Ông Mai Sỹ Diến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá). Ảnh: Nguyễn Lộc
Vỡ trận rồi...
Thưa ông, có ý kiến lo ngại dịch tả lợn châu Phi sẽ lan ra khắp 63 tỉnh thành và xoá sổ đàn lợn, nhất là ở những hộ chăn nuôi nhỏ. Ông có lo ngại về điều này không?
- Bây giờ điều đó không còn là lo ngại nữa mà đã là thực tế. Bản thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo trước Quốc hội dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 48/63 tỉnh thành (con số cập nhật đến ngày 3/6 là 52 tỉnh, thành- PV). Chỉ còn 11 tỉnh chưa có dịch thì có thể khẳng định tình hình đã vỡ trận rồi, việc lan ra cả 63 tỉnh thành là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Ngay lập tức chúng ta đã có sự cảnh báo, đã có công điện phòng chống của Thủ tướng rồi, vậy mà tại sao vẫn không thể ngăn chặn được, tới mức lan ra 48 tỉnh thành?
Tình hình đã vỡ trận, vấn đề bây giờ là kiểm soát, công bố tình trạng dịch bệnh như thế nào để người dân không bị hoang mang, phối hợp chống dịch tốt? Hiện ở nhiều xã, nhiều gia đình vẫn đang giấu dịch, tìm cách tiêu thụ lợn để vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Còn chính quyền địa phương, rồi Bộ NNPTNT có nắm chắc được tình hình hay không? Tôi xin khẳng định là không.
Vừa qua, Ban Bí thư đã phải ra chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, thế có nghĩa là dịch bệnh đã đến mức trầm trọng rồi.
Để vỡ trận như bây giờ, tới mức Ban Bí thư phải ra Chỉ thị, mà Bộ trưởng Bộ NNPTNT mới nói đến tình hình, các giải pháp chứ chưa thấy nói đến trách nhiệm của Bộ trưởng, của các bộ, ngành địa phương khi để xảy ra vỡ trận. Tình hình trước mắt có thể nghiêm trọng đến đâu, đến nay vẫn không ai dự báo được. Điều này khiến cử tri rất băn khoăn.
Tiêu hủy lợn dịch tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cuối tháng 4/2019. Ảnh: Trần Quang
Bộ NNPTNT chỉ đạo chưa rốt ráo
Trước đó, Thủ tướng cũng đã nói “chống dịch phải như chống giặc”, tỉnh nào để xảy ra dịch thì người đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng đến nay, chưa thấy có ai lên tiếng nhận trách nhiệm?
- Trong lúc dịch bệnh diễn biến nóng bỏng như hiện nay, tôi thấy việc nhận trách nhiệm cũng là cần thiết, song cũng còn hơi sớm. Vấn đề quan trọng hơn bây giờ là phải tập trung ngăn chặn dịch, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, mà chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ. Bảo vệ người chăn nuôi nhỏ lẻ thế nào trước “bão dịch” là trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ NNPTNT và đặc biệt là chính quyền các địa phương.
Nước ta có đường biên giới với Trung Quốc dài khoảng 1.400km, tại sao không lập các chốt ngăn chặn triệt để ở biên giới ngay từ đầu? Dịch tả lợn châu Phi không lây qua gió, mà lây trực tiếp từ lợn sang lợn, từ các phương tiện vận chuyển… Do không ngăn chặn triệt để, vẫn để xảy ra tình trạng buôn lậu lợn, nội tạng lợn vào nội địa nên cuối cùng, dịch đã bùng phát lây lan khắp nơi.
Cái buồn cười là hễ xã nào, huyện nào có ổ dịch thì mới bắt đầu lập chốt chặn ở 2 đầu của xã. Dịch xuất hiện rồi thì lập chốt chặt không còn nhiều ý nghĩa, vì trước đây dịch chỉ xuất hiện ở phía Bắc, bây giờ đã lan cả vào phía Nam và Tây Nguyên. Rõ ràng công tác kiểm soát phòng chống dịch rất yếu kém.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng để dịch tả lây lan quá nhanh là do ngành thú y yếu kém, thiếu người?
- Phải nhìn nhận một thực tế là thú y yếu kém nhưng chủ yếu là do hiện nay chúng ta không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị. Trách nhiệm một phần ở ngành thú y, nhưng đầu tiên phải nói là người đứng đầu Bộ NNPTNT chưa chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt ngay lập tức; thứ 2 là trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa vào cuộc tích cực; thứ 3 là chính sách hạn chế.
