Dân Việt

Nông dân điêu đứng với tin đồn thất thiệt về giá nông sản

Đình Việt 02/06/2018 15:05 GMT+7
Những năm gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những tin đồn thất thiệt liên quan tới nông sản gây thiệt hại nặng nề tới sản xuất và thu nhập của người nông dân. Luật sư cho rằng, hành vi này đã vi phạm pháp luật.

Điêu đứng vì tin đồn nhảm

Mới đây nhất là tin đồn liên quan đến quả vải thiều ở Bắc Giang. Theo đó, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện một số thông tin cho rằng việc tiêu thụ vải thiều của người dân ở tỉnh Bắc Giang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có nơi tiểu thương bị “ép” giá chỉ còn 3.000 đồng/kg, khiến người dân hoang mang, chán nản.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân Việt, đó là những thông tin hoàn toàn thiếu cơ sở. Ngày 2.6, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức phát đi thông báo với nội dung bác bỏ thông tin vải thiều Bắc Giang xuống giá kỷ lục ngay đầu mùa. Tỉnh Bắc Giang khẳng định không có chuyện vải rẻ 10.000 đồng 3 kg, dân phải đổ xuống sông.

img

Những thông tin không chính xác trên mạng xã hội về quả vài thiều những ngày gần đây khiến nông dân khốn khổ. Ảnh: IT

Ngoài tỉnh Bắc Giang, thông tin kêu gọi giải cứu vải ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội những ngày vừa qua, nhưng ông Ngô Đức Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, khẳng định không có chuyện nông dân hay cơ quan chức năng trong huyện kêu gọi giải cứu tiêu thụ vải khi mùa vụ năm nay chỉ vừa mới bắt đầu.

Trước đó, vào ngày 11.1.2016, Cơ quan Nông sản và Thực phẩm Singapore (VAV) lên tiếng bác bỏ thông tin từ báo Today Online (Singapore), khoai lang Việt Nam bị đổi sang màu xanh lục do bị nhiễm chất độc màu da cam từ đất.

Cụ thể, từ chia sẻ của một người dùng mạng xã hội Facebook ở Singapore ngày 4.1.2016 cho biết: "Chị gái mình đã mua khoai lang Việt Nam về ăn. Sau khi luộc và cất trong tủ lạnh qua đêm, người này phát hiện khoai lang đã chuyển sang màu xanh". Đồng thời khẳng định: Đã hỏi ý kiến một bác sĩ thì có nghi vấn rằng rất có thể khoai đã được trồng trên khu vực nhiễm “chất độc da cam”.

VAV khẳng định người này không có kiến thức về khoai lang đồng thời bảo đảm chất độc màu da cam không phải là nguyên nhân khiến khoai lang chuyển sang màu xanh. Cơ quan này cũng khẳng định các sản phẩm nhập khẩu vào Singapore, trong đó có khoai lang Việt Nam, thường xuyên được kiểm tra về các thành phần hóa chất.

Tháng 7.2016, một người dung Facebook có tên D.T.N đã đăng tải lên trang cá nhân đoạn clip do anh thực hiện, với mục đích cảnh tỉnh người tiêu dùng trong việc mua và ăn loại xoài đang được bày bán khắp các chợ thời gian qua - xoài mút.

Theo như video clip, chủ tài khoản tiến hành gọt xoài và tách lấy hạt bên trong. Nhưng khi chẻ đôi hạt xoài thì phát hiện bên trong không có hạt mà chỉ có một lớp nylon màu trắng.

Clip thu hút sự quan tâm lớn của người xem, chỉ sau gần nửa ngày, đoạn video tố xoài giả trên đã hút hơn 2,2 triệu lượt xem. Ngay sau khi được đăng tải trên mạng, video clip này nhận được phản hồi từ rất nhiều cư dân mạng.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, giống xoài trong clip vừa lan truyền trên mạng có nguồn gốc Trung Quốc và đã được trồng ở Việt Nam, thông tin trên hoàn toàn thiếu căn cứ. Tuy nhiên, từ khi tin đồn xoài Trung Quốc làm bằng nylon, nhiều sạp kinh doanh loại xoài này rơi vào cảnh ế ẩm.

Những năm trước đó, liên tiếp người nông dân bị tin đồn khiến sản phẩm mình làm ra ế ẩm, lỗ nặng. Chẳng hạn như ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị đồn ăn chuối lùn có thuốc sẽ bị ung thư khiến nông dân phải đem chuối cho bò ăn...

Hay như tin đồn nhãn ở Hưng Yên được chiếu lưu huỳnh cho trái sáng bong, cá rô phi bằng thuốc trừ sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Có thể phải ngồi tù

Sau những thông tin này, nhiều độc giả, người dân đã lên tiếng phản đối và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt.

Bạn đọc Nguyễn Thái bức xúc nói: “Tôi là người sinh ra và lớn lên tại Bắc Giang, mấy ngày gần đây đọc được những thông tin, clip không chính xác trên mạng xã về quả vải thiều quê nhà sao mà bực thế. Nông dân vốn đã khổ rồi, nay vì mấy dòng tin không chính xác mà khốn đốn hơn. Chẳng lẽ, chỉ vì mấy cái “like” ảo trên mạng mà người ta bán rẻ lương tâm”.

img

Luật sư Trương Quốc Hòe. Ảnh: NVCC

Độc giả Nguyễn Hữu Quang cũng nêu quan điểm: “Thực tế, từ trước đến nay, nhiều người bị xử phạt vì tung tin đồn nhảm lên mạng sao nhiều người vẫn cố bất chấp để rồi người khác phải khốn khổ, đặc biệt là tin thất thiệt liên quan đến người nông dân. Vì không chịu tìm hiểu hay chỉ vì một mục đích nào khác. Tôi cho rằng, dù với mục đích nào thì những người này cũng phải bị xử lý nghiêm”.

Dưới góc độ pháp luật, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc tung tin đồn lên thất thiệt lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của người nông dân là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu qua xác minh mà xác định được thông tin mà người dùng Facebook đăng lên là giả mạo, người đăng tải có thể sẽ bị xử lý. Bởi, người đăng thông tin trên mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đưa ra.

Nếu thông tin được đưa ra không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tới dư luận, vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ phải đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.

Luật sư Hòe trích dẫn, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015 người phạm tội có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù về “Tội vu khống”.