Thứ bảy, 27/04/2024

Sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán

28/02/2024 12:15 PM (GMT+7)

Năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế trong năm. Để thực hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề ra nhiều giải pháp trọng tâm.

Đây là thông tin do bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 ngày 28/2 tại Hà Nội. Cùng dự hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì còn có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự hội nghị Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBCK cho biết TTCK trong năm 202 tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Bà Phương nói diễn biến TTCK phản ánh kỳ vọng tích cực về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, VN-Index tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Kết quả sản xuất - kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn còn khó khăn, nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. 

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 CTCK đang hoạt động có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%, 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022, theo báo cáo của bà

Đề ra nhiều giải pháp cho thị trường

Về giải pháp năm 2024, Chủ tịch UBCK cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển thị trường.

Gắn với đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực hoạt động các công ty chứng khoán, giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính, nhận diện khách hàng và thanh toán điện tử, dịch vụ tư vấn đầu tư, thúc đẩy giao dịch tài chính số hóa.

UBCK cũng sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ, theo dõi thường xuyên liên tục với từng công ty, thực hiện kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án với từng trường hợp công ty chứng khoán để có biện pháp xử lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư, bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết về quỹ chỉ số để tạo điều kiện phát triển loại hình quỹ này tại Việt Nam...

Một giải pháp nữa được nêu ra là đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Trong đó khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch; phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, doanh nghiệp xanh; sản phẩm hợp đồng tương lai...

Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ thông tin, giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng công bố thông tin của công ty đại chúng, nâng cao chất lượng báo cáo thường niên.

Bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh việc phát triển, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới đầu tư bền vững. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, gồm xây dựng quy chuẩn chuyên môn về giám sát giao dịch.

Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu giao dịch, giám sát giao dịch, phân loại mã chứng khoán theo báo cáo phân tích, đơn phản ánh, kiến nghị và tố cáo, hoặc theo tin đồn để phân cấp, xử lý, nâng cao hiệu quả giám sát; triển khai thanh kiểm tra...

Sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Một nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đang theo dõi giá cổ phiếu. Ảnh: MT.

Ý kiến từ doanh nghiệp

Trong tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, cho biết Vingroup đang có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC), CTCP Vinhomes (mã cổ phiếu VHM), CTCP Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE), có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419 nghìn tỷ, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế.

Ông Quang nói công ty VinFast Singapore, một công ty thành viên của Vingroup, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ tại Mỹ. Việc niêm yết tại NASDAQ đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu, đồng thời Vingroup cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới. 

"Tuy nhiên, chúng tôi không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam", ông Quang cho hay.

Đối với năm 2024, CEO của Vingroup cho biết tập đoàn tiếp tục có kế hoạch huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của Vingroup.

Ông đưa ra 2 kiến nghị đối với Nhà nước: Tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng; Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.

Kiến nghị từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu một số kiến nghị cho các cơ quan nhà nước.

Sẽ áp dụng hàng loạt giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bà nói: "Một là chúng tôi đồng quan điểm với Ngân hàng Nhà nước là phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều".

"Hai là, Bộ Tài chính, UBCK cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12. Đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, TTCK ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. Kế hoạch này được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo.

Tổng cộng, Thứ trưởng Ngọc nêu 7 kiến nghị. Trong kiến nghị thứ 5, bà nêu: Khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Thứ tưởng cung cấp thông tin liên quan: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bên cạnh đó, cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết. Theo đó, cần rà soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán".



Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Đường phố, điểm tham quan, vui chơi tại TP.HCM không quá đông đúc trong ngày 27/4. Nhờ vậy, người dân có thể tận hưởng không khí và thong thả trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Lần đầu tiên, ngành đường sắt đưa tàu có thiết kế "chống say xe" phục vụ hành khách

Lần đầu tiên, ngành đường sắt đưa tàu có thiết kế "chống say xe" phục vụ hành khách

Ngành đường sắt lần đầu tiên đưa loại ghế có thể xoay 180 độ vào khai thác phục vụ hành khách trên tàu SE21/22. Vì vậy, hành khách có thể thoải mái tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp, không còn phải lo bị say xe do ngồi ngược chiều khi tàu chạy.

Sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ thông thoáng trong ngày đầu nghỉ lễ

Sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ thông thoáng trong ngày đầu nghỉ lễ

Lượng khách đến/đi sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày đầu nghỉ lễ được đánh giá khá đông nhưng các khu vực bên trong nhà ga lại thông thoáng, trật tự đến bất ngờ.

Giá USD lại bất ngờ tăng vọt

Giá USD lại bất ngờ tăng vọt

Đồng USD tăng trở lại gần sát ngưỡng 106 khi dữ liệu lạm phát của Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt, phù hợp với dự báo và khẳng định kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Tỷ giá USD/VND hiện nay đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 10 năm qua. Các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND.

UBND quận, huyện tại TP.HCM được uỷ quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

UBND quận, huyện tại TP.HCM được uỷ quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

Để đẩy nhanh các dự án đầu tư công trên địa bàn, UBND TP.HCM quyết định ủy quyền cho UBND các quận, huyện (trừ UBND TP.Thủ Đức) điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu với thời gian là 3 năm.