Dân Việt

Các "ông trùm" đường dây đánh bạc nghìn tỷ chia "tiền tấn" thế nào?

Vinh Hải 11/11/2018 11:02 GMT+7
Ngày 12.11, TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet. Theo cáo trạng, đường dây của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã thu lời bất chính nhiều nghìn tỷ đồng.

Như Dân Việt đã thông tin, cơ quan chức năng đã làm rõ đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu.

Đường dây này cũng đã khiến cựu tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa dính vòng lao lý.

img

4 mắt xích quan trọng trong vụ án. IT

Căn cứ vào Biên bản đối soát giữa các công ty trong giai đoạn Rikvip, tài liệu đối soát được lưu trên Dropbox do Phan Sào Nam cung cấp, tài liệu giám định, kết quả so sánh, đối chiếu mã thẻ do nhà mạng cung cấp với tài liệu giám định, Biên bản làm việc chốt số liệu giữa các bên và sao kê tài khoản của các công ty, cá nhân có liên quan, cơ quan chức năng đã xác định số tiền đưa vào đường dây đánh bạc nghìn tỷ. 

Theo đó, tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, Rikvip, 23ZDO, Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành là hơn 9.853 tỷ đồng (số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24.6.2017 đến ngày kết thúc 29.8.2018).

Trong đó: tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là 8.840,6 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Gocoin là  366,1 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Vcard là 460,4 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng là 186 tỷ đồng.

Sau khi phân chia cho các đơn vị trung gian, trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành các cá nhân còn được hưởng lợi là 4.713 tỷ đồng. Trong đó: Phan Sào Nam là1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương- CNC là 1.655 tỷ đồng.

Đối với Phan Sào Nam: Sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc giai đoạn Tip.Club, Phan Sào Nam chuyển cho bị can Phan Thu Hương 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư  góp vốn vào các công ty Công ty Vịnh Xanh Hạ Long, Công ty Ấn Tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech là 92,8 tỷ đồng.

Nam cũng nhờ Nguyễn Thị Hồng Nhung gửi tiết kiệm 384 tỷ đồng, gửi Nguyễn Mạnh Hùng cất giữ 146,8 tỷ đồng và tiền đô la, vàng trị giá 142 tỷ đồng; nhờ Phí Quang Hưng gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ tại khu Đô thị Vila Park - Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hợp đồng là 111,9 tỷ đồng; chuyển tiền mua 2 căn hộ đứng tên Hoàng Thành Trung, trị giá hợp đồng 27,9 tỷ đồng và Nam mua 2 căn hộ, trị giá hợp đồng gốc là 12,4 tỷ đồng; gửi tại Ngân hàng Bank of Singapore số tiền 3,5 triệu USD.

Ngoài ra, Nam khai chuyển cho bị can Tuấn cất giữ vàng, đô la trị giá 150 tỷ đồng; chuyển các bị can Trung và Kiên sử dụng, cất giữ vàng, đô la trị giá 530 tỷ đồng. Nhưng do các bị can Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung, Lê Văn Kiên đang trốn, nên chưa xác minh làm rõ được.

Đối với Nguyễn Văn Dương: Sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền nâng khống và hoàn trả các hợp đồng mà Dương đã mượn danh để ký khống với Công ty cổ phần đầu tư UDIC nhằm nâng cao năng lực tài chính đủ điều kiện tham gia đấu thầu dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, với số tiền 576,8 tỷ đồng.

Ngày 17.4.2017, Dương tách Công ty cổ phần đầu tư UDIC thành hai công ty là: Công ty cổ phần đầu tư UDIC và Công ty cổ phần đầu tư CNC. Sau khi tách công ty Dương bán cổ phần của mình sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư UDIC cho các công ty: Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Công ty cổ phần tập đoàn Hải Thạch, lấy số tiền 270 tỷ đồng.

Dương dùng 150 tỷ đồng mở 2 sổ tiết kiệm mang tên Dương, tại ngân hàng Tiên phong bank, mua 2 tầng (tầng 5, tầng 6) tòa nhà ICON4, trị giá hợp đồng là 61,5 tỷ đồng, số còn lại Dương khai sử dụng cá nhân hết.

Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Dương vẫn chưa khai báo, che giấu phần lớn số tiền thu lợi bất chính của mình.