Thứ tư, 01/05/2024

Thăm làng Việt ở Biển Hồ

08/02/2024 10:08 AM (GMT+7)

Cư dân trên làn nước của Tonle Sap vẫn có tinh thần phóng khoáng của con người Đồng bằng sông Cửu Long nơi ông cha họ đã rời đi, đồng thời cuộc đời nổi trôi hòa hợp với sự luân chuyển nhịp điệu diệu kỳ…

Khởi hành từ trung tâm thành phố Siêm Riệp, chúng tôi đến một khu vực làng trên Biển Hồ Tonle Sap với cư dân hầu như đều là người Việt sang Campuchia và đã sống đến thế hệ thứ ba. Vừa lên tàu đã thấy làn nước sông đỏ lừ phù sa, một sắc thái cho biết thủy sản bên dưới trù phú như thế nào, giống phù sa cuồn cuộn ở đất mũi Cà Mau nhưng màu sắc lại hồng tươi hơn.

Lớp học nhỏ trên Biển Hồ

Hai bên bờ ban đầu là các nhóm làng nhà sàn chân cao đứng chen chúc nhau theo những bố cục ấn tượng và ken đặc hơn so với nhà sàn ở mũi Cà Mau. Thuyền máy thỉnh thoảng lại vun vút hay rè rè rẽ sóng vượt qua tàu của chúng tôi. Trên các con thuyền ấy là những cư dân Campuchia gốc Việt với làn da thâm đặc thù của người sống thường nhật trên sông nước. Ánh mắt lấp lánh nhìn vào những người đồng hương nói cùng thứ tiếng từ quê quán nơi họ đã ra đi.

Thăm làng Việt ở Biển Hồ- Ảnh 1.

Trẻ em người Việt ở Biển Hồ rất giỏi giang trong đời sống, biết làm nhiều thứ và bơi giỏi như rái cá. Ảnh: Như Khanh

Trẻ con ở cụm làng này vẫn lớn lên với tiếng Việt nhưng mọi người cũng biết tiếng Campuchia. Tuy nhiên, đa số người lớn đều không từng đi học, họ chỉ sống cả cuộc đời trên mặt nước Biển Hồ và rất nhiều người không biết chữ.

Thuyền đi một quãng nữa thì bên bờ hiện ra một kiến trúc gỗ nhỏ xinh đặt trên bốn cột chân cao vọt một cách lạ thường có vị trí đứng chơi vơi độc nhất ở hẳn bờ bên kia đầy hoang vắng với hậu cảnh là rừng rậm còn rất nhiều chim và khỉ. Người lái thuyền giải thích đây là nơi cầu nguyện, nó gần với trời, yên tĩnh và riêng tư tuyệt đối. Và rồi, các nhà sàn giảm dần nhường chỗ cho các nhà bè dần dần xuất hiện, càng lúc càng kết thành một quần thể làng bè khổng lồ trên nước và dập dềnh phủ kín hai bên bờ sông. Tất cả mọi thứ đều ở trên bè: Nhà ở, trạm xăng dầu, tiệm tạp hóa, cửa hàng điện thoại, tiệm massage, salon làm tóc và trang điểm, tiệm may, trạm thu gom phế liệu và các thùng phuy cũ (thứ dùng để kết bè),… Thậm chí các khu vườn trồng rau, hoa và cây ăn quả… cũng là bè được kết với bè nhà.

Trước những ngôi nhà bè là đủ kiểu trang trí xinh xắn với các hàng hiên, võng giăng đu đưa, trẻ con khắp nơi.... Cuộc sống không xa hoa nhưng vẫn giàu có, mang sức sống và một cảm giác quây quần rất ấn tượng.

Thăm làng Việt ở Biển Hồ- Ảnh 2.

Nhà thờ Tin Lành khang trang trên mặt Biển Hồ. Ảnh: Như Khanh

Ở trung tâm của ngôi làng là một trường học rất đẹp xinh, vách xanh cửa vàng gợi cảm giác như một xe lửa trên bè với ba toa nối với nhau lững lờ.

Ngôi trường này ban đầu chỉ có duy nhất một toa ọp ẹp. Hàng trăm trẻ con vừa được học miễn phí vừa được nuôi ăn trưa ở đây bằng tấm lòng của một số người trong làng. Mọi thứ dĩ nhiên rất vất vả. Sau đó có bác Tư, không hiểu bằng cách nào đã về xin được Quân khu 7 ở Việt Nam sang làm tặng cho trường thêm hai toa mới và sửa sang mọi thứ khang trang.

Bác Tư đã mất. Giờ đây trường có một hiệu trưởng trẻ là thầy Luân từ Tây Ninh sang một thời gian đã khá lâu.

