Thầy Ngọc cùng 2 thầy phát giác tiêu cực thi cử ở Hà Giang
Gian lận thi cử “động trời” ở Hà Giang cùng những biểu hiện tương đồng ở các địa phương khác đã khiến dư luận không khỏi sốc, bàng hoàng. Sau cuộc phỏng vấn thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (giáo viên một trung tâm đào tạo trực tuyến ở Hà Nội) - một trong 3 người đầu tiên phát giác những tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang ra ánh sáng, chúng tôi mới thấu hiểu những sức ép khủng khiếp mà những người trong cuộc đang trải qua.
“Ai là người dũng cảm?”
Phóng viên: Các anh đã chịu áp lực như thế nào trong hơn 1 tuần qua?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Chúng tôi rất căng thẳng! Khi Bộ GD-ĐT công bố những tiêu cực thi cử ở Hà Giang, mọi người đã thở phào vì nghĩ sự việc đã kết thúc rồi. Nhưng không ngờ sự việc có quy mô, tính chất quá khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng khi những địa phương khác vẫn đang tiếp tục tố giác những bất thường.
Đến giờ tôi cảm thấy trách nhiệm với xã hội của chúng tôi đã hoàn thành rồi. Nhưng nhóm vẫn sống trong sự căng thẳng vì chịu áp lực về sự kỳ vọng của mọi người. Học sinh ở rất nhiều nơi thi nhau gửi về những tiêu cực thi cử ở địa phương mình. Chúng tôi cố gắng đọc tất cả những tin nhắn đó.
Phóng viên: Nhận được những tin nhắn đe dọa, 3 thầy có nghĩ đến chuyện bị trả thù không?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Lúc đầu phụ huynh và học sinh không ai dám đứng lên công khai phản ánh. Chúng tôi phân tích rằng, đấu tranh với cái xấu rất cần sự dũng cảm nhưng ai là người dũng cảm? Nếu tôi không đứng lên thì phụ huynh, học sinh Hà Giang biết trông cậy vào ai nên chúng tôi quyết làm đến cùng.
Giờ lại vất vả hơn những ngày đầu. Những đối tượng liên quan đến vụ tiêu cực này sẽ không quên chúng tôi, có thể sẽ trả thù, gây tai nạn, rủi ro. Tôi nghĩ là nếu cả nhóm không dũng cảm thì sẽ không còn ai tin tưởng và giúp đỡ nữa. Nghĩ đến điều đó nhóm chúng tôi không sợ nguy hiểm nữa.
Phóng viên: Gia đình có biết việc các anh làm không?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Có. Ai cũng rất căng thẳng và lo lắng nhưng ủng hộ việc lên tiếng vì sự công bằng và trách nhiệm với xã hội. Mọi người bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiểm soát tình hình của chúng tôi.
Phóng viên: 3 thầy nhận được sự hỗ trợ của mọi người như thế nào?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Nhóm đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô khác trong trung tâm và cả những anh chị làm ở viện nghiên cứu, trường đại học đang cộng tác giảng dạy ở trung tâm. Đặc biệt phải kể đến những em học sinh chúng tôi từng dạy. Nhóm may mắn khi đã tích lũy một số lượng học sinh online rất lớn nên nhờ các bạn ấy tìm lại được điểm thi thử lần 1, lần 2 của Sở GD-ĐT Hà Giang, điểm thi thử của các bạn trong danh sách điểm cao và cả gia thế của các bạn này.
Các em còn cẩn thận tới mức thống kê kiểm đếm những con số bất thường khối A, A1, rồi tổng hợp, dựng đồ họa cho dễ hiểu. Tất cả những việc đó được làm rất khẩn trương trong ngày 11/7. Đến đầu giờ chiều ngày 12/7 thì những thông tin tiêu cực thi cử ở Hà Giang đã bắt đầu xuất hiện trên mặt báo.
Đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn và cho thấy rằng khi lòng chính trực, dũng cảm và đoàn kết của mọi người lan tỏa thì sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn để đẩy lùi cái xấu.
Công an khám xét nhà ở của ông Vũ Trọng Lương - người trực tiếp sử dụng máy tính sửa chữa, nâng điểm của 114 thí sinh ở Hà Giang. Ảnh: NLĐ
Cơ hội để “đại phẫu” ngành giáo dục
Phóng viên: Theo dõi Bộ GD-ĐT xử lý việc này, anh thấy thế nào?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Điều đầu tiên tôi muốn nói là sai phạm trong thi cử ở Hà Giang không phải là điều Bộ GD-ĐT mong muốn. Bộ đã vào cuộc rất quyết liệt và trung thực. Theo tôi nghĩ, từ con số gây sốc công bố ra cho thấy Bộ này đã rất dũng cảm và thể hiện tính trách nhiệm bởi vì chính nhóm tôi theo sát kì thi từ đầu cũng không thể tưởng tượng nó lớn như thế.
Phóng viên: Có điều gì khiến anh “gợn” không?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: “Gợn” thì tôi không dám nói. Bản thân tôi có lòng tin vào Bộ GD-ĐT, chỉ băn khoăn những cơ quan khác có chung sự quyết tâm với Bộ hay không?
Có lẽ chỉ Công an tỉnh Hà Giang và Bộ GD-ĐT sẽ khó xử lý trọn vẹn vấn đề này. Chúng tôi rất mong có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của Bộ Công an, thậm chí là những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề tiêu cực trong thi cử như thế này trên cả nước.
Phóng viên: Qua sự việc này, các anh suy nghĩ đến điều gì?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Căn nguyên tiêu cực thi cử ở Hà Giang, theo tôi lỗi là ở con người. Cho dù anh có phối hợp các bên chặt chẽ như thế nào mà họ vẫn ngầm bắt tay với nhau thì vẫn không thể tránh khỏi tiêu cực.
Sự việc này là biểu hiện của sự tha hóa con người, suy thoái đạo đức xã hội. Đồng tiền, quyền lực, các mối quan hệ xã hội có thể chi phối đến sự trung thực trong thi cử mà còn ở rất nhiều vấn đề khác trong xã hội.
Tiêu cực ở Hà Giang chỉ là một biểu hiện đó thôi. Rất đáng buồn những tiêu cực lại len lỏi vào trong môi trường giáo dục. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nên nhìn nhận đây là “cơ hội” để “đại phẫu, cắt bỏ những khối ung nhọt” trong giáo dục (thở dài).
Phóng viên: Anh nghĩ sao khi trên mạng có ý kiến cho rằng các anh làm việc này nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, PR cho nơi các anh công tác?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Trong sự việc này, chúng tôi làm việc với tâm thế của một nhà giáo, một công dân, không gắn gì tới trung tâm chúng tôi dạy học. Mọi người cũng hiểu là không ai đánh đổi sự nguy hiểm của bản thân để đánh bóng tên tuổi cả.
Phóng viên: Cám ơn anh về cuộc phỏng vấn!
Một trong 3 thầy giáo ở Hà Nội đã chia sẻ hành trình phanh phui câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang ra ánh sáng.