Có thể khách quan mà nói rằng, trong hàng chục năm nay, cũng có nhiều lúc các nhà lãnh đạo Đảng nước nhà đã tính đến mô hình nhất thể hoá chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền thành một và triển khai. Ai cũng có thể nhìn thấy điều này sẽ có lợi đến chừng nào.
Nếu có ai còn lăn tăn, theo tôi cũng chỉ là câu chuyện sợ rằng sinh chuyện do ôm đồm nhiều chức dễ nảy sinh lạm dụng quyền lực mà lại thiếu một cơ quan kiểm soát.
Thế nhưng từ suy nghĩ cho đến vận dụng vào đời sống chính trị nói chung, lại là cả một câu chuyện dài. Điều này đúng, nhưng tôi nghĩ, nó cũng lại do chính chúng ta, do cách vận hành chưa tốt mà thôi.
Ngày 3.10 vừa qua, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 khoá 12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chính thức giới thiệu nhân sự cấp cao với Trung ương để “chốt” một vấn đề cực kỳ hệ trọng, đó là việc Đảng chính thức giới thiệu Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng - ĐBQH đương nhiệm với toàn thể Quốc hội để bầu vào vị trí Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Trung ương Đảng đã bỏ phiếu và TBT đã được tín nhiệm với số phiếu cao tuyệt đối.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Thông tin nói trên được dư luận ở cả trong và ngoài nước đều rất hoan hỷ và tán đồng cao. Hy vọng đây sẽ trở thành một tiền lệ tốt trong cải cách hệ thống chính trị nước nhà và sẽ được duy trì trở lại (trong lịch sử nhà nước Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng vừa là Chủ tịch Đảng cũng vừa là Chủ tịch nước). Phải chăng đó cũng là thời cơ chín muồi và giờ thì tự nó đến để chúng ta thực hiện một công việc mà lâu nay ở đâu đó vẫn còn lăn tăn dù rất muốn thực hiện.
Có ý kiến cho rằng sẽ còn phải điều chỉnh lại Hiến pháp hoặc một số thủ tục mang tính kỹ thuật nào đó, rồi mới làm trong một vai trò TBT đồng thời là người đứng đầu nhà nước. Tôi nghĩ như vậy sẽ mang tính chính danh cao hơn, thực thụ hơn và không làm khó các quốc gia bạn có chính thể khác chúng ta. Tôi nghĩ, điều này cũng là do chúng ta cả chứ đâu khó đến mức không thể!
Đây chính là mong mỏi rất chính đáng của người dân Việt Nam nói chung, trong đó có 5 triệu Đảng viên nói riêng. Nó phần nào giảm bớt áp lực về nghi lễ ngoại giao mỗi khi các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Việt Nam cũng như TBT Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta sang nước bạn.
Nhiều lúc đây chỉ là “vấn đề kỹ thuật” khi TBT của ta xuất hiện. Thế nhưng theo tôi biết, có khá nhiều kỳ cuộc bị mất thời gian để đàm phán và đi đến thống nhất cao, dù họ thừa hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam của chúng ta có vai trò cực kỳ to lớn về sứ mệnh lãnh đạo đất nước, “là tuyệt đối, về mọi mặt”.
Trước một thực trạng có thật trong xã hội hôm nay, đó là tình trạng lạm dụng quyền lực và cũng đã bị tha hoá bởi quyền lực. Ở một số trường hợp, biểu hiện của nó còn đến mức lộng hành, đặc biệt là trong bổ nhiệm cán bộ thời gian qua mà trường hợp điển hình nhất có lẽ là Trịnh Xuân Thanh.
Từ điển hình này, một cuộc tổng tấn công vào thành lũy của nhóm lợi ích đã được phanh phui ra cơ man nào là tiêu cực ở nhiều lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Điều đáng mừng là ở chỗ TBT Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo và chỉ ra việc “phải nhốt quyền lực vào lồng quy chế luật pháp”. Điều này gián tiếp cho thấy người đứng đầu Đảng ta rất quyết liệt và luôn có cái nhìn sâu xa vấn đề.
Như vậy thì cũng để cho toàn Đảng, toàn dân hiểu rằng, quyền lực của người đứng đầu Đảng, nếu như hôm tới được Quốc hội tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, sẽ khiến cho vai trò của người đứng đầu Đảng ta sẽ làm quyết liệt hơn một khi nắm luôn lĩnh vực tư pháp.
Cụ thể hơn nữa, TBT còn có ý chỉ ra rằng, phải làm sao để cho người lãnh đạo không cần, không thể, không muốn và không dám tham nhũng khi có quyền lực trong tay. Sau đó, chính quan điểm này đã được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước tiếp tục đề cập, xem như là những biện pháp để ngăn chặn.
Tôi thấy thật vui mừng khi có lúc suy ngẫm lại lịch sử nước nhà thì phát hiện ra rằng, trong mỗi thời kỳ khó khăn của dân tộc, lúc khó tìm lối ra thì may mắn lại xuất hiện những nhân vật đáng nể trọng, như TBT Nguyễn Phú Trọng khi ông đã nắm được thực quyền và làm được nhiều việc hữu ích cho Đảng, cho dân. Cách chỉ đạo, điều hành hệ thống chính trị ở con người ông ngày càng cho thấy những điều rất đáng phấn khởi đó.
Tôi cũng biết rằng gần đây, vấn đề nhất thể hoá chức danh của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đã được Đảng và Nhà nước quan tâm bàn bạc một cách căn cơ, khoa học và trong thực tế, chúng ta đã vận dụng triển khai khá tốt tại một số địa phương theo lối thử nghiệm (mới dừng lại ở cấp quận, huyện, thị xã cũng như cấp xã, phường, thị trấn). Thực tế cũng cho thấy mô hình nói trên được đánh giá cao: Gọn nhẹ biên chế, công việc hanh thông, hiệu quả rõ rệt.
Hy vọng qua chuyện này sẽ có được tiền lệ tốt cho sau này, bởi lẽ “đầu xuôi đuôi lọt” khi chúng ta tiến dần từng bước triển khai công tác nhất thể hoá trên diện rộng.