Nhận định này của người đứng đầu ngành giao thông lập tức gây nên phản ứng của người dân. Bởi lâu nay ai cũng biết rằng, chính nhiều dự án BOT đã vi phạm quyền lợi chính đáng của người dân, khiến người dân phản ứng để đòi lại chứ không phải cố tình gây chuyện.
Vậy mà nay, Bộ trưởng nói như thể các dự án BOT là nạn nhân, còn người dân mới là chủ thể “sinh chuyện”. Quan điểm này khiến nhiều người cho rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã không chịu nhìn nhận đúng những vi phạm trong các dự án BOT, mà còn cố tình đổ tiếng ác cho người dân.
Trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang bị các tài xế phản ứng, trả tiền lẻ, gây ùn tắc kéo dài.
Trước hết, chúng tôi đồng ý rằng, nếu không huy động vốn xã hội thì sẽ không thể nào hoàn thiện được hệ thống hạ tầng giao thông. Nhưng điều rất quan trọng mà chắc chắn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải hiểu hơn ai hết, là BOT chỉ thúc đẩy phát triển nếu là BOT thực sự đúng nghĩa như các nước đã làm, là tư nhân đầu tư hoàn toàn từ A đến Z, chứ không phải BOT biến tướng như hiện nay ở Việt Nam. Và đó là lý do để nhiều tháng qua, người dân đã phản ứng mạnh mẽ tại nhiều trạm thu phí BOT.
Tôi tin chắc Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thừa biết rằng, các dự án BOT bị dân phản ứng đều là những dự án thiếu minh bạch, như Bến Thủy (Nghệ An), Cai Lậy (Tiền Giang), Bờ Đậu (Thái Nguyên), Quán Hàu (Quảng Bình)… Bởi các trạm BOT này đều có chung kịch bản (chắc cũng chung đạo diễn luôn): Tư nhân đầu tư làm đường một nơi và đặt trạm thu phí một nẻo. Cách thức chung là nhà đầu tư tráng một lớp nhựa hoặc sửa chữa vặt trên con đường Nhà nước đã xây dựng lâu nay, để “dây máu ăn phần” rồi ngang nhiên thu phí như thể doanh nghiệp đầu tư xây đường mới hoàn toàn.
Như vậy, việc không minh bạch ở nhiều trạm BOT vẫn diễn ra là có thực. Cũng xin được nhắc lại hàng loạt vi phạm ở các dự án BOT mà tháng 9.2017 Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, để Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhớ. Đó là việc triển khai 70 dự án mà 100% đều là chỉ định thầu; hầu hết các dự án thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, càng gây ùn tắc giao thông; trạm thu phí đặt quá gần nhau, giá phí cao, tăng nhanh, đặc biệt là không cho người dân có quyền lựa chọn đường đi khi đặt ở các nơi độc đạo; thời gian thu phí kéo dài là gánh nặng cho người dân... Dự án thực hiện 30% nhưng giá thu phí như dự án đầu tư mới, đặc biệt là đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án…
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về vi phạm của các dự án BOT cũng vạch ra sự thiếu minh bạch của đa số các dự án BOT trong tổ chức thực hiện, đấu thầu đấu giá và quản lý thu phí.
Vi phạm của các dự án BOT nhức nhối đến mức khiến vấn đề này nhiều lần phải đặt lên bàn Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về sự vi phạm trong các dự án BOT: Có tới 17 dự án đặt sai vị trí, 3 dự án người dân không đi vẫn phải trả tiền. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng “các dự án BOT đang gây bức xúc” và “báo cáo của kiểm toán gửi cho đoàn giám sát nêu ra rất nhiều tồn tại, bất cập liên quan tới các dự án BOT chứ không như Bộ trưởng giải trình”.
Chúng tôi cũng xin được trích kết luận của Thanh tra Nhà nước: “Những bất cập đó đều ảnh hưởng nhất định đến lợi ích nhà đầu tư, Nhà nước và đặc biệt là tạo áp lực về giá phí cao đối với người dân; thực tế đã xảy ra một số vụ việc người dân bức xúc, tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm”.
Tài xế tổ chức phản đối BOT Bờ Đậu, Thái Nguyên.
Như vậy, chính những vi phạm của các dự án BOT mới là nguyên nhân khiến người dân phải tụ tập để phản đối, nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, chứ không phải người dân cố tình tìm các dự án BOT để gây rối. Ở đây, khi nói “các tổ chức gây rối thường tập trung vào các dự án BOT” rõ ràng là đã có sự đánh tráo khái niệm, khi biến vi phạm của các dự án BOT thành cái sai của người dân. Đặc biệt khi người dân đòi quyền lợi thì bị coi là gây rối, kể cũng lạ cách tư duy của Bộ trưởng Thể, đồng thời cũng là một đại biểu của dân.
Sau khi Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước kết luận, kiến nghị khắc phục, xử lý vi phạm, thì đến nay, việc khắc phục vi phạm của các trạm BOT hầu như chưa nhìn thấy. Trong 17 dự án đặt sai vị trí, 3 dự án người dân không đi vẫn phải trả tiền, đã thấy dự án nào được khắc phục? Đã có trạm BOT nào đặt sai vị trí phải chuyển về đúng chỗ của nó? Sai rõ ràng vẫn không sửa, mà muốn người dân lại mãi câm lặng chịu đựng hay sao?
Đến giờ này, cũng chưa thấy Bộ Giao thông Vận tải công khai việc khắc phục và xử lý theo 2 kết luận trên, đủ thấy tinh thần tiếp thu của Bộ này ra sao!
Chưa kể, việc biến báo từ “thu phí” thành “thu giá” không theo chuẩn mực ngôn ngữ của người Việt đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội, thậm chí đến Chủ tịch Quốc hội cũng không chịu nổi, nói gì đến dân – những người hàng ngày phải va đập với đủ các thuế phí mà ở lĩnh vực giao thông vận tải là một gánh nặng.
Không thể thoái thác trách nhiệm bằng cách đổ cho người tiền nhiệm, mà dù ai gây ra thì người kế nhiệm vẫn phải xử lý. Chẳng lẽ khi nhận nhiệm vụ, người kế nhiệm chỉ nhận những gì “xôi, nạc”, còn “xương xẩu” thì đổ lỗi mà không cần vắt óc tìm phương kế giải quyết hay sao?
Người trước có đổ “rác” ra mà người sau xử lý sạch được mới là người tài, còn đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cả người đi trước lẫn nhân dân, không phải là tư cách của người quân tử, đặc biệt, lại là đại biểu của nhân dân.