người bằng cặp mắt kiếng đen và tất nhiên mặc cả bộ đồ bông kiểu "tài phó" ngông nghênh trên đường.

A Lý còn được đồn đại có trí nhớ thuộc hàng thượng thừa và khôn lỏi. Bản chất của y đậm nét láu cá. Ở Việt Nam chỉ ít hôm, A Lý nhanh chóng hiểu gần hết ngôn ngữ bản địa và nói tiếng Việt khá sõi. Tuy nhiên hắn ta giao du với mọi người chỉ bằng tiếng bản xứ, sẽ có những tên cận vệ người Việt đi kèm để phiên dịch. Hắn nhanh chóng xác định được chỗ đứng trong thế giới ngầm ở Sài Gòn.

Sự xuất hiện của A Lý đã hình thành mối quan hệ tay ba Hồ Việt Sử - Năm Cam - A Lý. Gã giang hồ Đài Loan nhiều lần muốn gây sự và tạo nên sự xung đột giữa Sử và Năm Cam. A Lý ngấm ngầm lôi kéo khách ở vũ trường Metropolis - nơi có phần hùn của hắn về vũ trường riêng do mình cai quản. Tuy nhiên đường đi nước bước của hắn không thoát khỏi hai cặp mắt dò xét của Hồ Việt Sử và Năm Cam. Phá hôi bất thành, A Lý nhiều lần ngậm đắng nuốt cay và muốn thanh trừng Sử nhưng vẫn còn e dè. Vì từ khi vào Việt Nam, A Lý luôn núp bóng dưới thế lực ông trùm Năm Cam. Nhưng với ông Năm, Hồ Việt Sử vẫn là sự lựa chọn số một cho dù có phải dứt bỏ một gã đàn em sẵn sàng phản chủ như A Lý.