Dân Việt

Lau dọn bàn thờ Tết Kỷ Hợi 2019 đúng cách để gia chủ không bị tán lộc

Đình Việt 01/02/2019 12:30 GMT+7
Lau dọn bàn thờ, cắt tỉa chân hương (nhang) dịp Tết Kỷ Hợi 2019 là điều nhiều gia đình đang thực hiện. Tuy nhiên, không phải gia chủ nào cũng biết cách lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương (nhang) đúng cách để không tán lộc, phạm tâm linh.

Những ngày này, nhiều gia đình đang chuẩn bị lau dọn bàn thờ để đón Tết Kỷ Hợi 2019. 

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết. Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Đông Phương.

img

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh. Ảnh: NVCC

Lịch Phương Đông chia một năm thành tám Tiết theo diễn biến khí hậu (lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí). Gốc của chữ "Tết" chính là "tiết". Hai chữ "Nguyên Đán" có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán".

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây

Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh.

Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà. Được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương từ thuở thiếu thời

img

Không phải ai cũng biết cách lau dọn bàn thờ đúng cách trong ngày Tết. Ảnh: ĐV

Tết cũng là dịp con cháu quần tụ bên nhau, mọi người làm những món ăn ngon nhất, độc đáo nhất, tạo nên văn hóa ẩm thực. Dịp Tết, văn hóa ẩm thực phát huy đến mức cao nhất, với đầy đủ món ăn như bánh chưng, giò, chả, thịt mỡ, dưa hành... nên có thể coi là dịp "hội tụ về văn hóa ẩm thực". 

Tết cũng là ngày tri ân gia tiên tiền tổ và những người có công với nước với dân, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta.

Theo truyền thống xưa nay của người Việt, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà lại tất bật mua sắm, dọn dẹp nhà cửa cuối năm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách dọn bàn thờ để gia chủ rước tài rước lộc cả năm, không phạm đại kỵ, ảnh hưởng đến vận khí gia đình khi bước sang năm mới.

Giải đáp thắc mắc này, Tiến sĩ Khanh cho biết, khi lau dọn bàn thờ, chú ý lau dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp, lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước hoặc bay màu sơn, có thể dùng loại máy thổi hơi để thổi sạch các hạt bụi trong góc gách.

Khi lau chùi tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương…Nếu có sự cố bất khả kháng phải xê dịch các bức tượng, đồ thờ hoặc bát hương thì khi lau dọn xong phải sám hối và hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu.

Nên thường xuyên tỉa các chân hương (chỉ để lại 3 chiếc chân hương là được), không nên để nhiều chân hương vì nó chỉ là rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bặm. Nếu bát hương bị rác, bàn thờ bụi bặm thì gia chủ dễ bị các bệnh ngoài da như ghẻ lở , hắc lào, viêm da, xạm da….

Đối với các bức tượng bằng đồng không nên lau rửa bằng rượu, cồn, hoặc hóa chất, để tránh cho đồng khỏi bị ô xi hóa, han rỉ thành màu xanh hoặc nhanh bị xỉn. Khi sạch bụi rồi thì bước tiếp theo là thay nước ở các bình hoa và thay nước cúng. Hoa đã héo hoặc đã tàn cần phải thay ngay.

*Bài viết dọn bàn thờ, tỉa chân hương Tết Kỷ Hợi 2019 mang tính chất tham khảo. Tít bài do Báo điện tử Dân Việt đặt

>>> XEM THÊM: Sau cúng ông Công ông Táo năm 2019, rút tỉa chân hương ngày nào?