Lẽ thường, người ta đến với nhau, yêu nhau, tổ chức đám cưới rồi chung sống cùng nhau thì hạnh phúc gia đình là mục đích đầu tiên và lớn nhất mà cặp vợ chồng nào cũng hướng tới. Tuy nhiên, mục đích này không phải gia đình nào cũng đạt được, để rồi đường ai nấy đi là điều ngoài mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân mà số đông gia đình vấp phải, đó là cái "tôi" cố hữu trong mỗi người. Cụ thể trong vụ án ly hôn của giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, là người theo dõi trực tiếp phiên xét xử công khai, tôi cảm nhận cái "tôi" của cả hai đương sự lồ lộ, ngùn ngụt, chỉ chực bị chạm là cái “tôi” ấy bật ra nhằm vào đối phương một cách không kiểm soát.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa. IT
Trong đơn ly hôn bà Thảo trình bày, lý do bà ly hôn ông Vũ là bởi hai người có nhiều bất đồng, mâu thuẫn trong cuộc sống chung, trong việc chăm sóc dạy dỗ con cái, trong điều hành hoạt động của công ty... Nhưng tất cả những điều đó là gì, nếu không phải vì ai cũng khư khư giữ cái “tôi” cá nhân của mình, tới độ không tìm được tiếng nói chung, lối đi chung, không dung hòa được.
Họ đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc xuất phát từ tình yêu, họ cũng không dấu diếm, phủ nhận điều này tại tòa. Nhưng cả ông Vũ bà Thảo đều không nhượng bộ nhau, không vì ngày hôm qua hạnh phúc mà hạ bớt cái “tôi” trong mỗi người để thấu hiểu, chia sẻ, bỏ qua, cho nhau thêm một cơ hội hàn gắn.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại toà
Không chỉ có vậy, họ đã ở hai bên “chiến tuyến”, vì cái “tôi” ngự trị, họ quyết bảo vệ yêu cầu, chiến thắng đối phương cho bằng được nên cãi vã nảy lửa, tranh chấp kịch liệt. Họ quên những ngôn tình, những tốt đẹp, mặn nồng đã từng có với nhau hơn 20 năm, thay vào đó là việc “đấu tố”: Ông Vũ tố bà Thảo sống bạc tình, không thiện tâm, thiện lành, tham lam; còn bà Thảo tố ông Vũ vô trách nhiệm với vợ con, ngoại tình…
Hãy khoan nói về việc họ muốn bảo vệ tài sản để không rơi vào tay người ngoài, họ vì tiền, vì khối tài sản nghìn tỷ; mà cái lớn nhất cả ông Vũ, bà Thảo muốn bảo vệ chính là cái “tôi” cá nhân. Vì lẽ đó mà họ không thể chấp nhận nhược điểm của nhau, không chịu thừa nhận sai lầm thuộc về mình, không nhịn nhường, hy sinh vì nhau, vì con cái.
Trong 2 ngày xét xử công khai tại tòa, điều bất ngờ và cũng là đáng tiếc của cuộc hôn nhân từng được xem là đẹp và đáng ngưỡng mộ một thời, đó là bà Thảo quyết định rút đơn xin ly hôn ông Vũ, mong quay về đoàn tụ. Nhưng chỉ vài giờ sau bà lại thay đổi quyết định, tiếp tục xin ly hôn. Diễn biến tâm lý ở đây là gì nếu không phải là cái "tôi" quá lớn trong tư duy, nhận thức, suy nghĩ của bà Thảo?!
Không chủ quan mà nói rằng sự thay đổi quyết định không phải do bà Thảo đã cạn tình, tình yêu của bà dành cho ông Vũ đã nguội tàn. Bởi nếu hết yêu thương, bà Thảo đã không quả quyết xin rút đơn ly hôn ngay tại tòa. Chỉ có thể lý giải cho sự thay đổi nhanh chóng này, đó là vì tình yêu, sự thông cảm, mong muốn quay trở lại hàn gắn cuộc hôn nhân đã không chiến thắng được cái “tôi”.
