Trước mặt chúng tôi là một cậu học sinh lớp 5, chỉ nặng chừng 22kg, tay chân gầy gò, xanh xao và một bên lá lách bị dập khiến bụng phình to.
Lau vội giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chị Hồ Thị Yến (hiện ở thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai), mẹ của Giang kể lại: “Từ khi biết Giang bị bệnh tan máu bẩm sinh, gia đình đã bán hết ruộng vườn để chạy khắp các bệnh viện chữa trị cho con, cứ khoảng nửa tháng lại đến bệnh viện truyền máu.
Sau gần 10 năm trời đưa con đi chữa bệnh, bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Tài sản cuối cùng là căn nhà tôi cũng phải bán với giá 80 triệu đồng để gửi tế bào gốc của Giang tại bệnh viện Truyền máu huyết học TP.Hồ Chí Minh nhằm tìm ra mẫu tủy phù hợp ghép cho cháu”.
Vì bị dập một bên lá lách nên bụng của Giang đang phình to lên từng ngày. Ảnh Trần Hiền
“Cháu muốn được sống, muốn được đi học, được đi làm để giúp mẹ cô ạ! Chỉ sợ cháu không còn sống được lâu để làm những việc đó nữa...”. (Cháu Lương Văn Giang) |
Theo chị Yến, chi phí ghép tủy lên tới hơn 1 tỷ đồng. Nhưng nguy hiểm hơn là cháu Giang hiện nay đang bị dập một phần lá lách khiến một bên bụng của cháu căng tròn. Chỉ cần ngã mạnh thì phần lá lách sẽ dập ra, có thể dẫn đến tử vong. Trừ những lúc đi học, thời gian còn lại cậu bé ngồi cạnh cây xăng chờ mẹ tan ca làm.
Hiện chị Yến đang làm nhân viên bơm xăng tại thị trấn Đắk Đoa, còn anh Lương Văn Hà (bố Giang) phải đi lên TP.Pleiku đánh giày, bốc vác thuê. Ngoài Giang, gia đình chị Yến còn có thêm cháu Lương Văn Tâm (3 tuổi), nhưng rất may cháu Tâm không bị bệnh, mà vì hoàn cảnh khó khăn nên được gửi về bà nội nuôi hộ.
Đôi tay của em đã dày đặc những vết truyền máu. Ảnh Trần Hiền
Hàng ngày, sau khi chị Yến tan ca làm, 2 mẹ con lại “chui rúc” trong một nhà kho chật chội của cây xăng. “Khổ nhất là những lúc bệnh viện hết máu, phải chạy khắp nơi để xin máu cho con. Nhìn con ngày một xanh xao và chân tay tong teo, đêm đến lại sốt cao khiến lòng tôi quặn thắt. Điều mà tôi lo sợ nhất là giờ đây lá lách cháu bị dập mà chưa có tiền phẫu thuật. Chỉ cần cháu bị ngã mạnh thì nguy cơ vỡ lá lách dẫn đến tử vong là rất cao…”, chị Yến nói trong nước mắt.
Hàng ngày em Giang ngồi cạnh cây xăng chờ mẹ tan ca làm, không dám nô đùa cùng bạn bè vì sợ ngã vỡ lá lách. Ảnh Trần Hiền
Tuy người cậu bé rất yếu nhưng hàng ngày trừ những lúc đi truyền máu, Giang vẫn cố gắng cắp sách đến trường. Dù mỗi tháng Giang chỉ đi học được một tuần nhưng cậu vẫn theo kịp bạn bè, năm nào Giang cũng đều có giấy khen đưa về khoe với mẹ.
Thầy Nguyễn Văn Trung – giáo viên chủ nhiệm của Giang - cho biết: “Những giờ ra chơi Giang không thể chơi đùa cùng các bạn, vì một phần lá lách của em bị dập, nếu ngã xuống rất nguy hiểm. Do vậy những lúc đó Giang lấy sách vở ra luyện chữ và đọc bài".
Cũng theo thầy Trung, có nhiều lần Giang đã ngất tại lớp, mặt xanh xao, yếu ớt, các bạn thương Giang nên đôi lúc cũng góp sữa để cho em.
"Giang là một học trò chăm chỉ, ngoan ngoãn, nhưng tiếc là... Tôi chỉ mong các nhà hảo tâm trên cả nước có thể san sẻ tấm lòng giúp em có tiền đi phẫu thuật lá lách và truyền máu hàng tháng…”, thầy Trung tâm sự.
Chân tay cậu bé đang teo tóp dần. Ảnh Trần Hiền
Tiếp xúc với chúng tôi, Giang tỏ ra là một cậu bé có sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường dù phải mang 2 căn bệnh hiểm nghèo. Khi tôi hỏi em ước muốn điều gì, cậu bé 11 tuổi nói: “Cháu muốn được sống, muốn được đi học, được đi làm để giúp mẹ cô ạ! Chỉ sợ cháu không còn sống được lâu để làm những việc đó nữa...”.
Còn chị Yến nói trong nước mắt: “Vì nhà đã bán nên 2 mẹ con đành phải sống trong kho xăng này. Sức khỏe của tôi sao cũng được, chỉ thương cháu còn nhỏ, lại mang bệnh trong người. Cháu ngày một yếu đi vì thường xuyên ngửi mùi xăng.
Chỉ có điều tiền chữa trị cho cháu mỗi tháng lên tới 3 - 5 triệu đồng nên gia đình không còn cách nào khác, đành sống tạm trong kho xăng này để dành tiền đi truyền máu cho con". Ngoài ra, buổi tối chị Yến còn tranh thủ đi nhặt ve chai, gom góp thêm tiền để chuẩn bị đưa cháu đi phẫu thuật lá lách.
|