Việc ngăn chặn dịch không thể đổ lỗi cho một mình ngành thú y được mà là cả hệ thống, từ các cấp chính quyền địa phương, tới truyền thông, chính sách… Thú y mạnh mà chính quyền các cấp thờ ơ, không quyết liệt xử lí thì dịch vẫn không thể chống được.
Các hộ chăn nuôi nhỏ sẽ bị "bóp chết"
Nhiều người đang lo ngại dịch bệnh càn quét sẽ khiến nhiều hộ chăn nuôi bị vỡ nợ, tỉ lệ hộ nghèo và tái nghèo sẽ tăng lên trong thời gian tới?
- Điều này đương nhiên sẽ xảy ra. Thực tế là khủng hoảng giá lợn hơi năm 2016-2017 đã làm các nông hộ “chết” một lần. Bây giờ dịch tả lợn châu Phi tàn phá, chắc chắn nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bị phá sản lần nữa.
Các doanh nghiệp FDI với quy mô vốn lớn có thể sẽ ít bị ảnh hưởng, nhưng người chăn nuôi nhỏ sẽ bị “bóp chết”, vì đối với họ đàn lợn là cả gia tài. Đàn lợn chết thì họ mất kế sinh nhai, không có nguồn thu nhập. Chuyện tái nghèo là hệ luỵ có thể nhìn thấy trước được, chưa kể rất nhiều vấn đề khác sẽ xảy ra như ô nhiễm môi trường, các tiêu chí nông thôn mới… Tôi chưa thấy 1 đại dịch nào lây lan nhanh kinh khủng và thiệt hại lớn như vậy.
Thực hiện tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Ảnh: Trần Quang
Ở Thanh Hoá, công tác phòng chống dịch được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Nhìn chung các giải pháp về phòng chống, tiêu độc khử trùng, tuyên truyền, lập chốt kiểm dịch… đều được thực hiện nhưng tôi thấy chưa chặt chẽ, chưa đạt yêu cầu. Trong đó, công tác tuyên truyền chưa giúp người dân nhận thức được đầy đủ về dịch, cộng với ý thức của một bộ phận người dân còn kém nên vẫn còn tình trạng vứt xác lợn chết bừa bãi ra kênh mương, bờ ruộng, khiến virus bệnh dịch dễ dàng phát tán.
Thứ hai, ý thức phòng chống dịch của chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự nghiêm. Ông trưởng thôn, chủ tịch xã phải biết được nhà này có bao nhiêu con lợn, gia đình nào có đám cưới, đám tang, rồi cán bộ thú y phải kiểm tra đàn lợn này có bị dịch bệnh gì hay không mới cho giết mổ… Phải kiểm soát được từng hộ gia đình như thế thì dịch mới khó lây lan.
Nông dân đang rất trông ngóng vào khoản tiền hỗ trợ tiêu huỷ lợn bị dịch bệnh. Tuy nhiên nhiều tỉnh đang “cạn” tiền, ví dụ như ở Thái Bình, ước tính tổng giá trị hỗ trợ lên tới hơn 400 tỷ đồng, nhưng ngân sách tỉnh này chỉ đáp ứng được khoảng 100 tỷ. Thời gian tới dịch sẽ làm chết nhiều lợn nữa, vậy chúng ta sẽ lấy đâu ra tiền để hỗ trợ nông dân, cứu người chăn nuôi?
- Vấn đề bây giờ là chính sách đã ban hành thì phải thực hiện công bằng, phải giảm các nguồn lực khác để ưu tiên cho công tác hỗ trợ, dập dịch. Bây giờ mà buông là hỏng. Nguồn ngân sách dự phòng đâu? Các nguồn khẩn cấp khác đâu? Ngay lúc này phải ưu tiên tập trung vào việc hỗ trợ người chăn nuôi, không thể nói là không có tiền được.
Xin cảm ơn ông!
“Chúng ta phải có chính sách thoả đáng, hợp lý để người nông dân nắm được và tiếp thu, phối hợp báo dịch sớm. Do chính sách hỗ trợ không thoả đáng, lại giải ngân chậm nên nông dân có tâm lý bán chạy lợn, chưa ý thức tự giác báo dịch, để tới khi không cứu vãn được nữa mới báo lên thú y, chính quyền. Tôi cho rằng chính sách hiện nay chưa sát với thực tế, chưa có tác dụng rõ rệt cho công tác quản lí dịch bệnh” – Đại biểu Mai Sỹ Diến. |