Dân Việt

6 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2.2019

Bảo Linh (tổng hợp) 01/02/2019 06:01 GMT+7
Quy định về thời gian tập sự của giáo viên, điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi, hướng dẫn lấy ý kiến trẻ em, chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 2.2019.

1. Quy định mới về thời gian tập sự đối với giáo viên, giảng viên   

Theo Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT quy định về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập như sau:

- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng);

- Tuyển dụng vào chức danh giáo viên THCS hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng;

img

Giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng. Ảnh minh họa. Nguồn I.T

- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.

Thời gian tập sự trên áp dụng kể từ ngày 15.1.2019, những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15.1.2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21.3.2016.

Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8.2.2019,

2. Điều kiện mới để doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chuyển đổi

Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền thì điều kiện để phát hành là:

- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập và có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu:

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh;

+ Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định.

(Hiện tại chỉ yêu cầu là doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm kể từ ngày chính thức hoạt động)

- Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định;

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định;

img

Ảnh minh họa. Nguồn I.T

Ngoài ra, quy định thêm những điều kiện mới so với quy định hiện hành như:

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định;

- Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định;

- Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành (nếu có).

Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.2.2019.

3. Điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy

Theo Nghị định 165/2018/NĐ-CP, việc chuyển đổi từ chứng từ điện tử (CTĐT) sang chứng từ giấy phải đáp ứng đủ 5 điều kiện (so với quy định hiện hành chỉ yêu cầu đáp ứng 3 điều kiện) thì mới được chuyển đổi, đơn cử như:

- Phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của CTĐT;

- Có thông tin thể hiện CTĐT đã được xử lý trên hệ thống thông tin và tên của hệ thống thông tin hoặc tên của chủ quản hệ thống thông tin;

- Có mã định danh của CTĐT để phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin hoặc có họ tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi;

- Tra cứu được tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thông tin hoạt động bình thường;…

Nghị định 165/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10.2.2019.

4. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán thuốc lá ngoại nhập lậu

Đó là một trong những nội dung Thông tư 122/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thông tư 122 quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu nhằm phục vụ công tác giám sát, quản lý, phòng chống buôn lậu thuốc lá.

nội dung chi phí liên quan đến bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu gồm: Chi phí kiểm nghiệm, giám định chất lượng; chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ hoặc tịch thu đến khi hoàn thành việc bán đấu giá; thù lao dịch vụ đấu giá và các khoản chi phí khác trực tiếp phục vụ cho việc bán đấu giá thuốc...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2019 và có hiệu lực đến hết ngày 15. 6.2020.

5. Phải lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản liên quan

Từ ngày 15.2 khi xây dựng các văn bản liên quan đến trẻ em cần phải lấy ý kiến của trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, nguyên tắc lấy ý kiến của trẻ em là  Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.

img

Từ ngày 15.2 khi xây dựng các văn bản liên quan đến trẻ em cần phải lấy ý kiến của trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH. Ảnh: By

Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.

Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.

Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em.

Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quy trình lấy ý kiến của trẻ em bao gồm các bước sau: Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em, Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em, Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em, Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.

6. Lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip

Theo Thông tư 41/2018/TT-NHNN, lộ trình chuyển đổi được quy định như sau: Đến 31.12.2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Đến 31.12.2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/2.

>>>XEM THÊM: Quy định công nhận văn bằng nước ngoài sẽ được chỉnh sửa ra sao?