Vụ việc đối tượng Hà Văn Nhượng (13 tuổi), trú tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu thực hiện hành vi cưỡng hiếp rồi dùng dao gây thương tích nặng cho bé Lò Thị T (14 tuổi, người địa phương) khiến dư luận vô cùng xôn xao.
Theo đó, vào khoảng 13h ngày 27.10, bé T rời khỏi nhà đi lấy rau lợn. Khoảng 1 tiếng sau, Nhượng đi bẫy chim về gặp bé T. Thấy cô bé hàng xóm chỉ có một mình ở nơi vắng vẻ, mặc dù còn ít tuổi nhưng Nhượng đã nảy sinh ý đồ cưỡng hiếp.
Bé T bị thương tích rất nặng sau vụ việc.
Nhượng sau đó đã khống chế T để thực hiện hành vi cưỡng bức nhưng nạn nhân kháng cự. Sợ mọi chuyện bị bại lộ Nhượng đã dùng con dao mang theo cứa 2 nhát vào cổ cháu T, rồi đối tượng bình thản bỏ mặc cháu T ở lại và đi về nhà.
Do vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên Công an huyện Than Uyên đã chuyển vụ hồ sơ tới Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lai Châu tiếp tục điều tra, xử lý.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, xét hành vi phạm tội của đối tượng thấy trong cùng một thời điểm đã xâm phạm đến tính mạng và nhân phẩm của người khác được pháp luật bảo vệ.
Hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người và tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 142 Bộ luật hình sự 2015.
Căn cứ Điều 12 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141.. của Bộ luật này”.
Theo thông tin ban đầu được biết, đối tượng Hà Văn Nhượng khi thực hiện hành vi phạm tội mới chỉ 13 tuổi. Như vậy, nếu có căn cứ xác định đối tượng khi phạm tội chưa đủ 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Tuy nhiên, do đối tượng đã có dấu hiệu của tội Giết người và Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, mặc dù chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Nghị định 02/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.
Ngoài ra, luật sư Thơm cho biết, điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, điều luật này quy định: “Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này”
Như vậy, bố mẹ đối tượng phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị hại bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc trong thời gian điều trị và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 50 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.