Startup AYA Cup cho mượn ly giành chiến thắng thử thách carbon thấp của UNEP

31/05/2020 06:00 GMT+7
Hệ thống mượn ly cho đồ uống mang đi mang tên AYA Cup của Founder Linh Lê đang nhắm đến giảm thiểu rác thải nhựa được tạo ra bởi ngành công nghiệp đồ ăn mang đi tại Việt Nam, ước tính con số lên tới 27 tấn nhựa và xốp hàng năm.

Startup AYA Cup của Founder Linh Lê mới đây đã giành được giải thưởng 10.000 USD tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp mang tên "Thử thách Lối sống Carbon thấp (Lối sống xanh) Châu Á – Thái Bình Dương năm 2020" do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhằm đưa ra các giải pháp kinh doanh để giúp châu Á xây dựng lại tốt hơn và xanh hơn sau đại dịch COVID-19.

Cuộc thi "Thử thách lối sống carbon thấp ở châu Á Thái Bình Dương" do UNEP tổ chức dưới sự tài trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản, nhằm góp phần thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững trong 10 năm tới.

AYA Cup đã chiến thắng tại hạng mục Sáng kiến nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Hệ thống mượn ly cho đồ uống mang đi mang tên AYA Cup của Founder Linh Lê đang nhắm đến giảm thiểu rác thải nhựa được tạo ra bởi ngành công nghiệp đồ ăn mang đi tại Việt Nam, ước tính con số lên tới 27 tấn nhựa và xốp hàng năm. Nhưng những nỗ lực về môi trường của cô cũng nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp khi tiết kiệm được chi phí cho các loại ly sử dụng một lần. Hiện tại, ngành nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam trị giá tới 1,6 tỷ USD mỗi năm.

Startup AYA Cup cho mượn ly chiến thắng thử thách carbon thấp của UNEP - Ảnh 1.

Lê Thùy Linh, CEO Công ty AYA Cup

Rác thải nhựa đang là vấn đề nóng được cả thế giới quan tâm. Làn sóng hạn chế đồ nhựa đang ngày càng được nhiều người ủng hộ. Đặc biệt là tại các chuỗi cà phê, đồ uống đã sử dụng ly uống bằng thủy tinh khi sử dụng ngay tại quán. Tuy nhiên, "bài toán nhựa" đối với take away (đồ uống mang đi) vẫn chưa tìm được lời giải đáp.

Chính điều này đã khiến Lê Thùy Linh đã tạo nên AYA Cup. Dự án cho mượn cốc của Thùy Linh lọt top 100 Vietnam Startup Wheel 2019 mong muốn thay đổi hành vi người tiêu dùng trong việc sử dụng cốc nhựa 1 lần.

Lê Thùy Linh (SN 1987) là du học Phần Lan sau đó cô làm việc và học tập tại Đức. Tại đây, Linh nhận ra bản thân rất quan tâm đến môi trường.

Sau khi về nước, Linh mở một công ty riêng chuyên cung cấp hộp đựng thức ăn làm bằng bã mía cho các nhà hàng khách sạn. Tuy nhiên, Linh nhận thấy rằng sản phẩm này quá đắt tiền và chỉ có nhà hàng khách sạn hạng sang mới có thể chịu được chi phí, trong khi 80% lượng nhựa lại đến từ các cửa hàng nhỏ và chuỗi đồ ăn nhanh.

Startup AYA Cup cho mượn ly chiến thắng thử thách carbon thấp của UNEP - Ảnh 2.

Cốc AYA được đặt tại các cửa hàng đồ uống, nhà hàng

Linh đã nghĩ rằng cần phải có cách nào đó để thay đổi việc sử dụng nhựa một lần, phải có cách nào đó để giảm thải nhựa ra môi trường mà vẫn kiểm soát được chi phí để có thể nhân rộng mô hình đến chuỗi các cửa hàng nhỏ. Và đó là lý do AYA Cup ra đời.

