Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từ trần vào hồi 23h12 ngày 1.10.2018. Để tưởng nhớ ông, Dân Việt xin được ghi lại một phần dấu ấn của ông đối với công cuộc Đổi mới của đất nước trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư.
Chuyện 1 xe đạp đổi 10 quả trứng của gia đình ông Vũ Khoan
Cuộc khủng hoảng kinh tế thứ nhất tiềm ẩn từ cuối thập kỷ 70, bùng phát trong thập kỷ 80, kéo dài đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tăng trưởng kinh tế thấp, có những năm tăng trưởng âm. Bình quân giai đoạn 1977 - 1980, GDP chỉ tăng 0,4%/năm.
Lạm phát phi mã và kéo dài từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 khi chênh lệch giữa giá trong và ngoài ngày một lớn khiến siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 784% vào năm 1986. Con số lạm phát giữ ở mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh: I.T)
Trong một lần xuất hiện trước công chúng cách đây hơn 1 năm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng kể lại câu chuyện của gia đình mình trong những năm giữa thập niên 80 của Thế kỷ XX.
“Giai đoạn còn bao cấp, kinh tế đất nước rất khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng lạm phát. Năm 1986, chỉ số lạm phát là 784%/năm. Trong thời gian học tập, hai vợ chồng tôi tích lũy được một số tiền học phí, mua được một chiếc xe đạp của Tiệp Khắc. Lúc kết thúc công tác tại đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô trở về nước, hai vợ chồng tôi đã bán chiếc xe đạp đó đi lấy một số tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng không ngờ tới khi Nhà nước tiến hành đổi tiền – một trong những biện pháp nhằm chữa lạm phát, số tiền tiết kiệm do bán xe đạp đó chỉ mua được 10 quả trứng do đồng tiền mất giá, lúc đó tôi thực sự hiểu thế nào là lạm phát”, ông Vũ Khoan chia sẻ.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là Tổ trưởng Tổ Tài chính – Tiền tệ thuộc Ban Chống lạm phát của Bộ chính trị đã cử ông sang một số nước như Liên Xô, Hungary, Áo để học tập kinh nghiệm chống lạm phát rồi mang những kiến thức đó về, góp phần xử lý nạn lạm phát ở Việt Nam.
“Mình học được những kiến thức, kinh nghiệm của Thế giới rồi, nhưng phải biết cách vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Về Việt Nam, chúng tôi được yêu cầu phải xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để tìm hiểu xem lạm phát nó biểu hiện như thế nào ở mỗi vùng, miền, địa phương? Ứng dụng kinh nghiệm của Thế giới ra sao?”, ông Vũ Khoan nói.
Những năm tháng đất nước chuyển mình
Từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay, trong trí nhớ của GS. TSKH Nguyễn Mại, ký ức của những năm tháng đất nước chuyển mình, từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dường như vẫn vẹn nguyên.
Cẩn thận điểm lại từng mốc thời gian quan trọng, song ông Nguyễn Mại vẫn giữ được sự nhiệt huyết, say sưa khi kể lại bối cảnh đất nước giai đoạn từ năm 1976 - 1986, sau khi đất nước thống nhất.
Lúc đó, chúng ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào phát triển kinh tế nhờ sức mạnh bổ sung vào những ưu thế hiện có và sẵn có của đất nước về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế của hai miền Nam - Bắc.
Nhưng hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ không thuận lợi. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung khiến kinh tế Liên Xô bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng. Trong quan hệ quốc tế, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu thực hiện cấm vận kinh tế với Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, chiến lược phát triển kinh tế dựa trên cơ chế mà sau này được gọi là kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, đã làm thui chột động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
“Có thể nói là cả nước làm không đủ ăn. Và đây là áp lực buộc kinh tế Việt Nam phải đổi mới, bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI cuối năm 1986”, GS. Nguyễn Mại hồi tưởng.
GS. TSKH Nguyễn Mại (Ảnh: I.T)
Trước đó, đã có các cuộc cải cách cục bộ được thực hiện, từ chia hộ, khoán khoản, khoán đến hộ và người lao động trong nông nghiệp, kế hoạch 3 phần (phần cho Nhà nước, phần cho thị trường và phần cho xí nghiệp) trong công nghiệp và đặc biệt là các cuộc cải cách giá, lương, tiền.
GS. Nguyễn Mại cho biết: “Cuộc cải cách cuối cùng vào tháng 8.1985. Lúc đó, chúng ta làm cùng lúc ba việc: thay đổi giá cả hàng hóa, thay đổi chế độ tiền lương, đổi tiền với hy vọng sự thay đổi đồng loạt này sẽ mang lại kết quả tích cực. Nhưng tới tháng 10.1985, sự thay đổi này không mang lại kết quả như ý khi giá cả leo thang, lương không đủ sống. Đó là cuộc thí nghiệm cuối cùng của cuộc cải cách giá, lương, tiền tính từ năm 1976 tới 1985.
