Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (sân Mỹ Đình) được xây dựng để phục vụ SEA GAMES 22 tổ chức tại Việt Nam và được khánh thành ngày 2.9.2003. Tôi đã xem nhiều trận bóng đá của đội tuyển quốc gia trên sân này: từ trận khai sân với đội Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc), đến trận với đội tuyển Olympic Brazil trong thành phần có danh thủ Ronaldinho (2008) và trận với đội Arsenal của xứ sở sương mù (2013), không kể các trận trong khuôn khổ Sea Games, AFF Cup, các trận vòng loại ở các giải châu lục và thế giới.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: IT
Hồi đầu, khi sân mới đưa vào sử dụng, các thiết bị mới hoạt động và cách điều hành của ban quản lý sân còn trách nhiệm, nên khán giả đến sân cảm thấy mình được phục vụ tốt, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra mua vé vào xem. Nhưng càng ngày nhiều thiết bị trên sân càng xuống cấp, ban quản lý sân lại như không coi đó là việc của mình, dẫn đến việc khán giả thấy bị coi thường.
Tôi đã bức xúc chuyện này từ lâu. Cho đến tối qua (24,3.2019) ra sân Mỹ Đình xem trận vòng loại giải vô địch bóng đá U23 châu Á giữa hai đội Việt Nam – Indonesia thì sự bức xúc của tôi đã lên đến tột độ.
Điếc
Hệ thống loa trên sân Mỹ Đình từ lâu gần như đã hỏng hẳn. Cả bốn khán đài khi đông nhất hơn bốn vạn người với tiếng động rất lớn của mọi thứ âm thanh, tiếng ồn, mà tiếng loa của sân thì nhỏ, không có âm vang, bị tắt ngấm ở đâu đó. Toàn bộ khán đài B không nghe thấy gì, mà đó là khán đài của đông đảo khán giả quần chúng. Ban tổ chức có đọc danh sách cầu thủ, có giới thiệu đại biểu, có hô hát quốc ca cũng chẳng ai nghe thấy.
Như tối qua tôi cùng các khán giả ở khán đài B chờ đứng dậy hát quốc ca thì phải căng mắt nhìn sang khán đài A. xem cầu thủ đội bạn hát xong hết đứng nghiêm mới biết sắp đến quốc ca nước mình. Rồi dỏng tai cố lọc qua biển tiếng động cực lớn trên sân có loáng thoáng nghe loa đọc danh sách cầu thủ không.
Tịnh không! Giữa trận khi hai đội thay người, nghe có tiếng loa nhưng cũng chẳng nghe rõ là ai vào ai ra. Thế là khán giả bị điếc.
Mù
Cái màn hình trên sân Mỹ Đình ngay từ khi khai sân 2003 đã thấy là bé. Lại chỉ có ở khán đài D, không có ở C. Không hiểu từ trong thiết kế kiểu gì mà lại thế. Vì ngồi ở A và B thấy màn hình, còn nó đặt ở D thì C không thấy, mà đặt ở C thì D không thấy. Vì vậy, màn hình là phải đặt ở cả hai khán đài C và D. Đấy là nói vị trí đặt. Còn về chức năng vận hành của màn hình: hỡi ôi ban tổ chức sân gần như làm tê liệt hoàn toàn.
Chức năng của màn hình chủ yếu để cập nhật thông tin trận đấu cho khán giả trên sân. Âm thanh dù tốt đến đâu nhưng trong một không gian rộng và trống vẫn dễ bị thất thoát, không phải lúc nào cũng nghe rõ. Còn màn hình chiếu lên ai cũng thấy được. Màn hình trên sân bóng cốt để chiếu lên cho đông đảo khán giả đến sân (và cả các cầu thủ hai đội) thấy và biết những thông tin, hình ảnh của trận đấu.
Danh sách và hình ảnh hai đội ra sân, chào cờ. Danh sách tổ trọng tài. Hình ảnh bàn thắng và tên cầu thủ ghi bàn. Tên cầu thủ bị thẻ phạt. Tên các cầu thủ thay người. Cả những hình ảnh của ban huấn luyện và khán giả trên khán đài. Nói của đáng tội, hồi đầu cái màn hình sân Mỹ Đình có được cho hiện lên một vài yếu tố nêu trên.
Nhưng khoảng chục năm nay đã tịt hẳn, suốt trận đấu chỉ trơ trơ trên màn hình là tên hai đội và bảng tỷ số. Sự biến đổi duy nhất trên màn hình là thời gian trận đấu và tỷ số (nếu có). Trong khi đó giữa giờ nghỉ, ban tổ chức lại cho màn hình phát quảng cáo. Thế là khán giả bị mù!
Do bị ĐIẾC và bị MÙ như vậy nên suốt trận đấu tối qua khán giả cứ vừa xem vừa đoán vừa hỏi nhau tên từng cầu thủ. Báo hại là áo cầu thủ đội nhà không hiểu VFF làm ăn thế nào mà lại không in tên cầu thủ nên khán giả càng không biết đâu mà lần. (Trong khi cầu thủ đội bạn lại rõ từng tên sau lưng áo). Nhìn đội hình U23 Việt Nam ra sân từ xa chỉ nhận ra Quang Hải vì dáng thấp con và tay đeo băng biết là đội trưởng.
