Sau khi báo chí phản ánh hiện tượng chùa Ba Vàng sử dụng tài khoản của Ngân hàng Vietcombank để nhận tiện công đức và tiền “gọi vong”, anh Q ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh, đã thử chuyển vào tài khoản Vietcombank của chùa Ba Vàng thì thấy giao dịch thành công.
Việc Chùa Ba Vàng có tài khoản ngân hàng và ngân hàng mở tài khoản cho chùa có đúng quy định của pháp luật không, nguồn tiền chuyển vào đây được sử dụng như thế nào là nội dung được dư luận quan tâm.
Vietcombank mở tài khoản cho chùa Ba Vàng thu tiền “gọi vong” có đúng quy định?
Trao đổi với Dân Việt, LS. Nguyễn Thế Truyền – Công ty luật Thiên Thanh cho biết: Việc thu tiền “gọi vong” rõ ràng là có dấu hiệu của hiện tượng mê tín dị đoan.
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh nếu thực sự có mở tài khoản cho chùa Ba Vàng cũng không quan trọng, quan trọng là phải có sao kê để thấy rõ tài khoản Chùa Ba Vàng do ai làm đại diện pháp nhân, thu tiền như thế nào, sử dụng tiền thu được vào việc gì.
Cùng chung nhận định trên, luật sư Hoàng Ngọc – Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và cộng sự cho rằng: Việc thu tiền “gọi vong” của nhà chùa rõ ràng đã có dấu hiệu của mê tín dị đoan. Nếu chứng minh được thu tiền với số lượng lớn đúng như báo chí phản ánh, sử dụng cả nạn nhân xấu số để dụ dỗ người dân nộp tiền “gọi vong” thì còn có thể xem xét tới yếu tố lừa đảo.
“Việc chùa Ba Vàng thu tiền có hợp pháp hay không và sau khi thu rồi có sử dụng hợp pháp hay không, số tiền thu được sử dụng như thế nào là vấn đề cần được làm rõ. Nhà chùa không được coi là doanh nghiệp, do đó mở tài khoản là tài khoản của tổ chức, không phải tài khoản doanh nghiệp. Hiện cũng chưa có quy định nào về các nguồn thu của chùa phải nộp thuế”, luận sư Ngọc phân tích.
Luật sư Ngọc cũng cho rằng, việc chùa Ba Vàng có tài khoản lại là cơ hội tốt để cơ quan chức năng yêu cầu sao kê các giao dịch phát sinh, từ đó truy ngược lại những người chuyển tiền có bị lừa hay ép buộc dẫn tới chuyển tiền không?
Chuyển tiền vào tài khoản Vietcombank của chùa Ba Vàng cho thấy giao dịch thành công (Ảnh: IT)
Còn PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì phân tích: Ngân hàng Vietcombank mở tài khoản cho Nhà chùa là bình thường, giúp cho nhà chùa kiểm đếm tiền đóng góp của thập phương, góp phần làm công khai, minh bạch các khoản thu. Tuy nhiên, dùng tài khoản để thu các khoản đóng góp cho “gọi vong” rõ ràng là có hiện tượng mê tín dị đoan, trái với các đạo lý của đạo phật.
“Thời gian gần đây, rất nhiều người nhắc tới việc dùng tâm linh để kinh doanh, làm kinh tế nhưng hiện cơ quan thuế không có quy định nào đánh thuế loại hình kinh doanh tâm linh. Vì đây không phải là hoạt động kinh doanh thông thường”, ông Thịnh nói .
Theo ông Thịnh, nhiều người cũng quan tâm đến nguồn thu của các chùa không rõ ràng và minh bạch. Nhiều địa phương, chính quyền xã, phường đứng ra thu sau đó dùng kinh phí để tu bổ chùa đó hoặc tu bổ chùa trên địa bàn. Một số chùa lớn có Ban Quản lý và các chùa được xếp hạng di tích Lịch sử như Yên Tử chẳng hạn, có Giáo hội phật giáo hay các cơ quan của tỉnh để kiểm đếm phần đóng góp từ nguồn của khách thập phương.
“Có lẽ, đến lúc cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm thích đáng tới hoạt động tâm linh này. Chùa đáng ra phải xây dựng bằng nguồn tiền của phật tử thập phương hay của Giáo hội phật giáo Việt Nam. Không phải doanh nghiệp cứ bỏ tiền ra, xây chùa xong lại thu lại khoản tiền đó thì còn có ý nghĩa gì. Rõ ràng, cá nhân hay doanh nghiệp nào đó xây chùa mà chờ thu lại tiền là núp bóng phật giáo để thu lợi cho doanh nghiệp”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, nói tới tâm linh nhiều người ngại nên các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và có chính sách quản lý phù hợp. Nếu là hình thức kinh doanh cần có cơ chế đóng góp cho xã hội, hướng dòng tiền đầu tư vào chùa chiền đó đúng với tính chất tâm linh.
.