Dân Việt

Gần 60 năm làm "bà đỡ không lương" nơi rừng sâu núi thẳm

Tuệ Linh - Văn Chiến 27/02/2018 13:28 GMT+7
Mặc dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng bà Giàng Thị Cở - bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên – Sơn La) vẫn được coi là “thần hộ mệnh” của 100 hộ dân sinh sống ở bản này mỗi khi người chuyển dạ.

Bản vùng cao Làng Sáng là nơi đặc biệt khó khăn của xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cách trung tâm huyện cả ngày đường. Nhất là mùa mưa, chỉ có cách đi bộ mới có thể vươt qua những dốc đất, suối sâu để kết nối với bên ngoài.

Nơi đây, ngay cả sóng điện thoại cũng rất chập chờn; vì thế bà Giàng Thị Cở (80 tuổi) trở thành “lá bùa hộ mệnh” cho chị em phụ nữ ở bản đây.

Ngồi sởi ấm bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà cũ kỹ chênh vênh trên lưng chừng núi, bà Cở vừa xoa tay vừa kể cho chúng tôi nghe về chuyện hành nghề bà đỡ ở vùng cao Làng Sáng này: “Bản Làng Sáng theo tiếng dân tộc được chúng tôi gọi là bản “Khó Nghĩ”. Với 100 hộ dân sinh sống là con em đồng bào dân tộc Mông nhưng đường giao thông, điện, trạm y tế… không có. Trước đây, khi tôi còn trẻ đã chứng kiến những cái chết đau thương của nhiều thiếu phụ trong thời kỳ sinh nở. Nhiều gia đình bố mẹ mất con. Đau lòng hơn, có những trường hợp chồng mất cả vợ lẫn con". 

img

Bà Giàng Thị Cở - người được bà con dân bản Làng Sáng gọi là "thần hộ mệnh"

Phải sống với bà con thì mới thấu được những khó khăn, vất vả mà người phụ nữ Mông phải chịu đựng. Những lúc bà bầu đau đẻ muốn đưa xuống trạm xã thì khó như lên trời vì phải cuốc bộ hơn 20 cây số. Khi đó, người thân chỉ biết gọi thầy mo, thầy cúng đến làm phép diệt ma, trừ tà vì nghĩ đẻ không được là do ma làm chứ không có nguyên nhân nào khác.

“Cũng chính sự thiếu thốn đủ bề như vậy, nên tôi ước trở thành bà đỡ với mong muốn hỗ trợ các thai phụ, để họ được mẹ tròn con vuông. Người biến ước mơ của tôi thành hiện thực không ai khác chính là mẹ đẻ tôi. Nhờ theo mẹ bôn ba khắp các bản, làng ở vùng cao nên tôi thuần thục những kỹ năng đỡ đẻ của mẹ lúc nào không hay”- Bà Giàng Thị Cở kể lại.

img

Mặc dù đã già nhưng bà vẫn hăng say với nghề bà đỡ

Nói về “thần hộ mệnh” ở bản Mông, anh Hạng A Nụ - Trưởng bản Làng Sáng, chia sẻ: “Với gần 20 năm làm người đứng đầu bản, tôi đã không ít lần chứng kiến bà Cở đỡ đẻ cứu giúp những sản phụ vượt cạn bị đuối sức. Bà say nghề lắm, ai gọi là bà có mặt ngay. May mắn cho bà con trong bản từ lúc bà Cở biết đỡ đẻ đến nay đã hơn 60 năm rồi nhưng chưa có ca nào thất bại cả nên bà được nhân dân tin yêu quý mến lắm.

Chúng tôi gọi bà là bà đỡ không lương. Bởi bà sống rất tình cảm và có lòng bao dung độ lượng, cùng là phận nữ nhi nên bà cảm nhận được vất vả của người phụ nữ Mông.

Đối với các gia đình thuộc hộ nghèo, khi đỡ đẻ thành công bà chỉ bảo sản phụ chế độ ăn uống kèm theo phương thuốc gia truyền rồi lặng lẽ về chứ không nhận của ai bất kỳ một đồng nào mà. Đối với những gia đình có điều kiện thì họ cho gì bà lấy đó chứ tiền thì bà không lấy”.

Chị Mùa Thị Máy – bản Làng Sáng, người vừa được bà Cở giúp đỡ thành công ít ngày không giấu được sự vui sướng khi kể lại giây phút hạ sinh con trẻ.

Chị Máy nói: “Phải công nhận bà Cở đỡ đẻ mát tay thật. Tối hôm đó, khi chuyển dạ tôi đau lắm. Toàn thân tôi như bị liệt nhưng khi chồng tôi đưa bà Cở đến xoa nhẹ vào bụng và các biện pháp hỗ trợ, được một lúc sau con ra từ lúc nào tôi còn không biết.

Ở nơi nghèo khó như Làng Sáng này, dân chúng tôi nghèo lắm chỉ biết trong chờ vào y đức của bà. Nếu không có bà Cở, có khi bây giờ mẹ con em đang ở thế giới bên kia rồi”.

Đã hơn 60 hành nghề bà đỡ vùng cao, bà Cở không nhớ nổi đã đỡ đẻ cho bao nhiêu ca nữa. Những đứa trẻ được bà đỡ những ngày đầu, có lẽ giờ đầu cũng đã hai thứ tóc. 

Mặc dù đến nay, bà đã hơn 80 tuổi mắt đã mờ, tay không được nhanh nhẹn như thời còn sung sức nữa nhưng trong thâm tâm bà vẫn luôn muốn giúp đỡ những sản phụ gặp khó khăn lúc sinh nở. Dân bản gọi bà là "Bà đỡ không lương"