Khi gần hơn chút nữa thì nhận ra mặt Văn Toàn. Còn đoán chắc là có Đình Trọng vào sân ngay từ đầu. Nhưng rồi một khán giả thấy cầu thủ thay người vào sân mang số 21 liền ồ lên: Đình Trọng giờ mới vào! Thế là cả hội khán giả chưng hửng, thấy mình bị ban tổ chức sân cho mù cả lượt.
Tận đến khi tan trận rồi, trong dòng người lũ lượt ra về tôi vẫn còn nghe nhiều người hỏi nhau: Ai ghi bàn cho đội mình ấy nhỉ? Một cô gái đi bên cạnh tôi, thấy người tóc trắng ý hẳn cho là cái gì cũng biết, cũng hỏi tôi câu ấy. Tôi chịu chứ biết sao, đành đổ lỗi: Cháu đi hỏi cái màn hình trên sân nhé, nó mà hiện cả cảnh ghi bàn cả tên người lập công bác cháu ta biết được ngay! Cô gái liền đáp: Ừ, phải rồi.
Nếu màn hình chiếu được thế, niềm vui mừng đội nhà thắng trận của bác cháu ta ngay trên sân càng thêm bùng nổ, bác nhỉ. Tôi gật đầu chia sẻ. Và nhớ hình như đã có dạo ban quản lý sân đã cho màn hình chiếu tường thuật trực tiếp trận đấu của đài truyền hình, thế là khán giả đến sân được lợi đôi đường. Nếu ban quản lý chưa trực tiếp chủ động được việc thu phát trên sân để chiếu lên màn hình thì tiếp sóng toàn bộ chương trình tường thuật, hoặc giả là những pha quay lại bàn thắng, của các đài VTV hay VTC cũng là cách hay.
Tan trận về đọc các bài viết tôi mới biết danh sách các cầu thủ và tình huống ghi bàn của cầu thủ số 7 Triệu Việt Hưng.
Chôn chân
Sân Mỹ Đình rộng mà lối cho khán giả vào và ra lại hẹp. Tôi không hiểu, thật sự không hiểu, tại sao ban tổ chức không mở nhiều lối vào cho khán giả, nhất là ở những trận đấu lớn, có nhiều người xem. Dù cho khán giả kéo đến đông nghịt, ùn ùn tầng tầng lớp lớp, mặc, ban tổ chức chỉ cho mở hai ba cổng vào, mà cổng lại hẹp,thế là chất đống cả người lên, chen chúc, xô đẩy.
Cơ khổ! Mà có khó gì một cái cổng: dãy rào bên ngoài cùng sân là rào có bánh xe, chỉ di chuyển là được. Qua được cổng ngoài, qua khu kiểm tra an ninh, đến cổng trong cũng vẫn thế, đông mấy vẫn chỉ vài cái mở ra chật hẹp, lại khiến khán giả phải xô đẩy, chen chúc.
Vào sao ra vậy. Lẽ thường cổng ra phải mở trước khi trận đấu kết thúc năm mười phút. Thế mà không, cứ chờ đấy. Tối qua, sau khi trận đấu đã kết thúc, đám đông khán giả từ các khán đài phải chờ 15-20 phút mới được mở cổng trong cho ra, cứ túm tụm nhau lại ở tầng dưới khán đài B. Đến nỗi một số khán giả nóng ruột đã xô cả rào ngăn, nhảy qua hàng rào ra trước. Ra cổng ngoài lại túm tụm chờ để lại chen nhau qua lối hẹp.
Tôi có hỏi một chiến sĩ cảnh sát cơ động đứng canh cổng tại sao không mở sớm cho khán giả thoải mái ra, anh trả lời: Bác đi hỏi ban tổ chức ạ, cháu chỉ làm nhiệm vụ thôi.Thế là khán giả cứ bị chôn chân. Ôi, khốn khổ dân tôi, nạn nhân của thói quan thích hành dân, ngay cả khi đi xem bóng đá.
Từ cái sự điếc, mù, chôn chân của khán giả đến sân vận động quốc gia Mỹ Đình, tôi muốn hỏi ban quản lý sân và ban tổ chức các trận đấu bóng đá một câu: Tại sao lại thế?
Có phải một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng hành dân, làm khổ khán giả như trên, là đây: Kết quả kiểm toán nhà nước tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình khẳng định thời ông Cấn Văn Nghĩa – đương kim Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa VIII - làm giám đốc có nhiều vi phạm tài chính.
Hay nguyên nhân sâu xa hơn nữa là từ việc đấu thầu xây dựng sân Mỹ Đình từ 2002 – 2003? Theo ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao thời kỳ đó, việc chọn nhà thầu Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc) thay cho nhà thầu Philipp Holzmann AG International (Đức) đã gây ra nhiều hệ lụy về sau.
Ông Dự nói: “Kết luận thanh tra về sai phạm hàng loạt của nhà thầu HISG sau khi xây sân vận động Mỹ Đình đã được công khai nhiều người biết từ năm 2004. Tôi tiếc rằng nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu - Mỹ, chắc chắn chất lượng sân vận động Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm ngành thể thao không phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sửa sân như suốt những năm qua”.
Khán giả cần câu trả lời của những người có trách nhiệm ở sân Mỹ Đình, và không chỉ quanh sân, để mỗi khi ra sân xem bóng đá, cũng như các môn thể thao khác, họ được thoải mái, sung sướng nghe nhìn hò reo cùng các cầu thủ và các vận động viên trong một niềm vui tận hưởng vô bờ bến, thay vì cái vui không trọn vì bị điếc, mù, chôn chân.