Với chủ trương đúng đắn của một Chính phủ kiến tạo và hành động, hàng loạt văn bản, nghị định của các bộ, ngành được các cơ quan tham mưu soạn thảo, trình Chính phủ cho phép sửa đổi, cắt bỏ, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Điều này trong các năm 2016, 2017 và 10 tháng đầu năm 2018, chúng ta đã tạo được ấn tượng rất tốt trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, nhiều khi do không cân nhắc kỹ khi quyết định sửa đổi, có những điều chỉnh sửa lại không khác gì việc chúng ta vô tình dung dưỡng thêm cho những hành vi lách luật vốn lâu nay dù đã có nhiều quy định ngăn chặn mà nhiều khi còn bất lực.
VCPMC vừa khởi kiện công ty tổ chức live concert Quang Hà "Trăm năm không quên" vì đã sử dụng nhiều ca khúc mà không xin phép và trả tác quyền cho các nhạc sĩ
Tại Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, có điều 6 quy định: Bãi bỏ thành phần hồ sơ “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” tại thủ tục cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Một trong những lý do để bỏ bản cam kết thực hiện quyền tác giả này bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn về đơn giản hóa thủ tục cấp phép biểu diễn.
Điều này tôi nghĩ không sai, thậm chí rất hoan nghênh. Chẳng hạn, việc phải có văn bản thỏa thuận gây khó khăn cho việc cấp phép chương trình nếu muốn thay đổi nội dung. Tôi rất chia sẻ với việc này, bởi chính chúng tôi cũng từng vất vả khi tổ chức các chương trình ca nhạc thời trang, từ Duyên dáng Việt Nam trước đây đến như sau này là Khát vọng trẻ.
“Có những chương trình thay đổi bài hát do yêu cầu của đơn vị duyệt hoặc nhà tài trợ, khi đó không thể nào làm kịp việc xin thỏa thuận lại, cấp phép lại”, ông Nguyễn Quang Vinh - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trả lời báo chí như vậy.
Tuy nhiên, có một thực tế là dù trước đây đã có quy định phải hoàn tất việc nộp phí bản quyền thì mới cấp phép biểu diễn, nhưng nhiều khi việc tuân thủ cũng chưa nghiêm, nhất là tại các địa phương. Việc chây ỳ và “ lờ lớ lơ” rồi “khỏi vòng cong đuôi” vẫn luôn xảy ra.
Ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) bày tỏ rằng: “Đã có trường hợp các sở ở địa phương cấp phép cho biểu diễn mà không cần chứng minh đã có văn bản thỏa thuận tiền tác quyền. Sau khi biểu diễn xong chương trình, chúng tôi tới địa chỉ đơn vị đó thì họ đã chuyển đi. Nhiều đơn vị có tới 4 công ty, cứ biểu diễn xong, họ lại hủy 1 công ty”.
Có một thực tế, theo như ông Đinh Trung Cẩn cho biết , "việc Nghị định 142 cho phép thu tiền kiểu như vậy rất nguy hiểm. Nó tiềm ẩn nguy cơ chính người cấp phép vi phạm pháp luật về bản quyền. Theo điều 18, 19, 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền tài sản “do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”; tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao. Việc trả tiền này luôn tuân thủ nguyên tắc: phải xin phép trước mới được sử dụng. Vì là độc quyền, nên tác giả có quyền không cho hát tác phẩm của mình".
Theo thống kê của VCPMC năm 2017 và 2018, có 78 chương trình âm nhạc chưa trả đủ tác quyền, trong đó có nhiều show diễn của Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Trọng Tấn, Anh Thơ...
Việc Nghị định 142/2018 sửa đổi được ban hành từ ngày 9.10 này đã cho thấy sự bất ổn nhỡn tiền ở một điều khoản. Nó chẳng khác nào việc chúng ta đem gà ra thả rồi lại đuổi bắt? Và một khi các đơn vị tổ chức biểu diễn chây ỳ, xoá tên, đổi chủ thì làm sao có thể thu được tiền bản quyền cho tác giả?
Tôi rất hiểu việc Bộ VHTTDL đang tìm mọi cách tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị tổ chức biểu diễn và cũng là việc đáng làm. Song việc chưa tính kỹ câu chữ như trong điều 6 Nghị định 142/2018 sửa đổi nói trên sẽ dễ bị lợi dụng.
Thực tế, Nghị định cũ cũng có những sự phức tạp, nhiêu khê rất cần "cởi trói", tránh để VCPMC lộng quyền, dùng "cây gậy” Nghị định Chính phủ để áp đặt một khi Nhà nước không có chế tài kiểm soát VCPMC ngược trở lại.
Tôi đã chứng kiến và từng biết cảnh VCPMC thu tác quyền rất cứng nhắc, gây bất bình trong dư luận. Như vào năm 2015, khi đất nước long trọng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gây một phen "dậy sóng" khi đòi thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao trong một số chương trình lớn.
Câu chuyện có thực như vậy nhưng nhiều vị lãnh đạo vẫn không tin tại sao lại có thể diễn ra nhiều năm, thậm chí còn phê bình các báo đã nói quá (!). Thế rồi, mọi việc đã tỏ tường và từ đó, cách thu tiền vô cảm nói trên đã chấm dứt.
Từ những câu chuyện có thật gây bức xúc này mà khi đọc Nghị định 142, hy vọng rồi sẽ có những thay đổi tích cực hơn. Việc cắt bỏ, tiết giảm hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật để tạo sự thông thoáng, đơn giản hoá thủ tục hành chính là cách làm tốt cần hướng đến của một Chính phủ kiến tạo và hành động. Dư luận rất hoan nghênh việc đổi mới tích cực ấy. Song nếu do tính toán chưa kỹ càng cũng có thể gây ra khó khăn khác cho doanh nghiệp hoặc cơ sở thực thi nhiệm vụ.
Vì thế, việc soạn văn bản luật hoặc dưới luật rất cần được tính toán kỹ, chỉn chu hơn, để tránh đi cái cảnh chưa triển khai vào cuộc sống mà đã bộc lộ bất cập, ảnh hưởng đến cái chung như gần đây các đại biểu Quốc hội có đề cập.