Thầy Luân dạy lớp Ba. Trường chỉ có tới lớp Năm nhưng hiện nay lớp Bốn rất ít học sinh và lớp Năm chưa có em nào. Trẻ con ở đây không đi học đúng tuổi, đứa lớn phải ở nhà giữ em nhỏ cho tới khi em biết bơi thì mới có thể rời em đi học. Nếu không em có thể té xuống sông nguy hiểm, nên việc học dĩ nhiên không cấp thiết bằng việc giữ em.

Cư dân trên làn nước của Biển Hồ vẫn có tinh thần phóng khoáng của con người đồng bằng sông Cửu Long nơi ông cha họ đã rời đi

Ngoài thầy Luân, trường còn có hai giáo viên từ Việt Nam mới qua sau này Các cô chia nhau dạy các lớp Một, lớp Hai. Cô giáo nói rằng trẻ con ở đây rất ngoan và hầu như đều hiền lành, đáng thương nhưng ai nấy đều… lười học. Ba mẹ các em nhiều người không biết chữ, họ cũng không quan trọng việc học để làm gì. Toàn bộ ngôi làng khổng lồ nhưng hầu hết trẻ con học không quá lớp Năm. Mặc dù ngoài việc học các em đều rất giỏi giang trong đời sống, biết làm nhiều thứ và bơi giỏi như rái cá nhưng các em ít nhất vẫn cần biết đọc biết viết và biết làm toán để hỗ trợ cho đường đời của chúng sau này.

Đi học không đóng tiền và được ăn trưa miễn phí. Bữa ăn ấy là động lực thu hút không nhỏ để các gia đình cho con tới trường. Thầy cô vừa dạy học vừa phải nấu bữa ăn trưa cũng như phải lo toàn bộ thực phẩm để làm những bữa ăn trưa đó. Thế nhưng thầy cô cũng chẳng có lương, ngoài việc dạy học hoàn toàn tình nguyện và miễn phí. Thầy cô cũng đi làm hàng trăm việc khác như mọi người trong khắp cả làng bè để sinh sống và kiếm thêm cho những bữa cơm của bọn trẻ ở trường. Ngoài giáo viên tiếng Việt dạy buổi chiều, buổi sáng sẽ có giáo viên Campuchia từ tận Siêm Riệp xuống dạy chương trình bản địa. Họ cũng phải tự đi về.

Thăm làng Việt ở Biển Hồ- Ảnh 3.

Lớp học của trẻ em người Việt trên Biển Hồ. Ảnh: Như Khanh

Đối diện trường học là nhà thờ Tin Lành cũng trên bè, sơn trắng mái xanh mới tinh rất đẹp, nơi mọi người có thể đến để nhận thức ăn vào những ngày cố định. Khi chúng tôi rời khỏi đó, cũng là lúc đến giờ nhà thờ phát các suất ăn. Hằng chục chiếc thuyền nhỏ như những chiếc lá ken nhau lao tới cặp vào vách nhà thờ, cảnh tượng trông rất cộng đồng và thoáng nét biệt lập của nơi này.

Bậc khất thực trên con thuyền đầy nắng

Tonle Sap có lịch thủy triều phức tạp và hay ho khó tả. Khi chúng tôi đến, nước trong khúc sông dẫn từ đất liền chỉ sâu tầm 1m nhưng khi ra tới mặt Biển Hồ thực sự thì sâu 4-5m. Đây là thời kỳ nước trung bình không quá sâu cũng không quá cạn. Vì vậy, các làng nổi cũng được kéo vào kha khá gần với đất liền. Vào những mùa nước cạn sẽ phải kéo trường học, nhà thờ... ra ngoài chỗ mép nước khu vực giữa lòng hồ. Nhà của các gia đình cũng sẽ kéo theo trường, cả ngôi làng luôn cùng đi với nhau tùy thuộc vào mùa nước.

Mỗi năm, chính quyền chỉ cho phép các hoạt động khai thác thủy sản trong 6 tháng, phần còn lại của năm các gia đình chỉ được thả lưới giăng câu nho nhỏ để có thức ăn qua bữa. Lịch đánh bắt này là nét văn minh tuyệt vời luôn được cư dân trên khắp Biển Hồ tuân thủ nghiêm ngặt. Một cách khai thác tôn trọng Mẹ thiên nhiên và có ý thức bảo vệ lâu dài sự sống của cộng đồng.

Thăm làng Việt ở Biển Hồ- Ảnh 4.

