Ở đó, lần đầu tiên tôi được thấy ai đăng ký phát biểu đều được nói, ai muốn nói gì đều thoải mái nói… Thậm chí ngay cả khi họ chửi bới cũng được lắng nghe. Ngay cả những người làm công tác bảo vệ hôm ấy cũng nhẹ nhàng với người dân dù họ nhiều lúc mất kiểm soát bản thân.
Còn tôi, 2 tuần qua đã tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của những cư dân mất nhà, tận mắt chứng kiến các khu tạm cư không khác gì chuồng heo nằm bên cạnh những khu đô thị sầm uất, hoành tráng mới mọc lên trên những dẻo đất thu hồi của người dân. Và tại buổi tiếp xúc, tôi chỉ thấy một nỗi uất nghẹn!
Bà Nguyễn Thị Giáp, vợ của ông Hoàng Văn Lực (cựu chiến binh 70 năm tuổi Đảng), đang sống trong ngôi nhà thuộc diện giải tỏa. Bà cho biết chỉ được đền bù hơn 9 triệu đồng/m2 và tiêu chuẩn tái định cư 7,75m2. (Ảnh: Hồ Văn)
Ai uất nghẹn? Là những cư dân tan cửa, nát nhà do Khu Đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm đang bị biến dạng vì những mưu cầu lợi ích của một nhóm người đã đẩy người dân đến tận cùng nỗi thống khổ.
Ở buổi tiếp xúc, nỗi uất nghẹn của họ, vốn bị dồn nén từ gần 20 năm nay, được đẩy lên tới đỉnh điểm. Và hóa thành những giọt nước mắt, những lời chia sẻ từ gan ruột. Thậm chí, ngay cả những người đàn ông từng trải, sống qua gần một đời người cũng phải rơi nước mắt. Còn những người phụ nữ thì ngất đi...
Không uất nghẹn sao được khi đang sống yên ổn lại bị đẩy ra đường, trở thành người vô gia cư. Không uất nghẹn sao được khi 1m2 đất của họ được đền bù với giá tiền chỉ bằng 3 tô phở, để rồi qua tay các "đại gia bất động sản", được bán với giá hàng trăm triệu đồng. Không uất nghẹn sao được khi nhà cửa của họ nằm ngoài ranh quy hoạch lại bị thu hồi với một quyết định điều chỉnh quy hoạch trái thẩm quyền của UBND TP.HCM.
Nỗi uất nghẹn của họ được dồn nén qua hành trình khiếu kiện kéo dài 10 năm, nhưng những tiếng kêu của họ, những chồng hồ sơ gửi đi, không hiểu vì lý do gì, cho tới nay vẫn chưa nhận được những câu trả lời thỏa đáng (?)
Khu tạm cư nhếch nhác của các cư dân bị giải tỏa. (Ảnh: Hồ Văn)
Tôi còn thấy nỗi uất nghẹn đến mức “nín lặng” của ông Chủ tịch quận 2 ở buổi tiếp xúc cử tri khi ông thay mặt chính quyền quận trả lời người dân bằng một văn bản được in sẵn. Và nó không đủ lý lẽ để thuyết phục, xoa dịu hay giải tỏa được sự bức xúc của người dân mà chỉ như đổ thêm xăng vào lửa. Để rồi chính ông phải hứng chịu những lời to tiếng nặng nề từ người dân.
Khi đó, tôi nhìn thấy ông Chủ tịch ngồi yên lặng. Không hiểu ông nghĩ gì ngay lúc đó. Nhưng tôi thấy có một điều, gần như là sự bất lực, trong ánh mắt ông (?) Môi ông run run muốn nói gì đó mà không thốt nên lời trước hành động dường như không được kiềm chế. Rõ ràng, người dân có lý do để bức xúc đến vậy.
Tôi và nhiều đồng nghiệp tác nghiệp tại buổi tiếp xúc chiều tối qua thấu hiểu điều này, khi ông Chủ tịch quận không đủ thẩm quyền để giải quyết những câu hỏi quá lớn người dân đặt ra. Trách nhiệm đặt lên vai ông quá lớn, quá nặng. Ông chỉ biết im lặng, khi bỗng nhiên bất đắc dĩ trở thành người đang trực tiếp chịu trận và giải quyết “hậu quả” mà những người tiền nhiệm để lại.
