Vụ tai nạn kinh hoàng khi xe container đâm hàng loạt phương tiện đang dừng đèn đỏ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An làm 4 người chết, 18 người bị thương vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Dương lịch đang gây xôn xao dư luận, nối dài con số 111 người chết vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ theo báo cáo trước đó chỉ 1 ngày.
Xe container gây tai nạn.
Lâu nay, container được gọi là “hung thần xa lộ”, gây không biết bao tai nạn thảm khốc. Có thể kể đến tháng 9.2018, trên quốc lộ 6 đoạn qua dốc Cun thuộc địa phận phường Chăm Mát, TP. Hòa Bình (Hòa Bình), vụ tai nạn liên hoàn diễn ra giữa 4 xe ô tô gồm 2 container, 1 xe bán tải và 1 xe khách 29 chỗ.
Rạng sáng 13.10.2018, xe container hướng từ TP.HCM đi Long An, khi đến gần chân cầu Bà Lát, mất kiểm soát lao lên vỉa hè đâm liên tiếp 6 nhà dân khiến nhiều người bị thương, nhiều tài sản bị hư hỏng.
Ngày 10.12.2018, trước cổng Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, TP. Hạ Long, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe container với 3 ô tô con…
Các vụ tai nạn do container gây ra đều thiệt hại rất nghiêm trọng do xe dài, kích thước lớn, nên hễ va chạm là số người chết và bị thương nhiều, tài sản phương tiện hư hỏng nặng.
Trở lại câu chuyện tai nạn nghiêm trọng tại Bến Lức, Long An, tài xế Phạm Thành Hiếu điều khiển container đã có bằng lái xe hạng FC do Sở GTVT TP.HCM cấp và có giá trị đến ngày 6.10.2020. Phương tiện gây tai nạn được kiểm định gần nhất ngày 30.3.2018 và có hạn kiểm định đến 29.3.2019. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi xảy ra tai nạn, vận tốc của xe container từ 54km rồi hạ xuống 45km/h, sau đó dừng hẳn.
Nghĩa là về kỹ thuật, phương tiện này đang trong thời gian lưu hành cho phép, tốc độ xe cũng nằm trong quy định. Cái không được phép, chính là “ý thức người điều khiển phương tiện”… Ma túy và rượu đã khiến tài xế không còn đủ tỉnh táo để điều khiển xe.
Các xe máy bị đâm nằm ngổn ngang sau vụ tai nạn.
Trong sáng 3.1, tài xế Hiếu đã được cơ quan CSĐT Long An đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiến hành xét nghiệm máu. Qua hai lần kiểm tra, mỗi lần cách nhau khoảng 3 giờ, kết quả cho thấy Hiếu dương tính với heroin, âm tính với các loại ma túy tổng hợp khác. Về nồng độ cồn, lần xét nghiệm đầu tiên Hiếu có nồng độ cồn cao, lần xét nghiệm thứ hai thì lượng cồn đã giảm (giảm tự nhiên theo thời gian).
Đồng loạt người đọc, các thành viên diễn đàn lái xe lớn nhất Việt Nam Otofun đều kịch liệt lên án hành động chơi ma túy, rượu, bia trước khi cầm vô lăng. Có thành viên còn nói thẳng: “Là lái xe nhiều năm mà Hiếu quá hèn, khi không dám tông vào 2 xe phía trước, chấp nhận thiệt hại về mình, mà bẻ lái sang phải, gây nên vụ tai nạn kinh hoàng như thế”.
Tác giả Jesse Peterson cho biết: “Ở Canada, người dân rất sợ lái xe khi uống rượu, vì một khi bị bắt thì sẽ bị tước bằng lái 1 năm và phạt khoảng 20 triệu đồng. Và tuyệt nhiên không bao giờ có thể hối lộ cảnh sát. Người hối lộ hoặc cảnh sát nhận hối lộ sẽ phải ngồi tù”.
Với nhiều người, nhiều nơi, uống rượu lái xe gây tai nạn phải bị coi là “hành vi giết người”. “Lái xe uống rượu đâm người không phải là một tai nạn. Đó có thể được coi là một hành vi giết người hoặc phá hủy cuộc sống của người khác” - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từng phát biểu như thế.
Một số người đã so sánh cảnh tượng chiếc xe container lao vào những người đang chờ đèn đỏ ở Long An không khác một vụ lao xe khủng bố, hoặc như trong phim hành động.
Chỉ trước vụ tai nạn này 1 ngày, báo chí đồng loạt dẫn số liệu từ báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, cho biết trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, cả nước đã xảy ra 136 vụ tai nạn, khiến cho 111 người chết và 54 người bị thương, tính ra mỗi ngày nghỉ lễ có hơn 27 người chết vì tai nạn giao thông.
Con số gây ám ảnh này cao hơn so với số liệu bình quân 22 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông của Tổng cục Thống kê hồi cuối tháng 9.2018. Điều dễ hiểu, khi ngày lễ tết tai nạn giao thông luôn tăng cao hơn ngày thường, không chỉ vì người người đổ ra đường đi chơi, về quê đông hơn, mà còn bởi lễ tết cũng nhiều cuộc nhậu nhẹt, chè chén hơn ngày thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người dân độ tuổi 15-29 ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập của Luật Giao thông và việc thực thi luật pháp còn lỏng lẻo, còn kẽ hở, chưa thật nghiêm minh, chưa đủ tính răn đe. Nhưng dù thế nào, thì cũng không ai có thể thay thế được ý thức của người điều khiển phương tiện, ngoài chính họ. Vì thế, có chăng là các cơ quan chức năng, trong đó quan trọng nhất là CSGT, phải thường xuyên kiểm tra, xử phạt các hành vi sử dụng ma túy, rượu bia của lái xe, để răn đe những kẻ đang coi thường tính mạng của người khác và của chính mình.