Cách thức hoạt động của AYA Cup là thay vì dùng ly nhựa, khách hàng đặt cọc 50.000 đồng để mượn ly của Aya. Sau khi sử dụng xong, người dùng có thể đem ly tới trả tại bất kỳ quán nào trong hệ thống và nhận lại 50.000 đồng ban đầu.

Học hỏi từ các mô hình kiểu này ở nước ngoài, cuối năm 2018, Thùy Linh nghĩ đến việc triển khai tại Việt Nam. Sau khi trình bày ý tưởng tại một số cuộc thi nhỏ và được mọi người ủng hộ, tháng 4 năm nay, cô bắt tay vào xây dựng mô hình. Đến 15/8/2019, startup chính thức ra mắt người dùng và các quán cà phê tại khu vực Thảo Điền, Quận 2 (TPHCM).

Lý do mà Thùy Linh này chọn Thảo Điền làm nơi phát triển đầu tiên được lý giải là do khu vực này có nhiều bạn trẻ với tư duy tích cực. Họ cực kỳ ủng hộ việc thay thế và giảm thiểu đồ nhựa. Chính vì thế, khi chọn địa điểm này, startup sẽ có được những bước đi vững chắc đầu tiên.

"Chúng tôi chọn tên AYA vì trong bảng chữ cái Việt Nam, "A" là chữ cái đầu và "Y" là chữ cái cuối cùng. Do đó, A-Y-A là biểu tượng của một vòng luôn hồi trước-sau-trước thể hiện một sản phẩm có nhiều cuộc đời, có nhiều sự hữu dụng", Linh chia sẻ.

Hiện tại đã có hàng hcục quán cà phê đồng ý tham gia vào dự án và có một số lượng người dùng, dù chưa nhiều, nhưng bắt đầu cầm ly tới trao đổi.

Startup AYA Cup cho mượn ly chiến thắng thử thách carbon thấp của UNEP - Ảnh 3.

Ở thời điểm hiện tại, các quán đang hoạt động trong hệ thống của AYA Cup đều không mất thêm chi phí nào. Tuy nhiên, quán có trách nhiệm thu nhận ly, thu nhận tiền cọc, rửa ly và trao lại cho khách hàng tiếp theo. Mỗi tháng phía AYA Cup sẽ đến kiểm soát số lượng cốc và nhận về tiền cọc.

Founder Thùy Linh tính toán nếu tham gia với AYA Cup, quán sẽ tiết kiệm được khoản chi phí cho đồ uống mang đi, thường dao động từ 1.500 đồng/bộ gồm ly nhựa, nắp đậy và ống hút cho tới 2.000 -3.000 đồng. Trong tương lai, khi startup tiến hành thu phí, thì nhà hàng vẫn được lợi bởi họ đã cắt giảm được chi phí cho đồ nhựa, biến những khoản này từ chi phí biến đổi thành chi phí cố định.

"Bản thân AYA Cup vẫn còn mới và đang cố gắng hoàn thiện quy trình. Chúng tôi đang tìm cách tiếp cận với các chuỗi, thay vì chỉ có 2-3 địa điểm thì con số lên khoảng 5-10 địa điểm, để hỏi xem bây giờ muốn áp dụng hệ thống AYA Cup vào thì phải đi theo hướng nào. Sau này khi chuẩn rồi, chúng tôi hy vọng có thể làm việc với các chuỗi hàng đầu thị trường", Linh chia sẻ.

Với khoản tài trợ 10.000 USD vừa nhận được từ cuộc thi "Thử thách Lối sống Carbon thấp (Lối sống xanh) Châu Á – Thái Bình Dương năm 2020, đại diện AYA cho biết sẽ cải tiến nhiều hơn trong thời gian tới. Trong 10 tuần, AYA cũng sẽ làm việc với các chuyên gia bền vững và các doanh nghiệp thân thiện với môi trường khác trên khắp châu Á để tìm ra hướng phát triển của AYA CUP trong tương lai.

An Vũ
Cùng chuyên mục