Dân Việt

Trước khi thay 23 kênh, VTVCab vẫn đang “cõng” khoản nợ 2.000 tỷ

Nguyên Phương 04/04/2018 07:00 GMT+7
Tính đến cuối quý III.2017, nợ phải trả của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) vào khoảng 2.026 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.246,8 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 300 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán PWC cũng từng lo ngại về khả năng thanh khoản của VTVCab.

img

VTVCab đang cung cấp dịch vụ tại gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Ngày 17.4 tới đây, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 42,2 triệu cổ phần, tương đương 47,84% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 140.900 đồng/cổ phần.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của công ty sau cổ phần hóa là 884 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương 45.081.076 cổ phần. Còn 1.026.300 cổ phần, tương đương 1,16% vốn điều lệ dành để bán cho cán bộ công nhân viên và 42.292.624 cổ phần, tương đương 47,84% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư qua HNX.

Đan xen giữa thông tin về quá trình cổ phần hóa, đấu giá cổ phần của VTVCab, những ngày qua, rất nhiều khách hàng của Tổng công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam tỏ ra ngỡ ngàng và bức xúc khi nhiều kênh truyền hình quen thuộc như VTVcap HBO, Disney, Cartoon Network, Cinemax (Max by HBO)… bị xóa xổ "không kèn, không trống". Tất cả được thay thế bởi một loạt kênh truyền hình mới. Dù đại diện VTVCab đã nhanh chóng có thông tin phản hồi nhưng vẫn chưa khiến mọi vấn đề được giải quyết.

Vậy Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) kinh doanh ra sao trước khi chào bán lần đầu ra công chúng?

Nợ phải trả chiếm 80% tổng nguồn vốn

Tiền thân của VTVCab chính là Trung tâm Kỹ thuật truyền hình Cáp (VCTV) đã tham gia ngành truyền hình trả tiền Việt Nam từ năm 1995. Với nguồn lực từ Đài Truyền hình Việt Nam, VTVcab cùng với SCTV xác lập vị thế vượt trội so với các đơn vị cùng ngành nhờ vừa sản xuất nội dung vừa bán thuê bao.

Hiện tại, VTVcab hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền; điều hành hệ thống phát bằng cáp, hoạt động cung cấp dịch vụ truy cập Internet bằng mạng viễn thông có dây...

Đến nay, VTVcab đang phát sóng 200 kênh truyền hình, trong đó có 70 kênh đơn vị hợp tác và cung cấp dịch vụ truyền hình tại hơn 50 tỉnh thành khắp cả nước với hơn 2,5 triệu thuê bao.

img

Số lượng thuê bao của VTVCab giai đoạn 2014-2016

Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của VTVCab lại không mấy sáng sủa. Dù công ty mẹ VTVcab ghi nhận 2.056 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ở thời điểm thúc năm 2016, lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với năm 2015.

Nhưng tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỉ đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.329 tỉ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 500 tỉ đồng.

Tới thời điểm kết thúc quý III.2017, nợ phải trả của VTVcab tiếp tục tăng lên 2.026,9 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn là 1.246,8 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 300 tỷ đồng.

Trong BCTC hợp nhất năm 2016, đơn vị kiểm toán PWC phần nào tỏ ra lo ngại về khả năng thanh khoản của công ty khi đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh: “Tại ngày 31.12.2016, nợ ngắn hạn hợp nhất (không bao gồm các khoản người mua trả tiền trước) vượt quá tài sản ngắn hạn hợp nhất là 225.599.870.353 đồng (tại ngày 1.1.2016 là: 32.754.290.744 đồng).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban lãnh đạo, Tổng Công ty và các công ty con vẫn có khả năng duy trì thanh toán các khoản công nợ khi đến hạn bằng dòng tiền tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các nguồn vốn khác trong đó có các khoản vay ngân hàng”.

img

Doanh thu hợp nhất của VTVCab giai đoạn 2014 - 2016

Một điểm đáng chú ý khác trong hoạt động kinh doanh của VTVCab là dù sở hữu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ ở mức vài chục tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2016, công ty mẹ VTVcab ghi nhận 2.056 tỉ doanh thu thuần nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 68,5 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với năm 2015 bởi trong năm này, doanh thu thuần của VTVCab chỉ đạt 1.838 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là 65,4 tỷ đồng.

Hai con số này trong năm 2014 lần lượt là 1.755 tỷ đồng doanh thu thuần và 61 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo lý giải của VTVCab, tỷ lệ chi phí trên tổng doanh thu qua các năm 2014, 2015, 2016 và quý III.2017 lần lượt là 95,22%, 95,68%, 96,04% và 86,66%. Chi phí giá vốn hàng bán chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí, bình quân khoảng 70,14% so với tổng doanh thu.

