Dân Việt

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói gì về 71 dự án vốn đầu tư 17 tỷ USD?

Hoàng Thành 18/06/2018 13:30 GMT+7
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, UBND TP đã đề xuất với Thành ủy, HĐND TP đưa ra Kỳ họp thứ 6 HĐND TP (họp vào đầu tháng 7.2018) xem xét, thông qua để từ ngày 1.8.2018, TP.Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Mới đây, tại hội nghị Hà Nội – 2018 Hợp tác Đầu tư và Phát triển, UBND TP.Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 17 tỷ USD tương đương gần 400.000 tỷ đồng. 

Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Vingroup, BRG, T&T, Văn Phú Invest... và các tập đoàn nước ngoài như Hitachi, Sumimoto... nhận chứng nhận đầu tư. 

Trong 71 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, có 11 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu USD), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Các dự án này thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, công nghiệp, du lịch, nhà ở, khu đô thị….

Trao đổi với báo chí về việc Hà Nội sẽ tạo điều kiện như thế nào để các dự án này nhanh chóng được triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 71 dự án đầu tư được UBND TP trao quyết định chủ trương, giấy mời chứng nhận đầu tư có những dự án quy mô rất lớn. Điển hình như dự án "Thành phố thông minh" tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) với vốn đầu tư lên đến 94.349 tỷ đồng của Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản). Trước khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Sumimoto, UBND TP.Hà Nội đã xem xét một cách kỹ lưỡng dự án.

img

Phối cảnh thành phố thông minh Bắc Hà Nội

Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đây là dự án mà UBND TP đã thực hiện một cách nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ  hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong việc  xúc tiến đầu tư, kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Theo đó, ngay từ năm 2015, Tập đoàn Sumimoto đã đề xuất đầu tư dự án “Thành phố thông minh”, sau gần 3 năm xem xét các điều kiện nhà đầu tư đưa ra, đây cũng là thời gian nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, chứng minh được tính khả thi cũng như mục tiêu của dự án. Trong thời gian tới, TP.Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để sớm hoàn tất các thủ tục giao đất và các thủ tục liên quan và sớm khởi công dự án này.

Để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Hà Nội cho biết, với chính sách kiên trì, kiên định, Hà Nội sẽ luôn đồng hành với DN theo hướng các dự án kêu gọi vốn đầu tư đều được công khai; khi có nhà đầu tư trong nước và quốc tế tìm hiểu dự án UBND TP phân công lãnh đạo các cấp tiếp thu, trả lời thấu đáo những khúc mắc và những vấn đề DN cần tìm hiểu cũng như hướng dẫn DN đầu tư thiết lập hồ sơ một cách chặt chẽ khi đủ các điều kiện cần thiết sẽ cấp ngay giấy phép đầu tư.

img

Với chính sách kiên trì, kiên định, Hà Nội sẽ luôn đồng hành với DN theo hướng các dự án kêu gọi vốn đầu tư đều được công khai

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thông tin, UBND TP đã đề xuất đưa ra Kỳ họp thứ 6 HĐND TP sẽ họp vào đầu tháng 7.2018 thông qua, để từ ngày 1.8.2018, TP.Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập DN. Đến nay, 100% thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đều thực hiện trên môi trường mạng.

“Khi thành lập doanh nghiệp bạn chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà của bạn” – ông Nguyễn Đức Chung nói.

Liên quan đến việc nhiều dự án được TP tạo điều kiện cởi mở cho các doanh nghiệp nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn, Chủ tịch Hà Nội cho rằng để khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng, TP thực hiện chặt chẽ các thủ tục theo đúng pháp luật, làm tốt công tác truyền thông, công khai, minh bạch tới từng người dân nơi dự án triển khai để tạo đồng thuận, chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp chặt chữ nhất là phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Nói về những khó khăn trong quá trình kêu gọi xã hội hóa nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, Chủ tịch Hà Nội thừa nhận, hiện nguồn vốn đầu tư công hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng được 15-17%. Theo đó, Hà Nội phải kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho 80-83% nhu cầu cần thiết. Để tháo gỡ vấn đề này, hiện TP.Hà Nội tập hợp các vướng mắc khó khăn trên các lĩnh vực BT, BOT... qua đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, quy trình mới theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ đảm bảo lợi ích nhà nước, người dân.

Một số dự án lớn được TP.Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư ngày 17.6:

Dự án trường quốc tế Park City Hà Nội do Công ty CP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam đầu tư với kinh phí 115 tỷ đồng

Dự án KĐT Tây Mỗ, Đại Mỗ Quận Nam Từ Liêm do Công ty CP Đầu tư phát triển Tây Hà Nội với 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm đầu tư 87.385 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị Tây Mỗ có tổng mức đầu tư 80.000 tỷ đồng

Dự án xây dựng Thành phố thông minh tại thị trấn Đông Anh do tập đoàn Sumimoto Nhật Bản và Tập đoàn BRG hợp tác đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng.Dự án Trung tâm thương mại Lotte Mall do tập đoàn Lotte đầu tư 13.407 tỷ đồng

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên phần mềm tại thị trấn Đông Anh do Tập đoàn Vingroup đầu tư 7.873 tỷ đồng

Khu nhà ở phức hợp xã hội do Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô đầu tư 7.002 tỷ đồng

Nhà máy bia Heniken tại huyện Thường Tín với tổng mức đầu tư  4.800 tỷ đồng

Khu đô thị Cuộc sống mới tại thị trấn Đan Phượng với tổng mức đầu tư 4.332 tỷ đồng

4 dự án công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư 3.506 tỷ đồng

Dự án Nhà máy xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn do Tập đoàn T&T Group và Hitachi Zosen đầu tư 2.500 tỷ đồng

Khu phức hợp tại phường La Khê, Hà Đông với tổng mức đầu tư 2.445 tỷ đồng

Trong số các dự án được trao giấy chứng nhận chủ trương đầu tư lần này, tập đoàng Vingroup nổi bật với 2 dự án tại Gia Lâm và Nam Từ Liêm. Đó là tổ hợp khu đô thị tại huyện Gia Lâm nằm tại thị trấn Trâu Quỳ và các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn (quy mô dân số 89.000 người) và một khu đô thị tương tự ở Nam Từ Liêm, quy mô 80.000 người.

Cũng trong dịp này, TP.à Nội, các tỉnh, thành phố trong Vùng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã trao 24 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 70.000 tỷ đồng.