Dân Việt

Sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Đã kỷ luật được ai?

Bảo Yến 31/10/2018 06:06 GMT+7
Quy định sinh viên tham gia hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 bị đuổi học bị cho là vừa phi thực tế, vừa có dấu hiệu trái luật.

Bộ GDĐT một lần nữa làm dư luận dậy sóng với đề xuất sinh viên tham gia hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.

Đó là một trong những nội dung của Dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ Cao đẳng, Trung cấp. Phụ lục của dự thảo này nêu rõ số lần vi phạm và hình thức xử lý sinh viên với 4 mức: Khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn và buộc thôi học.

Theo đó, sinh viên chứa chấp, môi giới mại dâm chỉ 1 lần sẽ bị buộc thôi học, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.

Quy định này đã gây ra rất nhiều tranh luận và đến đêm 29.10, Bộ GDĐT đã rút dự thảo khỏi Cổng thông tin Bộ.

Tuy nhiên, quy định kể trên đã được Bộ GDĐT ban hành từ nhiều năm trước và hiện đang có hiệu lực thi hành.

img

Ảnh minh họa I.T

Bình luận về dự thảo kể trên của Bộ GDĐT, anh Nguyễn Phi Biền (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho rằng: “Trong môi trường giáo dục, đặc biệt là ngành học sư phạm, mọi thứ cần phải chuẩn chỉnh hơn bao giờ hết. Vì vậy, sinh viên bán dâm không thể chấp nhận. Trường học không phải nơi để kỳ kèo, mặc cả cho hoạt động mại dâm. Tôi nghĩ rằng tham gia hoạt động mại dâm 1 lần thôi cũng quá đủ để buộc thôi học”.

Trong khi đó, chị Trương Thủy (Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng: “Một người đã đi bán dâm, đặc biệt đối tượng đó là sinh viên khi bị phát hiện không ai lại đi khai mình đã bán dâm lần thứ mấy. Vậy làm sao xác nhận được họ đã bán dâm lần thứ mấy hay phải thành lập tổ công tác đi đếm các trường hợp này?”.

Tương tự, bạn Thu Huyền - sinh viên một trường Đại học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: “Đợi đến lần thứ 4 bị phát hiện tham gia hoạt động mại dâm mới kỷ luật buộc thôi học, theo tôi là quá muộn. Nếu trong quy định của Bộ GDĐT không thể ghi cụ thể hình phạt thì trong nội quy học sinh sinh viên của các trường nên quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn”.

Còn anh Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) phản ứng với cách xin lỗi của Bộ GDĐT: “Dự thảo một quy chế, quy định thì có rất nhiều thời gian, tập hợp được nhiều chuyên gia vậy mà để sai sót đến sơ đẳng như vậy thì không thể chấp nhận được, nhất là đối với nghành giáo dục. Không thể đổ lỗi cho đánh máy hoặc soạn thảo được!”.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng đề xuất trên của Bộ GDĐT là rất thiếu tính khả thi. Bởi thực tế, quy định này đã có từ năm 2007 nhưng đến nay không rõ đã có bao nhiêu trường hợp sinh viên bị xử lý kỷ luật?

“Người tham gia hoạt động mại dâm đã bị xử lý theo quy định pháp luật. Theo quy định hiện hành, thông tin xử phạt không được gửi về các trường, chẳng lẽ các trường cần thành lập tổ công tác để đếm số lần vi phạm của sinh viên? Hơn nữa, theo quy định không được công bố danh tính của người mua, bán dâm. Vậy các trường thực hiện việc kỷ luật như thế nào để không vi phạm quyền nhân thân của họ?” – luật sư Tùng nói.

Chưa hết, theo luật sư Tùng trong dự thảo còn có những hành vi được nêu ở mức “ngô nghê”, không đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ như hành vi “lấy cắp tài sản, chứa chấp, tiêu thụ tài sản do lấy cắp mà có”.

 “Tôi cho rằng Bộ GDĐT chỉ cần quy định hình thức xử lý kỷ luật, còn khi sinh viên vi phạm pháp luật sẽ có cơ quan chức năng xử lý. Bộ GDĐT không cần quy định cụ thể các hành vi, sau khi có thông báo từ cơ quan chức năng việc xử lý sẽ do quy chế của các trường thực hiện” – luật sư Tùng đề nghị.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hành vi mua dâm và bán dâm bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể, điều 4 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành tháng 10.2003 đã có quy định rõ. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi sau đây: Mua dâm; bán dâm; chứa mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm; cưỡng bức bán dâm; môi giới mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; các hành vi khác liên quan hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.

"Đã cấm thì làm gì có lần thứ nhất hay lần thứ tư. Người hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự dù là lần thứ nhất hay thứ hai. Theo tôi, Bộ GDĐT đưa ra quy định như thế này trong dự thảo là đang làm trái luật. Thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành là văn bản dưới luật và không thể trái với pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phòng, chống mại dâm", luật sư Hậu nói.