Dân Việt

Điều gửi gắm nhân Thủ tướng đối thoại với nông dân

TS Trần Duy Khanh 08/04/2018 10:11 GMT+7
Tôi nghĩ, giá như Bộ Công thương chỉ cần bớt đi một hai nhà máy xơ sợi, xi măng, tôn thép... đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thì lợi ích đem lại sẽ lớn lao biết dường nào.

Trong cách mạng, nông dân Việt Nam là lực lượng quan trọng, đóng vai trò chính dẫn tới thành công. Lực lượng nông dân một lòng một dạ theo Ðảng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa.

Dù đạt được những kết quả tích cực như có 2,2 triệu hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng/năm nhưng nhìn chung nông dân lại chính là những người chịu thiệt thòi, “lép vế”.

40 năm gắn bó với bà con nông dân, sống cùng nông dân nên tôi có nhiều trăn trở, suy tư muốn gửi tới Thủ tướng nhân Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình sản xuất, trao đổi với nông dân tại khu sản xuất rau an toàn Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: V.G.P

Đó là những câu hỏi luôn túc trực trong tôi: Vì sao nông dân bỏ ruộng? Liệu có bao nhiêu hộ nông dân chỉ sống dựa vào nông nghiệp thuần túy? Vì sao bây giờ ở nông thôn chỉ có trẻ em, người già là chủ yếu? Đến bao giờ thì bà con nông dân ở miền núi mới có cuộc sống tươm tất? Bao giờ bà con nông dân có thể “sống khỏe” trên chính mảnh ruộng của mình?...

Qua các cuộc kháng chiến, và chính ngay những năm đầu của thế kỷ 21, khi cả thế giới khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Việt Nam dễ dàng vượt qua bởi có “hậu phương” chính là nông nghiệp, nông dân...

Nhiều chính sách được ban hành thời gian qua nhưng việc thực thi đã có hiệu quả, đã thực sự chạm đến đời sống, nguyện vọng, ước mơ lâu nay của nông dân?

Nông dân ta thu nhập thấp, ít thiết tha với ruộng đồng, chung quy, tôi nghĩ có mấy nguyên nhân.

Dẫu không phải “ngăn sông cấm chợ” nhưng với tình cảnh phí chồng phí đã khiến giá vật tư nông nghiệp (thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) của Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực (hơn từ 7-10%).

Nguyên nhân đẩy giá vật tư nông nghiệp lên cao chỉ có thể là “phí bôi trơn” (vật tư nhập khẩu), phí chồng phí trong vận chuyển, “chi phí lót tay”, chưa kể chi phí xăng dầu, cầu đường… “Trăm dâu đổ đầu tằm”, cuối cùng, người nông dân phải gánh tất và sao có lãi nổi. 

Chưa kể, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất bán “thô”. Nói thì buồn nhưng nhiều năm nay, nông sản của ta vẫn chủ yếu loanh quanh “quang gánh” và xuất.

Hình ảnh bà con nông dân muốn bán lợn, dùng đòn càn, hai người khiêng lợn đi bán thì nay có khác là cho lợn lên ô tô để bán.

Tôi nghĩ, giá như Bộ Công thương chỉ cần bớt đi một hai nhà máy xơ sợi, xi măng, tôn thép... đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thì lợi ích đem lại sẽ lớn lao biết dường nào. Nông dân ta sẽ bớt cảnh “được mùa rớt giá”, hết cảnh từng đoàn xe nối đuôi nhau chở nông sản lên biên giới và phải “ăn chực nằm chờ”, chờ bên kia duyệt cho qua.

img

Ngày 2.1.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước. (Ảnh: TTXVN)

Nông dân vốn đã tiền ít, kinh nghiệm thiếu, thông tin thị trường không có...nên khi sản xuất ra được ít nông sản lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương thao túng thị trường.

Được 1kg thịt gà, người chăn nuôi chỉ được lãi 2.000đ/kg, trong khi đó người thu gom lãi 14.000đ/kg, người giết mổ lãi 16.000đ/kg, liệu hỏi mấy người dám chăn nuôi nữa.

Rồi chuyện một thời gian dài, lấy đất đai màu mỡ, “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân quy làm khu đô thị, khu công nghiệp, làm sân golf… liệu có nên. Nông dân được đền bù một khoản, chi tiêu hết liền mất sinh kế.

Và một vấn đề hệ trọng nữa là số liệu thống kê. Số liệu thống kê hiện nay mà giới khoa học đã nhiều lần lên tiếng là không chính xác, dẫn tới việc chỉ đạo xuất nhập khẩu có vấn đề, gây thiệt cho nông dân.

Đơn cửa, tính toán trên thức ăn đầu vào, sản lượng, giá trị thực tế đầu ra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, thịt gia cầm là hơn 2 triệu tấn, thịt lợn hơi là gần 4 triệu tấn, thịt trâu bò 370.000 tấn. Tổng các loại thịt là hơn 6 triệu tấn.

Thế nhưng, với cách thống kê lấy mẫu vẫn áp dụng nhiều năm, chỉ phù hợp với chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, không phù hợp với hộ gia trại, trang trại, công nghiệp, con số mà Tổng cục Thống kê công bố vẫn là: Thịt gia cầm trên 800.000 tấn, tổng sản lượng thịt các loại chỉ đạt 3,2 triệu tấn/năm.

Chính số liệu thống kê thấp hơn nhiều so với thực tế được lấy làm căn cứ đã làm cho các chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà phân tích thị trường “nhiễu sóng”, dẫn tới việc nhận định “nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu”. Từ đó, cứ khuyến khích phát triển đàn dư thừa.

Rồi việc buông lỏng quản lý mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập - tái xuất cũng đang nhức nhối. Trong năm 2017, ta cho tạm nhập - tái xuất thực phẩm đông lạnh trên 5,7 triệu tấn gồm dạ dày, lòng lợn, đù gà, cánh gà, chân trâu bò, phụ phẩm trâu, bò, lợn...

Về nguyên tắc, tất cả số lượng mặt hàng này phải xuất hết sang nước thứ ba, không được tiêu dùng tại Việt Nam. Nhưng không cơ quan chức năng nào nắm được có bao nhiêu phần trăm trong số 5,7 triệu tấn được xuất sang nước thứ ba, bao nhiêu cố tình giữ lại để tiêu thụ ở Việt Nam.

Hàng triệu tấn này tiêu thụ ở Việt Nam đang gây phá vỡ sản xuất ngành chăn nuôi bởi mặt hàng chân, cánh, gà, nội tạng hết đát, rẻ như cho vì nước sở tại chỉ mong chuyển đi  khỏi mất chi phí tiêu hủy. Hậu quả lại là người nông dân, chăn nuôi phải gánh tất, sao cạnh tranh nổi.

Và cuối cùng là tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, “vàng thau lẫn lộn” khiến nông dân sản xuất chân chính điêu đứng, thua lỗ.

Những vấn đề trên cùng những trăn trở, suy tư, tâm tư và nguyện vọng của nông dân sẽ được tỏ bày, lắng nghe bàn giải pháp tháo gỡ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.

Để từ đó sẽ là động lực để nông dân chứ không ai khác có thể làm tiếp một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản không chỉ dừng lại ở con số 36 tỉ USD.

Chúng tôi tin, nếu đồng lòng, quyết tâm, chúng ta có thể làm được!