Dân Việt

Sàm sỡ bé gái trong thang máy: Có thỏa thuận hòa giải, vụ án sẽ ra sao?

Bảo Yến 05/04/2019 20:58 GMT+7
Cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng có những hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP. Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận hòa giải, không làm lớn chuyện. Điều này khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi vụ án sẽ về đâu nếu gia đình không tố cáo?

Liên quan đến việc bé gái bị Cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ, ôm hôn trong thang máy chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM), khoảng 11h ngày 2.4, BQL đã gặp và thông báo cho gia đình cháu bé.

Khoảng 12h cùng ngày, cha mẹ cháu bé quyết định làm việc riêng với người đàn ông có hành vi sàm sỡ với con gái mình. Sau khi làm việc, bố mẹ bé mời BQL vào chứng kiến hai bên thỏa thuận hòa giải vì không muốn làm lớn chuyện, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu bé.

Việc gia đình em bé bị sàm sỡ trong thang máy thỏa thuận hòa giải vụ án sẽ đi về đâu?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP.Hà Nội khẳng định: “Đối với tội dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi không phải là trường hợp khởi tố theo đơn yêu cầu. Khi đủ căn cứ cấu thành tội phạm cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm khởi tố vụ án”.

img

Nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Dân Việt

“Chúng ta phải nhận thức rằng, vụ án dân sự, các chủ thể xâm phạm đến lợi ích của nhau nhưng đối với quan hệ hành chính và hình sự đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và hành vi phạm tội là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, được pháp luật hình sự bảo vệ.

Ở đây, đối tượng thực hiện hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi thì đã xâm phạm quan hệ pháp luật là bảo vệ đối với danh dự nhân phậm, tính mạng sức khỏe của trẻ em, không phải đơn thuần xâm phạm đến đối tượng tượng bị hại. Đối tượng bị hại lúc này chỉ là biểu hiện bên ngoài.Vì vậy, pháp luật vẫn xử lý trường hợp này mà không cần phải đơn tố cáo của gia đình nạn nhân.

Ngoài mang tính chất răn đe, việc xử lý này còn mang tính giáo dục chung cho xã hội. Nếu như, mọi hành vi phạm tội cứ được thỏa thuận bởi người phạm tội và người bị hại thì chắc rằng xã hội này sẽ bị loạn, không được điều chỉnh bằng những quy định pháp luật, cũng như xử lý vi phạm hành chính và bộ luật Hình sự sẽ mất đi ý nghĩa của nó.

Đương nhiên, có 1 số hành vi phạm tội được đánh giá mức độ ít nghiêm trọng của nó hoặc phải giữ bí mật đời tư cho người bị hại như tội hiếp dâm, tội cố ý gây thương tích thì phải phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại” – Luật sư Tuấn Anh phân tích.

Cũng theo luật sư: “Trường hợp em bé bị sàm sỡ trong thang máy tại TP. Hồ Chí Minh đã xâm phạm đến chế định bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam. Nó xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, quản lý xã hội nên không cần phải có đơn tố cáo của người bị hại nếu cơ quan chức năng xét thấy có đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm.

Đối với các hành vi tội phạm, các cơ quan tố tụng có chức năng chứng minh hành vi phạm tội bằng các chứng cứ hiện có, các lời khai, các chứng cứ có thể thu thập. Nếu như các chứng cứ đủ căn cứ khởi tố thì cơ quan điều tra tiến hành khởi tố theo quy định pháp luật”.

“Tuy nhiên, đối với một vụ án hình sự, đặc biệt là tội phạm liên quan đến dâm ô rất khó để thu thập chứng cứ rõ ràng để chứng minh hành vi phạm tội. Vì vậy, để làm được việc này tôi nghĩ rằng cơ quan điều tra phải rất giỏi về nghiệp vụ điều tra cũng như đòi hỏi người có kinh nghiệm, bản lĩnh mới có thể có những căn cứ, chứng cứ chứng minh được hành vi tội phạm này.

Đối với những vụ dâm ô nếu đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất ví dụ như sự tổn thương trên cơ thể… tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ chứng minh được hành vi phạm tội này. Đây có lẽ chúng ta sẽ phải xem xét sửa đổi pháp luật theo hướng làm rõ phạm vi hành vi dâm ô, nếu cứ nói chung chung dâm ô sẽ rất khó để áp dụng thống nhất pháp luật của cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng” – Luật sư bày tỏ quan điểm.