Quảng Nam ra "deadline" hoàn thành dự án gần 800 tỷ đồng

11/03/2024 14:32 GMT+7
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, phải hoàn thành trước tháng 9/2025 để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII.

Ngày 11/3, nguồn tin cho biết, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang xung quanh việc triển khai thi công dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, sau khi nghe lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đơn vị được giao chủ đầu tư-PV) báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án và UBND các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My báo cáo kết quả thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các khó khăn, vướng mắc.

Quảng Nam ra "deadline" hoàn thành dự án gần 800 tỷ đồng- Ảnh 1.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam phải hoàn thành trước tháng 9/2025. Ảnh: T.H

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang kết luận và nhấn mạnh, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, phải hoàn thành trước tháng 9/2025 để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII.

"Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã nhiều lần đi kiểm tra hiện trường, tổ chức các buổi làm việc và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất tích cực triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đạt được những kết quả nhất định.

UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, các địa phương và các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn, mặt bằng bàn giao đảm bảo điều kiện triển khai thi công chưa nhiều. Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tích cực phối hợp, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các hồ sơ, thủ tục, triển khai thi công hoàn thành từng hạng mục, đoạn tuyến cụ thể để tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.

Quảng Nam ra "deadline" hoàn thành dự án gần 800 tỷ đồng- Ảnh 2.

Tỉnh Quảng Nam chọn dự án Liên kết vùng miền Trung Quảng Nam là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII. Ảnh: T.H

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam còn yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch, tiến độ thi công cụ thể, chi tiết đối với từng hạng mục, công trình, đoạn tuyến,… để làm cơ sở cho các địa phương tập trung phối hợp, kịp thời giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công và chỉ đạo đơn vị thi công tập trung phương tiện, thiết bị, máy móc, nhân lực tổ chức triển khai thi công hoàn thành từng đoạn tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, sớm hoàn thành toàn bộ dự án…

Liên quan đến nguồn đất đắp khó khăn, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho chủ đầu tư sử dụng nguồn đất dư thừa của dự án từ khu vực đào sang khu vực đắp; Ban Quản lý căn cứ các quy định để rà soát, tính toán điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, đơn giá hợp đồng (nếu có) theo đúng quy định...

Quảng Nam ra "deadline" hoàn thành dự án gần 800 tỷ đồng- Ảnh 3.

Dự án đi qua các huyện như Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

Đối với các địa phương có dự án đi qua như, huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Căn cứ kế hoạch, tiến độ thi công của chủ đầu tư để ưu tiên bố trí nhân lực, tập trung giải phóng mặt bằng tại các khu vực, công trình, hạng mục công trình, đoạn tuyến cần thi công trước và tổ chức rà soát lại từng khâu, từng bước để khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục, phê duyệt phương án, vận động, tuyên truyền nhân dân, tổ chức chi trả kịp thời, đảm bảo tiến độ; trường hợp cần thiết, cũng cố hồ sơ, thủ tục để bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định; phối hợp, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng của dự án, nhất là công trình điện để đảm bảo mặt bằng thi công.

Đồng thời, thống kê, rà soát lại các phương án bồi thường đã được phê duyệt, dự kiến nguồn kinh phí cần thiết thực hiện công tác bồi thường trong thời gian tới sát với thực tế để tổng hợp, có văn bản gửi chủ đầu tư làm căn cứ tổng hợp, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án…

Quảng Nam ra "deadline" hoàn thành dự án gần 800 tỷ đồng- Ảnh 4.

Dự án Liên kết vùng miền Trung Quảng Nam được khởi công vào tháng 7/2023 với tổng nguồn vốn hơn 768 tỷ đồng. Ảnh: T.H

Được biết, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam là dự án sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc (EDCF). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng (tương đương 34,514 triệu USD). Trong đó, vốn ODA do Chính phủ Hàn Quốc cho vay thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế là 25,474 triệu USD; vốn đối ứng là 9,040 triệu USD.

Dự án chính thức khởi công vào ngày 19/7/2023 đi qua 5 địa phương gồm, huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My với tổng chiều dài đầu tư xây dựng toàn tuyến 31,85 Km.

Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y sang nước Lào, tạo đường nối thông suốt với cảng biển Kỳ Hà, cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương "kết nối ASEAN".

Đồng thời, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội khu vực thông qua tiếp cận thị trường; phát triển phi nông nghiệp; phát triển công nghiệp trên cơ sở hợp lý hóa việc sử dụng đất và giảm chi phí đi lại.

Ngoài ra, dự án sẽ đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là hoàn thành việc cải thiện hệ thống vận tải đường bộ, đặc biệt là tạo thuận lợi cho thương mại và cải thiện tiếp cận với các nước láng giềng khác.

Quảng Nam ra "deadline" hoàn thành dự án gần 800 tỷ đồng- Ảnh 5.

Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y sang nước Lào, tạo đường nối thông suốt với cảng biển Kỳ Hà, cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương "kết nối ASEAN". Ảnh: T.H

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh.

Đến nay, các trục giao thông quan trọng theo hướng Bắc Nam cơ bản được đầu tư khớp nối với quy hoạch hạ tầng quốc gia và của tỉnh. Muốn phát huy hiệu quả, cần phải tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới các tuyến Đông Tây tạo sự kết nối, lan tỏa…".

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Quang, khu vực phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn, được định hướng phát triển mạnh về các sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy trong Khu Kinh tế mở Chu Lai nhưng giao thông đi lại hiện nay chỉ tập trung chính vào tuyến đường Quốc lộ 40B và chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ thực tế nêu trên, việc đầu tư hệ thống đường bộ kết nối từ vùng động lực phía Đông và Khu Kinh tế mở Chu Lai đến các huyện vùng Tây Nam của tỉnh Quảng Nam là hết sức cần thiết, cấp bách.

Được sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam.

Trương Hồng
Cùng chuyên mục