Bà Thảo không thể chấp nhận tha thứ, bỏ qua những gì mà bà cho là lỗi lầm, "sỉ nhục" ông Vũ gây ra đối với bà trong thời gian qua. Bà không thể đang là một doanh nhân thành đạt có tiếng mà chịu lui về phía sau chăm sóc cho chồng con, nhường toàn quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ. Bà phải có sự nghiệp, con đường đi của riêng bà. Bà càng không thể buông lời xin lỗi ông Vũ, xin lỗi mẹ chồng như bà khăng khăng trình bày trước tòa.
Đối với ông Vũ, ông từng phản đối, không đồng ý khi bà Thảo nộp đơn xin ly hôn. Ông từng thốt lên đau xót tại tòa: Ngồi đây là một sự nhục nhã. Ông không bao giờ nghĩ có ngày lại đưa nhau ra tòa, nhờ đến pháp luật để chia từng phần tài sản vợ chồng bao năm gây dựng.
Nhưng cuối cùng, dù cả khi bà Thảo quyết định rút đơn xin ly hôn, mong có cơ hội quay về đoàn tụ, thì người đàn ông này vẫn cương quyết đề nghị tòa xử cho được ly hôn. Ông luôn nói bà Thảo phải nhìn lại mình đi, hãy sống thiện lành, đối đãi thiện tâm chứ đừng sống như vậy nữa?!
Hơn thế nữa, ông Vũ cho rằng bà Thảo trở thành “điểm nghẽn” trong công việc, sự nghiệp, con đường đi tiếp theo của ông để xây dựng, phát triển Trung Nguyên. Ông cho rằng nhẽ ra bà Thảo phải ủng hộ, hỗ trợ ông tiếp tục gây dựng sự nghiệp lớn mạnh, thì ngược lại, bà Thảo chính là “điểm nghẽn” chưa được khai thông ngăn trở ông.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ kiên quyết muốn loại người phụ nữ mình từng hết mực yêu thương ra khỏi cuộc sống, công việc, để được tự do quyết định hướng đi mà ông cho là đúng đắn.
Với ông, vợ phải là vợ, chồng phải là chồng, phải có trên dưới, trong nhà, chồng nói vợ phải nghe… Nghĩa là ông cho rằng người phụ nữ kia phải phục tùng chồng hoàn toàn.
Trong gia đình, không có sự bình quyền giữa vợ chồng. Nhưng bà Thảo không đơn giản chỉ là người phụ nữ của bếp núc, gia đình. Vì vậy, ông Vũ kiên quyết muốn loại người phụ nữ mình từng hết mực yêu thương ra khỏi cuộc sống, công việc, để được tự do quyết định hướng đi mà ông cho là đúng đắn.
Những mâu thuẫn, xung đột diễn ra giữa ông Vũ và bà Thảo trong nhiều năm qua, ngay cả khi đã ra tòa dẫn đến kết cục là một phiên tòa căng thẳng, kịch tính.
Đó là gì nếu không phải là vì cái “tôi” trong mỗi người?! Chính vì cái “tôi” ấy, mỗi ngày một chút mâu thuẫn, một chút bất đồng với nhau, nhưng không giải quyết được, nên lâu dần "tích tiểu thành đại", mâu thuẫn, bất đồng trở nên trầm trọng. Đến lúc ai cũng cho mình đúng, đối phương sai, không ai thừa nhận đối phương thì đổ vỡ là điều không tránh khỏi.
Có câu nói rất đúng: Cái "tôi" tỷ lệ nghịch với hạnh phúc gia đình. Và "cái “tôi” gần với cái tồi đó thôi!" Bởi vậy, không thể có sự tồn tại cái “tôi” cá nhân trong cuộc sống vợ chồng.
Chiều 25.2 tới, tòa án sẽ phán quyết cho cuộc hôn nhân từng đẹp như thơ của ông Vũ bà Thảo. Ai sẽ "chiến thắng" trong cuộc chiến tranh giành tài sản trong những ngày qua?
Nhưng cho dù là ai đi nữa, với tôi, họ đã là những người thất bại. Họ thất bại ngay với cái "tôi" của mình.