Một người khất thực trên mặt Biển Hồ. Ảnh: Như Khanh

Ở khu vực mênh mông nhất của Tonle Sap, sóng vỗ ầm ầm vào mạn thuyền, một vùng nước lộng lẫy mênh mông ngút mắt không thấy bến bờ đúng nghĩa Biển Hồ. Trong lòng Tonle Sap có một thứ cỏ xám nâu trải ra những lớp hình thù kỳ ảo. Khi chúng tôi mời người lái tàu và người hướng dẫn mua thức ăn trưa khi tàu ghé lại một nhà hàng nổi, người hướng dẫn đã vui vẻ mua một túi thức ăn và để chúng tôi trả tiền cho anh. 

Nhưng khi tàu rời vùng biển nước mênh mông để trên đường quay lại cửa sông ken đặc những ngôi làng, chúng tôi ngang qua con thuyền nhỏ xíu của một người đàn ông vô gia cư với gương mặt hiền từ, hướng dẫn viên đã đưa túi thức ăn cho người vô gia cư ấy. Anh cho biết ông là một bậc khất thực, và điều này sẽ mang lại may mắn cho chúng tôi. Người vô gia cư nhận túi thức ăn và nghiêm cẩn hướng về con tàu đọc một bài khấn như cách vẫn thường thấy khi những người dân trên đường dâng cúng cho các vị sư khất thực. Hành động của người dẫn đường và hình ảnh của bậc khất thực trên con thuyền rớt đầy ánh nắng trời giữa mặt nước nhảy nhót lung linh làm thành một ký ức khó phai mờ.

Cư dân trên làn nước của Biển Hồ vẫn có tinh thần phóng khoáng của con người đồng bằng sông Cửu Long nơi ông cha họ đã rời đi, đồng thời cuộc đời nổi trôi hòa hợp với sự luân chuyển mang những nhịp điệu diệu kỳ của dòng Tonle Sap đã khiến họ thấm nhuần thêm thứ triết lý khiêm nhường, biết trân trọng niềm vui vừa mức của cuộc sống và tốt bụng đối với người khác cũng như đối với thiên nhiên. Họ thường hành động hướng thiện với suy nghĩ cho người đối diện cũng nhiều như cho chính họ. Tonle Sap không chỉ là thiên nhiên kỳ diệu mà còn mang rất nhiều vẻ đẹp của con người.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Làm sao để tránh "bẫy" lãi suất khi vay ngân hàng để mua nhà?

Làm sao để tránh "bẫy" lãi suất khi vay ngân hàng để mua nhà?

Các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với bất động sản, mức thấp nhất từ 5%/năm. Vì vậy, nhiều đôi vợ chồng trẻ có thể muốn vay tiền mua nhà. Các chuyên gia đã lưu ý nhiều vấn đề để người vay tránh “bẫy” lãi suất thả nổi sau khi hết ưu đãi.

Vì sao ngân hàng Republic First Bank phá sản?

Vì sao ngân hàng Republic First Bank phá sản?

Nước Mỹ vừa ghi nhận ngân hàng đầu tiên bị phá sản trong năm 2024. Lý do là Republic First Bank đã phải chịu nhiều sức ép vì chi phí cao và biên lợi nhuận giảm.

Lượng khách qua đường hàng không dịp cao điểm lễ sụt giảm

Lượng khách qua đường hàng không dịp cao điểm lễ sụt giảm

Lễ 30/4 - 1/5 năm nay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khai thác trung bình mỗi ngày khoảng 720 chuyến bay, thấp hơn các dịp cao điểm trước đó

Người Sài Gòn đổ vào trung tâm thương mại trốn nóng lễ 30/4, phải xếp hàng mới có chỗ ăn uống

Người Sài Gòn đổ vào trung tâm thương mại trốn nóng lễ 30/4, phải xếp hàng mới có chỗ ăn uống

Trời nắng gay gắt, vì vậy, người dân, du khách tại TP.HCM đổ về các trung tâm thương mại để vui chơi, ăn uống, trốn nóng. Khách phải xếp hàng chờ đến lượt trước các nhà hàng, quán ăn.

Giọt nước mát giữa mùa nắng hạn

Giọt nước mát giữa mùa nắng hạn

Nằm trong chương trình vận chuyển nước sạch đến với người dân vùng nắng hạn, hôm nay (29/4), những chuyến xe mang tên " Cùng TTC – Mát lòng mùa nắng hạn" đã có mặt tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để chuyển nước sạch đến bà con nơi đây.

Nguồn nước nghĩa tình, giúp bà con mát lòng mùa nắng hạn

Nguồn nước nghĩa tình, giúp bà con mát lòng mùa nắng hạn

“Cùng TTC – mát lòng mùa nắng hạn” là hoạt động nằm trong chương trình mang nước sạch đến với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày nắng hạn do Tập đoàn TTC phát động.