Thứ bảy, 27/04/2024

Sẵn sàng cho cao điểm mua sắm Tết

17/12/2022 7:00 PM (GMT+7)

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 rất gần với Tết Dương lịch nên việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết đã được các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp (DN) triển khai từ sớm. Tới nay, nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.

Lượng hàng dự trữ tăng khoảng 10-12%

Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng cao được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng. Ước dự trữ hàng hóa tại các địa phương tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Năm 2022, thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho ngành nông nghiệp nên hoạt động sản xuất từ diện tích đến năng suất sản lượng cơ bản vượt kế hoạch đề ra. Nhìn chung, kế hoạch đáp ứng lương thực, thực phẩm như: Gạo, thịt, rau xanh, trái cây... cho người tiêu dùng trong dịp Tết cơ bản bảo đảm và phục vụ xuất khẩu.

Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... là những nơi tập trung đông dân cư và nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Vì vậy, các địa phương này đã sớm xây dựng chi tiết các phương án bảo đảm hàng Tết, nhằm phục vụ cao nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo nhu cầu hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 2-3 lần so với bình thường. Sở Công Thương phối hợp với các tỉnh, thành phố tìm nguồn hàng bảo đảm chất lượng, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với 42 tỉnh, thành phố và hơn 1.000 DN tham gia. Các DN cũng đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong hai tháng Tết, trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như: Trứng, lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến... TP Hồ Chí Minh cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với DN. Riêng DN bình ổn thị trường cam kết trước và sau Tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.

Sẵn sàng cho cao điểm mua sắm Tết - Ảnh 1.

Người dân mua hàng tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long. Ảnh: MINH ĐỨC


Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, lượng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn cho 3 tháng trước, trong và sau Tết ước tính tổng trị giá đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2022. Các DN đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng. Tương tự, đại diện Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, đến nay công tác hàng hóa phục vụ Tết tăng 20-25% so với năm ngoái, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng trị giá hàng lương thực, thực phẩm là 2.000 tỷ đồng, phân phối thông qua đầu mối và siêu thị, chợ. Đại diện một số tỉnh, thành phố cho biết, đã có chỉ đạo, khuyến nghị các DN huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như: Tổ chức hội chợ xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động... Một số địa phương tiếp tục linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường như mở rộng nhóm hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường

Liên quan tới tình hình kiểm soát giá cả, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ, hiện nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối dồi dào, bảo đảm ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương trong việc quản lý giá. Đây là hoạt động quan trọng vì tháng 12 và cuối năm, việc kiểm soát giá cả sẽ tạo dư địa kiểm soát lạm phát năm 2023.

Trong số các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt được quan tâm. Ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu cơ bản trở lại bình thường. Việc tổ chức bán hàng xăng dầu vào dịp Tết sẽ được duy trì bình thường. Tuy nhiên, một số cửa hàng đã có báo cáo và xin nghỉ bán hàng trong đêm và sáng mồng 1 Tết Âm lịch, sẽ trở lại bình thường sau 11 giờ ngày mồng 1 Tết. Thời gian bán hàng đã được thông báo với các sở công thương và niêm yết công khai cho khách hàng biết. “Hiện nay, theo phản ánh của DN thì việc tiếp cận nguồn vốn vẫn khó khăn do phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ như thế chấp, cho vay. Do đó, mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện cho các đơn vị”, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị.

Để hỗ trợ DN có đủ nguồn lực dự trữ hàng hóa, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam) cho hay, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đánh giá về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ cao điểm cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với nhiều phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bộ, ngành, địa phương và đơn vị cung ứng, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết năm nay sẽ cơ bản được cung ứng đầy đủ với giá bình ổn. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm ổn định giá. Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Về nguồn vốn hỗ trợ DN, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tại nhiều địa phương triển khai chính sách hỗ trợ DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các DN tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Theo QĐND

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép bị phạt nặng

Kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép bị phạt nặng

Bốn cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử vừa bị xử phạt trên 132 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích đưa vào hoạt động tầng L2 và L3

Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích đưa vào hoạt động tầng L2 và L3

Ngày 26.4, TTTM Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích chính thức mở rộng thêm không gian mua sắm cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn từ các thương hiệu trong dịp lễ 30.4 và 1.5.

ĐHCĐ VINAMILK: Cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

ĐHCĐ VINAMILK: Cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 vừa qua, Vinamilk đã đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế.

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu vàng lần thứ 2 bị huỷ: Chuyên gia tài chính nói gì?

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (ngày 25/4) tiếp tục bị huỷ. Ngân hàng Nhà nước thông báo nguyên nhân do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Du lịch lễ 30/4 -1/5, nhiều người chuyển hướng đi tàu hoả, xe khách. Nhiều chặng cháy vé

Cao điểm 30/4 - 1/5 năm nay, tàu hoả, xe khách... trở thành phương tiện được nhiều người lựa chọn để về quê, đi du lịch trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ.

Dừa tươi tăng giá gấp đôi mùa nắng nóng

Dừa tươi tăng giá gấp đôi mùa nắng nóng

Chỉ sau 1 tháng, giá dừa tươi bán sỉ đã tăng gần gấp đôi nên các tiểu thương phải tìm cách để người tiêu dùng bớt sốc