Buộc tạm dừng hoạt động để khắc phục
Ngày 21.10, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, vừa ký quyết định xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát). Ngoài ra, buộc Công ty Delta Galil Việt Nam tạm dừng hoạt động trong 135 ngày để khắc phục hậu quả. Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, xứ lý dứt điểm tình trạng mmô nhiễm tại Cụm công nghiệp Cát Trinh.
“Doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tốt nhưng do gặp sự cố nên mới dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Chúng tôi buộc công ty phải khắc phục và hỗ trợ nước sạch cho người dân, trường học bị ảnh hưởng”, ông Châu cho hay.
Kênh mương Đồng Đế (xã Cát Trinh) nồng nặc mùi hôi thối, khiến người dân chịu không nổi. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Bình Định, qua kiểm tra hiện trường ngày 13.9, Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất với tổng lưu lượng 300m3/ngày đêm, được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty với công suất thiết kế 350m3/ngày đêm. Nước thải sau xử lý đấu nối về hố thu gom chung của CCN và thoát ra mương Đồng Đế.
Điều đáng nói, kết quả phân tích các chỉ tiêu trong chất lượng nước thải sau xử lý của công ty tại thời điểm kiểm tra có chỉ tiêu BOD5 vượt 1,6 lần và chỉ tiêu COD vượt 1,19 lần so với Giấy phép xả thải số 12/GP-UBND ngày 21.8.2017 của UBND tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, Công ty CP May Phù Cát và Công ty TNHH In Na Nu tại Cụm công nghiệp Cát Trinh cũng đã bị Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xả nước thải vào nguồn nước khi không có giấy phép theo quy định.
Xây dựng khẩn cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt
Ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay, huyện vừa có cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường để tìm các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Cát Trinh, gây ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh.
Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu nước, mẫu bùn thải để phân tích, đánh giá, sau đó mới đề xuất phương án cụ thể. Để đảm bảo nước sạch cho người dân các thôn lân cận Cụm công nghiệp cũng như Trường THCS Cát Trinh, UBND huyện Phù Cát đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định tiền hành xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu vực này.
Học sinh trường THCS Cát Trinh mang khẩu trang nghe giảng vì ô nhiễm. Ảnh: NDCC
“Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương là đáng hoan nghênh. Nhưng việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân là điều không chấp nhận được”, ông Ngân khẳng định.
Trước đó, Dân Việt đã đăng loạt bài phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) vô cùng bức xúc khi “kể tội” nguồn nước thải từ cụm công nghiệp Cát Trinh đã gây mùi hôi thối nồng nặc, nước giếng sinh hoạt chuyển màu. Không chịu nổi cảnh ô nhiễm kéo dài, nhiều học sinh phải đeo khẩu trang trong giờ học, người dân buộc di tản đi nơi khác.