Còn ai uất nghẹn nữa? Là những phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại buổi tiếp xúc cử tri và cả những lần đi thực tế ghi nhận đời sống cơ cực của người dân Thủ Thiêm.
Vì sao chúng tôi uất nghẹn? Bởi chúng tôi cũng thấu hiểu nỗi đau của bà con Thủ Thiêm. Bởi chúng tôi đi tác nghiệp không chỉ với cái đầu lạnh mà với cả trái tim nóng. Nhịp tim của chúng tôi nhiều lần lỡ nhịp với cảnh đời cơ cực của cư dân.
Trạng thái của chúng tôi đi từ chỗ chia sẻ đến thấu hiểu và rồi cũng uất nghẹn trước những giọt nước mắt của dân tại buổi tiếp xúc, uất nghẹn trước những tiếng gào thét suốt 10 năm kiệt quệ thân xác, tinh thần và khánh kiệt gia sản theo hành trình của dự án ĐTM Thủ Thiêm.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi tại buổi ĐBQH tiếp xúc cử tri phải thốt lên: "Sao mà dã man thế? Sao mà, sao mà…?". Nhưng không ai thốt nên lời!
Bên cạnh khu tạm cư là những khu đô thị sầm uất, hoành tráng mọc lên ngay trên đất thu hồi của người dân. Ảnh: Hồ Văn
Ở buổi tiếp xúc đó, cư dân Thủ Thiêm với bao hy vọng được ĐBQH giải đáp thỏa đáng những gì họ đòi bao năm nay, nhưng hy vọng rồi được cái gì?
Chúng tôi chỉ nghe tổ đại biểu trả lời một cách chung chung, nào là sẽ ghi nhận ý kiến của bà con báo cáo lên cấp trên, Trung ương; nào là rất chia sẻ và thông cảm với đời sống của bà con… Rồi thì lời hứa hẹn vẫn sẽ đồng hành cùng bà con, với tư cách đại biểu của dân sẽ đốc thúc chính quyền nhanh chóng giải quyết những bức xúc và quyền lợi của bà con.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Đại biểu Quốc hội hứa tại buổi tiếp xúc: “Tôi còn làm Đại biểu Quốc hội thì sẽ còn tiếp tục giám sát để cùng các cấp chính quyền giải quyết thỏa đáng cho bà con”. Đó dù sao vẫn là lời hứa hẹn.
Với cư dân Thủ Thiêm, họ nói gì? Lời hứa này nghe quen lắm, qua bao nhiêu lần tiếp xúc, đối thoại cũng chỉ nhận được kiểu trả lời chung chung như thế thôi, để rồi hy vọng qua từng buổi tiếp xúc, từng buổi đối thoại dồn nén thành nỗi uất nghẹn. Nói như một cử tri lớn tuổi, chị Tâm gặp chúng tôi nhiều lần rồi, cả ở thành phố, cả ở Hà Nội nhưng có giải quyết được gì đâu (?)
Chị Tâm bảo sẽ báo cáo lên cấp trên ư? Cấp trên biết hết rồi. Báo cáo ra Trung ương ư? Trung ương biết hết rồi. Vậy mà có ai giải quyết cho dân đâu? Một cư dân phải nói thẳng: “Chị Tâm không làm được, không giải quyết cho dân được thì nên nghỉ làm”.
Khu ĐTM Thủ Thiêm từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại, trung tâm hành chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế. Nhưng nói như nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh: “Đồng tiền đang làm biến dạng Khu ĐTM Thủ Thiêm”. Ở đó, những khu đô thị sầm uất, hoành tráng được đánh đổi bằng hàng chục nghìn hộ dân bị đẩy ra đường, trở thành người vô gia cư, sống cơ cực trong các khu nhà tạm cư…
Nỗi uất nghẹn đó không thể diễn tả bằng bút mực!