Ở đa số các nước này, đối với hầu hết các thủ tục hành chính, người dân có nhu cầu thực hiện đều chỉ phải nộp hồ sơ tại một cửa ở cấp cơ sở, sau đó việc luân chuyển để giải quyết là của các cơ quan nhà nước. Như vậy, trụ sở chính quyền cấp cơ sở vừa phải thể hiện tính "oai nghiêm" của chính quyền, nhưng lại cũng phải thể hiện sự gắn bó với dân, cả về hình thức và nội dung. Vào đó, người dân vừa có cảm giác phải rất nghiêm túc, đồng thời cũng có cảm giác "hỉ hả" trong giải quyết công việc, cũng như lúc ra về.
Phối cảnh công trình trụ sở xã, phường được Sở QHKT đưa ra lấy ý kiến.
Vì vậy, khi quy trình giải quyết các công việc hành chính đã tạo nên nề nếp, chính quyền đã đạt được mức độ "sạch" cần thiết, người ta mong muốn có một hình thức cơ quan hành chính đồng nhất sao cho chứa đựng được văn hóa hành chính của đất nước. Từ đó, người ta cho rằng cơ quan hành chính cấp cơ sở cần thống nhất mọi mặt về hình thức từ quy hoạch mặt bằng, cảnh quan kiến trúc, kết cấu xây dựng, vật liệu, màu sắc, cho tới loại cây, loại hoa trong vườn, kiểu chữ trên tòa nhà, cũng như các biển hiệu chỉ dẫn.
Như vậy, ý kiến "mặc đồng phục" nêu trên của Hà Nội cũng đi theo đúng tư duy của lộ trình phát triển hệ thống hành chính trên thế giới. Những đề xuất cụ thể do Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu cũng không nằm ngoài những gì đã diễn ra tại các nước phát triển. Vấn đề còn lại là áp dụng xu hướng "đồng nhất hóa" hình thức cơ quan hành chính cấp cơ sở ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng như thế nào cho "phải", nhất là khi ngân sách nhà nước ở ta còn quá eo hẹp.
Xét về mặt kinh tế, người ta hay lấy tiêu chí phân tích chi phí - lợi ích ra để xem xét và quyết định. Nếu không thay đổi vị trí đất đai, công việc này đòi hỏi toàn bộ chi phí xây dựng từ ngân sách, lợi ích thu được chủ yếu về văn hóa. Trong nhiều trường hợp lợi ích văn hóa được đánh giá là vô giá thì việc đó cũng cần quyết định thực hiện.
Trong trường hợp của ta, lợi ích văn hóa là cao nhưng chưa đạt tới mức vô giá, nên việc quyết định thực hiện cần xem xét cụ thể hơn. Những trường hợp bắt buộc phải xây dựng lại trụ sở thì cần thực hiện theo đúng chuẩn mực hình thức đã được phê duyệt (hiện nay Sở Xây dựng đang hoàn thiện để trình lãnh đạo Hà Nội quyết định).
Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét phương án chuyển đổi địa điểm của những UBND phường, thị trấn đang tọa lạc tại thửa đất "vàng" sang thửa đất giá trị thấp nhưng đủ độ rộng. Cơ quan hành chính là nơi người dân buộc phải tới, không cần thiết ngự trên một thửa đất "vàng". Chênh lệch giá trị đất đai là nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở mới phù hợp chuẩn mực hình thức.
Mặt đứng công trình cấp phường, xã.
Xét về mặt xã hội, các cụ nhà ta khi xưa đã có câu "y phục xứng kỳ đức". Nghĩa bóng của câu này là rèn rũa nội dung cần làm trước, sau đó tùy theo nội dung mà ghép hình thức tương ứng cho phù hợp. Đối với hệ thống hành chính, việc cần làm trước là cơ quan hành chính phải hết được 2 bệnh cố hữu là quan liêu và tham nhũng. Lúc đó hình thức trụ sở theo đúng chuẩn mực mới có ý nghĩa, hình thức đẹp mà nội dung xấu cũng không phải là điều người dân mong đợi.
Như vậy, việc cần làm trước là tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, làm trong sạch bộ máy, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, hướng theo hệ thống hành chính thông minh. Khi đạt những tiêu chí chuẩn mực về nội dung, lúc đó hãy bàn tới việc chuẩn hóa hình thức.
Tóm lại, việc quyết định những tiêu chí chuẩn mực hình thức của trụ sở UBND xã, phường, thị trấn là việc lãnh đạo Hà Nội cần xem xét và ban hành sớm nhất. Việc thực hiện phải đưa ra theo một lộ trình dài hạn, có thể tới vài chục năm. Trước hết, áp dụng ngay cho những địa phương buộc phải xây dựng mới, xây dựng lại trụ sở UBND. Sau đó, nên xem xét việc cho phép chuyển đổi địa điểm đối với những trụ sở đang sử dụng đất "vàng" làm địa điểm. Nguyên tắc chung cần bảo đảm là không lãng phí ngân sách.
Việc ưu tiên hơn cần làm vẫn là hoàn thiện bộ máy hành chính về mặt nội dung để có bộ máy hành chính hiệu suất lớn, hiệu quả cao và sạch tham nhũng, trước khi cho "mặc đồng phục" hạng sang.