Những cam kết của VTVCab và thực tế

Theo VTVCab, lợi thế của công ty này so với các đối thủ cạnh tranh khác là sở hữu mạng lưới phủ sóng rộng khắp với gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước và số lượng thuê bao truyền hình trả tiền lớn nhất Việt Nam.

Đồng thời, có lợi thế khi sở hữu nội dung kênh, chương trình phong phú nhất Việt Nam với khả năng sản xuất nội dung và hợp tác trao đổi nội dung kênh chương trình với các đơn vị cung cấp nội dung khác. Và luôn cam kết về bản quyền truyền hình, tăng kênh theo đúng lộ trình.

img

VTVCab cho biết luôn cam kết về bản quyền truyền hình, tăng kênh theo đúng lộ trình (Ảnh minh họa)

Đối với hoạt động marketing, VTVCab cho biết, với mạng lưới phương tiện truyền thông dày đặc, đa dạng, trong những năm gần đây, hình ảnh thương hiệu và dịch vụ của VTVCab đã đến gần hơn rất nhiều với khách hàng trên toàn quốc.

Từ năm 2013 - 2015 là giai đoạn phát triển nóng của VTVCab với hệ thống chi nhánh mở rộng ra toàn quốc, hình ảnh, dịch vụ VTVCab theo đó cũng mở rộng ra toàn quốc và trở thành thương hiệu truyền hình trả tiền gần gũi nhất với khách hàng.

Thậm chí, trong việc xây dựng chính sách khuyến mại, VTVCab còn cho biết công ty luôn có chính sách khuyến mại để chăm sóc lượng khách hàng cũ và khuyến khích với các khách hàng mới tham gia dịch vụ. Đặc biệt, chính sách khuyến mại của VTVCab luôn hướng tới việc gắn bó dài lâu với khách hàng bằng các chính sách khuyến khích đóng trước thuê bao.

Để cải thiện, nâng cao công tác chăm sóc khách hàng, VTVCab đang tiến tới xây dựng CLB khách hàng thân thiết tại từng địa bàn - một kênh tương tác gắn kết giữa VTVCab và khách hàng.

img

Ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc VTVcab cho rằng một số khách hàng không nhận được thông tin, có thể là do họ đi vắng hay một lý do nào đấy

Tuy nhiên, những ngày qua, khi rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ VTVCab thông tin tới các cơ quan báo chí về việc bất ngờ không tìm thấy kênh mà mình yêu thích như HBO, Cinemax, Discovery, Fox, Fox Sports... Và thắc mắc không hiểu lý do vì sao VTVCab cắt kênh nhưng không có bất cứ thông báo nào tới họ.

Ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc VTVcab lại giải thích với báo chí, việc thay đổi kênh của VTVcab đã được thông báo trước thông qua truyền thông trên báo chí, thông báo, chạy chữ trên các kênh truyền hình, website: vtvcab.vn...

Cụ thể, trước khi chuyển đổi kênh VTVcab đã dùng các kênh truyền hình, đăng một số bài trên báo về các nội dung mới. Ví dụ như kênh Dr Fit và Women là hoàn toàn mới chưa có một đơn vị nào ở Việt Nam có.

Ông Bùi Huy Năm cho biết cũng đã cân nhắc đến cách thông báo qua tin nhắn và email.

"Tuy nhiên số lượng khách hàng của chúng tôi đăng ký nhận thông tin bằng email không nhiều. Còn nhắn tin thì cũng bị giới hạn số tin nhắn trong một ngày. Một số chương trình chúng tôi sử dụng thử hình thức nhắn tin nhưng khán giả không đọc vì họ cho là tin nhắn rác", ông Năm nói và cho rằng, trong quá trình triển khai, một số khách hàng không nhận được thông tin, có thể là do họ đi vắng hay một lý do nào đấy.

Và khá bất ngờ khi sau phần giải thích này, đại diện VTVCab lại đưa ra con số gần 5.000 cuộc gọi của khách hàng trao đổi, hỏi thông tin về nội dung các kênh mới chỉ sau hơn 1 ngày VTVcab và NextTV thay đổi gói kênh truyền hình nước ngoài.

Trong đó, có nhiều người tỏ ra khá bức xúc, nhưng ông Năm cho biết, sau khi được nhân viên tổng đài giải thích, thuyết phục, hầu hết khách hàng đã hài lòng và an tâm sử dụng dịch vụ.