Hướng dẫn cắm sổ ngân hàng rồi xin... vay lại
Đó là trường hợp của 4 hộ dân ở làng Dun De, xã Ia Bă và làng Bồ 2, xã Ia Yok (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được ông N.T.B (53 tuổi, trú tại làng Dun De) hướng dẫn làm thủ tục thế chấp đất, vay tiền của ngân hàng. Sau đó ông B đã vay lại của những hộ dân này.
Theo tìm hiểu của PV, trước đây ông B sống ở TP.Pleiku (Gia Lai), sau đó chuyển đến sống tại làng Dun De và nhận ông Rơ Châm Píp (56 tuổi, làng Dun De) làm anh nuôi.
Theo anh Ksor Do (38 tuổi, trú tại làng Dun De), sau khi tạo được sự tin tưởng với người dân địa phương, ông B đã giúp gia đình anh làm thủ tục vay vốn ngân hàng để sửa sang lại mái nhà. Lúc vay, ông B nói "sổ đỏ" đứng tên ông sẽ được vay vốn thuận lợi hơn. Sau đó, anh Do đến phòng công chứng thực hiện chuyển nhượng 5.000m2 đất sang tên con gái ông B.
Sang nhượng xong, ông Bi tới một ngân hàng tại TP. Pleiku thế chấp mảnh đất này để vay tiền và đưa 50 triệu đồng cho anh Do với lời hẹn khi nào đưa lại đủ số tiền này, ông B sẽ chuyển nhượng lại đất. Đầu năm 2018, ông B tiếp tục nhờ anh Do thế chấp 9 sào đất rẫy cà phê, vay thêm được ngân hàng 150 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, anh Do đã cho ông B vay toàn bộ.
Những hộ dân tin tưởng cho ông Bình vay tiền
Tương tự, ông Rơ Châm Bek (làng Bồ 2, xã Ia Yok) cũng cho biết, ông B cũng hướng dẫn cho ông Bek làm thủ tục thế chấp đất, vay 100 triệu đồng. Sau khi vay được tiền, ông B mượn lại của ông Bek 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đã quá thời hạn trả nợ một tháng nhưng chẳng thấy tăm hơi ông B đâu. Ngay cả người anh nuôi là ông Píp cũng bị ông B dụ dỗ thế chấp hơn 2ha đất ở và đất canh tác cho ngân hàng để vay 200 triệu rồi đưa cho B mượn.
Nguy cơ mất nhà, mất đất
Theo thông tin trình báo của các hộ dân, hiện ông B đã “biến mất” khỏi địa phương và không thể liên lạc được, còn những hộ dân này đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất vì món nợ khổng lồ từ ngân hàng. Không chỉ mượn tiền của người dân theo hình thức trên, ông B còn mượn nợ nông sản của người dân ở một số làng tại xã Ia Bă. Hầu hết các hộ dân đều cho ông B mượn tiền mà không hề viết giấy vay mượn, hay cam kết trả nợ.
Liên quan đến việc cho mượn tiền bạc, tại huyện Ia Grai cũng đã liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ
Trao đổi với PV Dân Việt ngày 29.11, Trung tá Phạm Chính Nghĩa - cán bộ Công an huyện Ia Grai cho biết, hiện đơn vị đã nhận được đơn trình báo của người dân về việc một gia đình vay tiền của người dân rồi đột ngột rời khỏi địa phương. Hiện tại, người này cùng các thành viên gia đình đã cắt đứt mọi liên lạc. Tuy nhiên vì đây là vấn đề dân sự nên đơn vị cũng hướng dẫn người dân gửi đơn qua tòa án. Ngoài ra, đơn vị cũng cảnh báo người dân cẩn thận trong hoạt động cho vay, mượn tiền và cầm cố tài sản, nếu cho vay phải có hợp đồng cẩn thận.
Cũng liên quan đến việc cho vay, mượn tiền, trước đó chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 8 và 9.2018), trên địa bàn huyện Ia Grai đã liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ lớn với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng tại thị trấn Ia Kha và xã Ia Pếch, có con nợ đã đi khỏi địa phương còn người dân thì “thấp thỏm” ngóng tin con nợ.