Bước sang năm 1986, Đảng và Chính phủ nhận ra, không thể tiến hành cải cách cục bộ trong khi không thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Từ đây, chúng ta có đường lối đổi mới cơ chế quản lý và biên chế trong nước. Đồng thời, mở cửa hội nhập quốc tế”.
Tiếp đó, tháng 12.1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra công cuộc đổi mới trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực chất, vào năm này, cuộc đổi mới kinh tế mới chỉ đặt ra những nguyên tắc cơ bản, những phương hướng chủ yếu, chứ chưa phải là thiết kế chi tiết những hệ thống và chính sách, cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả.
Song điều đáng nói nhất của Đại hội VI là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta thừa nhận sai lầm về đường lối chứ không phải một chính sách cụ thể. Vậy nên, phải đổi mới từ tư duy tới hành động, sao cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Số vốn FDI đăng ký và tỷ lệ giải ngân giai đoạn 1988 - 2014, tính từ sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời (Ảnh: I.T)
Và rồi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời sau Đại hội Đảng lần thứ VI khoảng 1 năm, vào ngày 29.12.1987. Đây là văn bản luật đầu tiên thể hiện chính sách đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Ngay khi ra đời, Luật Đầu tư nước ngoài được đánh giá là cởi mở nhất khu vực lúc đó. So sánh với các quốc gia xung quanh trong khu vực, chỉ Việt Nam cho phép hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
GS. Nguyễn Mại tiếp lời: “Cuộc tranh luận giữa cho phép hay không cho phép hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất căng thẳng. Nhiều ý kiến cho rằng không nên, nhưng hai người có quyền quyết định nhất lúc đó là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và ông Đỗ Mười - người sau đó trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thấy rằng cần phải đưa hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vào Luật. Từ đó, Việt Nam mới có Luật Đầu tư nước ngoài được đánh giá là rất cởi mở trong bối cảnh đó”.
Tiếp đó, sự kiện đánh dấu cho một giai đoạn đổi mới thành công là những tấn gạo đầu tiên xuất khẩu vào cuối năm 1989, đầu năm 1990. Đây là thời điểm thế giới bắt đầu để ý đến Việt Nam, từ một quốc gia đói kém đã trở thành nước xuất khẩu gạo liên tục cho đến giờ…
Nhớ về quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13%/tháng, ông Mại cho rằng đó là quyết định hiếm có. Nếu không có quyết định táo bạo, sáng suốt đó thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu. |
Bản thân GS. Nguyễn Mại vào năm 1989, được chuyển công tác đến Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. Khi về đây, ông Đỗ Mười đã trực tiếp gặp ông Mại và khuyên bảo ba điều cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo một bộ: bố trí thời gian đi công tác địa phương để biết tình hình thực tế, đồng thời làm quen với lãnh đạo tỉnh, thành phố; tiếp cận với nhà đầu tư và khách quốc tế vừa lịch sự, cởi mở nhưng giữ đúng nguyên tắc; xây dựng nền nếp quản lý nhà nước theo hướng hiện đại tại một cơ quan mới.
"Ông Đỗ Mười rất coi trọng việc thu hút vốn đầu tư quốc tế, đã chọn những người có năng lực và kinh nghiệm về đối ngoại như cố Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, cố Bộ trưởng Võ Đông Giang phụ trách lĩnh vực quan trọng; thường xuyên làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư để nghe báo cáo và chỉ đạo nhằm thực hiện đúng phương châm đa phương hóa và đa dạng hóa trong hội nhập quốc tế", GS. Nguyễn Mại nói.
Quyết định chống lạm phát "vô tiền khoáng hậu"
Phải tới năm 1991, kinh tế Việt Nam mới thật sự chuyển mình. Mặc dù đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng giai đoạn 1987 - 1990, kinh tế Việt Nam phải đương đầu với khủng hoảng nặng nề.
Cũng trong giai đoạn này, năm 1988, Liên Xô rơi vào khủng hoảng. Việt Nam trước đó vốn dựa nhiều vào viện trợ từ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), đồng thời làm gia công cho các nước XHCN để nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Tới khi các nước XHCN gặp khủng hoảng, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, viện trợ của Liên Xô giảm dần.
