Trong trường hợp của bạn, khi bạn muốn mua ô tô từ chủ thể khác, bạn cần phải thỏa thuận được với bên bán về giá cả, phương thức thanh toán, địa điểm giao tài sản và phương thức giao tài sản,…
Hợp đồng mua bán phải có những nội dung chủ yếu sau:
- Đối tượng của hợp đồng mua bán;
- Chất lượng của tài sản mua bán;
- Giá và phương thức thanh toán;
- Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán;
- Địa điểm giao tài sản;
- Phương thức giao tài sản;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
Như vậy, bạn cần phải tìm hiểu về chiếc ô tô bạn chuẩn bị mua về chất lượng, kiểu dáng, màu sắc, các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với chiếc ô tô đó.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T
Theo quy định tại Điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe:
“g) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.”
Như vậy, bạn và bên mua phải thực hiện hiện ký kết hợp đồng mua bán xe tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Nhưng việc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ chứng thực được về chữ ký của người bán xe còn về nội dung hợp đồng và tính chính xác, đúng quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không có quyền xác thực. Do đó, hai bạn nên đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng mua bán xe để đảm bảo hình thức theo quy định và để làm thủ tục sang tên trên Giấy đăng ký xe.
Sau khi bên bạn đã xem xét và kiểm tra kỹ tình trạng xe, các loại giấy tờ xe cần thiết và thương lượng xong về giá bán thì việc tiếp theo hai bên cần thực hiện là tiến hành công chứng Hợp đồng mua bán xe. Hợp đồng mua bán xe ô tô cũ sẽ diễn ra tại phòng công chứng tư. Hai bên có thể đến bất kỳ phòng công chứng nào, miễn là thuận lợi cho cả hai để công chứng chững thực giấy tờ.
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết hai bên sẽ ký vào hợp đồng mua bán xe. Phòng công chứng xác nhận Hợp đồng, đóng dấu và thu phí (phí công chứng dựa trên % giá trị chiếc xe được mua bán). Hợp đồng sẽ được làm thành 3 bản chính, mỗi bên giữ 1 bản. Việc mua bán xe coi như đã hoàn tất.
Lưu ý: Trường hợp 2 bên mua bán ở 2 tỉnh khác nhau, người mua cần yêu cầu người bán rút toàn bộ hồ sơ gốc của xe tại cơ quan công an nơi ô tô đó đang đăng ký. Điều này là bắt buộc, nếu không người mua sẽ không thực hiện đăng ký sang tên đổi chủ được. Đây gọi là thủ tục chuyển vùng.
Đây là một trong số những thủ tục cần thiết trong quá trình mua bán xe cũ mà bạn cần nắm trước khi mua và sử dụng xe. Bạn cần mang theo giấy tờ xe và hợp đồng mua bán xe ô tô cũ đã được công chứng đến Chi cục thuế Quận/Huyện nơi mình sinh sống để nộp thuế trước bạ.
Tỷ lệ tính phí trước bạ dựa trên thời gian sử dụng xe kể từ năm sản xuất (năm sản xuất được tính là 1 năm) theo tỷ lệ phần trăm giá trị xe mới cùng loại. Người mua xe có thể tham khảo tỷ lệ tính phí trước bạ theo thời gian sau đây để tính toán được khoản phí trước bạ phải trả.
Căn cứ theo Điều 12, Điều 13 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe:
“Điều 12. Sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác
1. Tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục, không phải đưa xe đến kiểm tra nhưng phải xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 9 Thông tư này và nộp hồ sơ gồm:
a) Hai giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).
b) Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
c) Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.
Trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc Sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển quyền sở hữu xe.
Thủ tục sang tên đổi chủ xe cũ cần những giấy tờ gì? Ảnh minh họa. Nguồn: I.T
Điều 13. Đăng ký xe từ tỉnh khác chuyển đến
1. Chủ xe phải xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 9 Thông tư này và nộp hồ sơ gồm:
a) Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
b) Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
c) Giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển quyền sở hữu xe quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.
d) Hồ sơ gốc của xe theo quy định.”
Trong trường hợp của bạn, bạn có hộ khẩu ở Bắc Ninh, còn ô tô có biển số ở Hà Nội, do đó, bạn cần rút hồ sơ gốc của xe để có thể tiến hành đăng ký xe ở Bắc Ninh - nơi mà bạn có hộ khẩu thường trú.
Thứ nhất, hồ sơ rút hồ sơ gốc của xe tại cơ quan công an giữ hồ sơ gốc của xe ở Hà Nội, việc rút hồ sơ gốc có thể do bên mua hoặc bên bán thực hiện nhưng trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền thường yêu cầu chủ sở hữu của xe rút hồ sơ gốc. Hồ sơ xin rút hồ sơ gốc gồm có:
- Hai giấy khai sang tên, di chuyển xe;
- Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe;
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe: hợp đồng mua bán xe giữa bạn và người bán xe.
- Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Sổ hộ khẩu.
Thứ hai, sau khi rút được hồ sơ gốc của xe, bạn làm hồ đăng ký xe tại Cơ quan công an cấp quận, huyện nơi bạn đăng ký thường trú để đăng ký xe, cụ thể là Bắc Ninh, hồ sơ gồm:
- Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Sổ hộ khẩu.
- Giấy khai đăng ký xe;
- Chứng từ lệ phí trước bạ;
- Giấy khai sang tên, di chuyển xe;
- Hồ sơ gốc của xe.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được giấy đăng ký xe mới.
* Nội dung tham khảo tại Luật Minh Khuê