Quảng Nam: Nghề câu mực khơi đem lại thu nhập cao, giúp ngư dân vững tin vươn khơi bám biển

20/09/2021 20:19 GMT+7
Về xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nơi xuất xứ của nghề câu mực khơi. Qua câu chuyện kể của những người trong cuộc, chúng tôi cảm thấy xao lòng trước đầy rẫy rủi ro nhưng cũng rất vui khi nghề này thời gian qua được đầu tư, nâng cấp phương tiện, máy móc thiết bị hiện đại giúp ngư dân an tâm ra khơi bám biển.

Từ nghề lưới chuồn

Là người đã nhiều năm làm nghề lưới chuồn và là một trong những người đầu tiên ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm nghề câu mực khơi, ông Huỳnh Ngọc Dự, 70 tuổi cho biết, chủ yếu là làm nghề lưới chuồn nhưng trong lúc đánh bắt cá phát hiện mực nên tối lại anh em tranh thủ thả câu, ai câu được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu chứ không tính vào quỹ chung.

Quảng Nam: Nghề câu mực khơi đem lại thu nhập cao, giúp ngư dân vững tin vươn khởi bám biển - Ảnh 1.

Nghề câu mực khơi đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm ngư dân xứ Quảng. Ảnh: Điện Ngọc.

Đến năm 1991, ông chính thức làm nghề câu mực khơi, lúc đầu chỉ có 4 người gồm ông Huỳnh Ngọc Dự, Phạm Văn Nhiều, Lương Tiền, Bùi Hữu Nghĩa... đi ghe gắn máy 2T và sử dụng đèn gió để câu. Lúc đó mỗi chuyến ra khơi nhiều nhất cũng chỉ 1 tuần lễ, mực câu được bán với giá 40 ngàn đồng/kg, sau đó 50 ngàn đồng/kg. Năm 1995 tăng lên 70 ngàn đồng/kg, cũng là thời điểm ngư dân trong xã tham gia làm nghề câu mực nhiều hơn với khoảng 8-10 chiếc gồm 10-12 người/thuyền. Năm 1998 mở rộng ngư trường vào Sa Huỳnh, Quy Nhơn và cải tiến thay đèn dầu bằng đèn điện sáng nhấp nháy.

Để đèn đủ sáng, tiện cho việc câu mực, người câu nối điện vào bóng đèn, sau đó bỏ bóng đèn vào lọ thủy tinh, đậy kín miệng lọ và bọc bao ni lông bên ngoài thả xuống nước. Khoảng 1 năm sau không sử dụng điện nữa mà thay bằng 2 viên pin. Sau đó thay pin bằng bình ắc quy, bằng cách này sử dụng cho đến tận bây giờ nhưng đã được cải tiến hiện đại hơn.

Quảng Nam: Nghề câu mực khơi đem lại thu nhập cao, giúp ngư dân vững tin vươn khởi bám biển - Ảnh 2.

Ngư dân cập cảng cá An Hòa để chuẩn bị các nhu yếu phầm cần thiết cho chuyến đi mới. Ảnh: Điện Ngọc.

Phương tiện dần dần được nâng cấp, máy móc, thiết bị được đầu tư mua sắm và ngư trường cũng được mở rộng nên các chuyến ra khơi sau này tăng dần lên nửa tháng, rồi 1 tháng.... Nghề câu mực khơi dễ làm, là cơ hội giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nói dễ nhưng cũng rất khó, người câu mực cần phải chịu thương, chịu khó, phải "ăn sóng, nói gió" phải nghiêng chao cùng mái chèo.

Đầu tư đúng hướng

Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hàng chục chiếc tàu đang neo đậu san sát, thợ thuyền thay nhau chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm cần thiết khác xuống tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Ông  Lương Văn Cam – Chủ tàu 90039 Qna cho biết, làm nghề câu mực khơi đã hơn 20 năm nhưng đi làm bạn cho một số chủ tàu trong xã. Năm 2011, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông mạnh dạn đầu tư đóng mới 1 chiếc tàu có chiều dài 24m, rộng hơn 7m, gắn máy có công suất hơn 1.000CV cùng các loại máy móc thiết bị khác với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Quảng Nam: Nghề câu mực khơi đem lại thu nhập cao, giúp ngư dân vững tin vươn khởi bám biển - Ảnh 3.

Ngư dân chuẩn bị các vật dụng phục vụ cho nghề câu mực khơi. Ảnh: Điện Ngọc.

Tàu của ông Cam có 50 thuyền viên, chuyên câu mực ở các ngư trường thuộc huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Việt Nam). Mỗi chuyến đi từ 2 – 2,5 tháng, mỗi năm đi được 4 chuyến, sản lượng đánh bắt bình quân 25 tấn/chuyến, giá thời điểm 150 triệu đồng/tấn, chi phí cho mỗi chuyến hết 450 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí còn lãi ròng trên 3,3 tỷ đồng/chuyến. Đây là khoản thu nhập khá lớn đã giúp cho những hộ làm nghề câu mực khơi ở xã Tam Giang xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Trần Công Hận – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Giang cho biết, toàn xã hiện có 48 chiếc tàu, công suất từ 650CV – 1.000CV, trong đó có 39 chiếc làm nghề câu mực khơi. Trong những năm gần đây hầu hết các con tàu đã vươn ra biển xa, kéo dài thời gian câu đến hơn hai tháng/chuyến là nhờ họ sắm được những con tàu lớn, công suất cao.

Quảng Nam: Nghề câu mực khơi đem lại thu nhập cao, giúp ngư dân vững tin vươn khởi bám biển - Ảnh 4.

Nhu yếu phẩm phục vụ cho chuyến ra khơi mới. Ảnh: Điện Ngọc.

Bên cạnh đó, thuyền thúng có đường kính 3,5m, cao 1m cũng được đầu tư nên người câu mực một mình ngồi trên đó có thể cầm cự, xoay xở được với sóng, gió cấp 6, cấp 7 tránh được hiểm nguy trước những cơn lốc, gió xoáy xảy ra bất ngờ trong đêm. Cùng với đó, những người làm nghề câu mực khơi đã được trang bị máy bộ đàm để liên lạc với bạn câu, với thuyền trưởng nhờ sự giúp đỡ, tiếp cứu kịp thời khi gặp sự cố trong đêm câu.

Đồng thời hầu hết thợ câu đều có kinh nghiệm trong việc dò tìm, phát hiện ra những ngư trường mực khơi mới giữa Biển Đông góp phần làm cho những mùa câu đạt năng suất liên tục trong những năm gần đây. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của các đơn vị, ngành chức năng trên biển, trên bờ khi cần, giúp người câu mực khơi an tâm ra khơi bám biển.

Bằng tình yêu biển cùng với ý thức bảo vệ chủ quyền, hàng ngày trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam) luôn có những người con của  xã Tam Giang can trường cưỡi sóng vươn khơi bám biển. Việc làm này không chỉ để câu mực góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước mà họ còn là những "cột mốc" minh định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Điện Ngọc - Trương Hồng
Cùng chuyên mục