“Bốn mặt hàng dân dụng phụ thuộc lớn vào viện trợ của Liên Xô là xăng dầu; lương thực, bột mì; bông xơ phục vụ ngành dệt; phân bón thì lượng viện trợ giảm dần. Trong khi cấm vận của các nước tư bản với Việt Nam vẫn tiếp tục, quan hệ Việt - Trung căng thẳng. Tất cả đã tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, cả nước làm không đủ ăn, lạm phát tăng với tốc độ phi mã, hàng trăm phần trăm mỗi năm”, GS. Nguyễn Mại nhớ lại.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1980 - 2014 (Ảnh: I.T)
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lúc đó là đồng chí Đỗ Mười đã thành lập Tổ chống lạm phát. Ông Nguyễn Mại lúc đó là Phó Chủ tịch UBND Hà Nội được cử tham gia Tổ chống lạm phát. Các thành viên tổ công tác lúc đó còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước Phan Văn Tiệm.
Sau nhiều lần họp, thảo luận, kết hợp với các kinh nghiệm quốc tế, tất cả cùng đi tới một lý thuyết là “lãi suất dương”, nghĩa là lãi suất tiền gửi tiết kiệm của người dân cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
“Ở Hà Nội, đêm nào ông Đỗ Mười cũng gọi điện thoại cho tôi để nắm tình hình người dân rút tiền tiết kiệm. Nguyên nhân do người dân giảm lòng tin đối với chính sách điều hành lãi suất, cho rằng Chính phủ đã hết tiền nên muốn rút tiền khỏi hệ thống tiết kiệm của Nhà nước. Thời điểm đó chưa có hệ thống ngân hàng như hiện nay, để ứng phó kịp thời, UBND Hà Nội lệnh cho NHNN TP. Hà Nội "bơm" đủ tiền cho các Quỹ tiết kiệm để người dân rút tiền thoải mái. Sau 3 ngày đầu, tới ngày thứ 5 mọi việc trở lại bình thường, người dân có lòng tin nên đã gửi tiền tiết kiệm trở lại", GS. Nguyễn Mại nói. |
Thời điểm tháng 3.1988, chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 10 - 11% và Việt Nam cần in thêm tiền chống lạm phát. Thời gian này, Việt Nam chưa có nhà máy in tiền, phải nhờ Liên Xô in tiền. Còn tính tổng chi phí in tiền và chuyển từ Liên Xô về Việt Nam chiếm khoảng 5% tổng giá trị các mệnh giá tiền tệ.
Do vậy, Tổ chống lạm phát đề xuất Chính phủ đưa lãi suất tiền gửi của người dân lên 13% vào tháng 3.2018. Sau nhiều buổi tranh luận, họp bàn, cân nhắc các yếu tố tác động, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã chấp thuận đề xuất nay.
“Hiện nay, lãi suất tiền gửi 8%/năm là cao nhưng hồi đó lãi suất hàng tháng là 13%. Tưởng rằng lãi suất tiền gửi 13%/tháng là quá cao, nhưng thực tế Nhà nước vẫn có lợi vì chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 10 - 11%, cộng thêm 5% tổng chi phí in tiền và chuyển từ Liên Xô về Việt Nam là 16%. Như vậy, Chính phủ đã tiết kiệm được 3% cho ngân sách, lại không phải trả phí in tiền giấy ở nước ngoài. Nhờ vậy nên tiền gửi tiết kiệm tăng lên rất nhanh, con số lạm phát giảm dần”, ông Nguyễn Mại tính toán.
Sang tháng tháng 6.1988 Chính phủ quyết định giảm dần lãi suất tiền gửi xuống 9%/tháng, tháng 9.1988 còn 5%/tháng. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra tình trạng người dân đổ xô rút tiền tiết kiệm.
“Ở Hà Nội, đêm nào ông Đỗ Mười cũng gọi điện thoại cho tôi để nắm tình hình người dân rút tiền tiết kiệm. Nguyên nhân do người dân giảm lòng tin đối với chính sách điều hành lãi suất, cho rằng Chính phủ đã hết tiền nên muốn rút tiền khỏi hệ thống tiết kiệm của Nhà nước.
Thời điểm đó chưa có hệ thống ngân hàng như hiện nay, để ứng phó kịp thời, UBND Hà Nội lệnh cho NHNN TP. Hà Nội "bơm" đủ tiền cho các Quỹ tiết kiệm để người dân rút tiền thoải mái. Sau 3 ngày đầu, tới ngày thứ 5 mọi việc trở lại bình thường, người dân có lòng tin nên đã gửi tiền tiết kiệm trở lại.
Cuối năm 1989, cơ bản khắc phục được lạm phát. Cùng với thành quả ban đầu của Đổi mới và hội nhập, cuối năm 1990 cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cơ bản được khắc phục. Giai đoạn 1991 - 1998 kinh tế Việt Nam bước vào thời ký hoàng kim với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm”, ông Nguyễn Mại kết thúc câu chuyện của mình.
Nhớ về quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13%/tháng, ông Mại cho rằng đó là quyết định hiếm có. Nếu không có quyết định táo bạo, sáng suốt đó thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu.