dd/mm/yyyy

Thay đổi tư duy làm vụ đông

Vụ đông đã và đang là vụ sản xuất chính tại các địa phương phía Bắc với diện tích sản xuất khoảng 400.000ha, tổng giá trị thu nhập khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, do giá nhiều loại nông sản bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định, có năm rau rẻ như cho nên ngày càng có nhiều nông dân bỏ ruộng hoang, không mặn mà với cây vụ đông.

Nhằm tìm ra giải pháp phát triển cây vụ đông bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, mới đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản phẩm cây vụ đông vùng ĐBSH" tại Hà Nam.

Diện tích liên tục giảm

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có diện tích sản xuất cây vụ đông lớn nhất các tỉnh phía Bắc, trong đó 11 tỉnh, thành trong khu vực đều sản xuất với diện tích lớn nhờ điều kiện khí hậu thích hợp, chủng loại cây trồng tương đối đa dạng...

Sản xuất vụ đông những năm qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành nông nghiệp từ T.Ư đến địa phương. Ở T.Ư, Bộ NNPTNT hàng năm đều tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả sản xuất của vụ đông năm trước và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm sau; ở địa phương, các Sở NNPTNT, ban ngành cũng tích cực vào cuộc.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến cuối tháng 11/2019, tổng diện tích vụ đông tại các tỉnh phía Bắc đã đạt gần 30.000ha, bằng khoảng 80% kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây vụ đông những năm gần đây liên tục sụt giảm, chủ yếu giảm ở nhóm cây ngô, đậu tương, lạc, khoai tây, khoai lang.

Cục Trồng trọt cho rằng, diện tích canh tác cây vụ đông giảm chủ yếu do điều kiện sản xuất ngặt nghèo; giá đầu vào sản xuất (giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV,...) liên tục tăng, làm tăng giá thành sản xuất. Đặc biệt, vấn đề tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nông dân chưa bao giờ hết lo cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Ngoài ra, diện tích sản xuất cây vụ đông cũng chưa được quy hoạch tốt, ruộng sản xuất còn manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn thấp... nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn bà con nông dân.

Tuy nhiên, sản xuất vụ đông khoảng 2-3 năm gần đây đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá trị thu nhập liên tục tăng. Theo Cục Trồng trọt, năm 2018 tổng giá trị cây vụ đông đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ so với vụ đông năm 2017. Có được kết quả này là do cơ cấu cây trồng vụ đông 2018 đã có sự chuyển dịch khá mạnh từ nhóm có giá trị thấp sang những loại có giá trị cao hơn như: nhóm cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả chất lượng cao; ngô thực phẩm; hoa chất lượng cao, cây cảnh... Nhiều mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến; trồng rải vụ... đã giúp người nông dân tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Đột phá từ liên kết, ứng dụng công nghệ cao

Theo TTKNQG, những năm gần đây các mô hình sản xuất điển hình, ứng dụng công nghệ cao đang lan tỏa ở hầu hết các tỉnh ĐBSH. Đơn cử như ở Hà Nội có mô hình trồng khoai tây đông gắn với tiêu thụ sản phẩm (giống Marabel) quy mô 20ha, năng suất 18,2 tấn/ha, giá trị thu nhập trên 160 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt gần 100 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng đậu tương đông. Hay như tại Bắc Ninh, các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tỏi tía 1 nhân, trồng súp lơ xuất khẩu, trồng ngô nếp lai, hoặc luân canh cây hành, tỏi - cây ớt (vụ đông trồng hành, tỏi; vụ xuân trồng ớt) quy mô 25ha tại huyện Lương Tài đang cho thu nhập từ 110 - 130 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có trên 20.000ha vụ đông, chiếm 2/3 diện tích đất 2 lúa, cho năng suất và sản lượng rất cao. Song, bước sang giai đoạn 2015 - 2020, diện tích trồng cây vụ đông giảm mạnh, giảm gần 50%. "Đối với vụ đông, xu hướng sẽ ngày càng bị thu hẹp diện tích do phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó Hà Nam đã đẩy mạnh một số mô hình ứng dụng công nghệ cao và thực tế, đây đang là điểm đột phá gia tăng năng suất, giá trị cây vụ đông", ông Hùng nói.

Có thể lấy ví dụ về hiệu quả trong khâu liên kết, ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất dưa chuột, cà chua trong nhà kính của Công ty VinEco quy mô 6ha, giá trị sản xuất đạt 4,5 tỷ đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất cây giống trong nhà kính, trồng dưa vân lưới cao cấp của Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, quy mô 6,5ha, giá trị sản xuất ước đạt 1,5 - 1,8 tỷ đồng/ha/vụ.

Đặc biệt là tại đây, bà con nông dân đang nhân rộng diện tích sản xuất các loại rau cải ăn lá, cải bắp, su hào, dưa chuột, cà chua... trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, trong đó sản phẩm rau cải bắp đã được ký kết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; các loại rau, củ quả sạch được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Vinmart, Aeon, tạo việc làm ổn định cho 200 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.


"Bà con nông dân cần có tư duy chuyển sang liên kết chuỗi, phải nắm bắt nhu cầu thị trường, sản phẩm sản xuất ra cần đảm bảo an toàn và mang tính nhân văn, đó là an sinh xã hội, an toàn về mặt môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm". Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG

Mục tiêu vụ đông 2019-2020: Diện tích đạt 400.000ha (tăng 15.800ha so với vụ đông 2018). Sản lượng đạt 4,734 triệu tấn (tăng 282.100 tấn so với vụ đông 2018). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 30.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3.000 tỷ so với 2018 - 2019.

Lãnh đạo TTKNQG và các đại biểu thăm quan gian trưng bày sản phẩm nông sản Hà Nam bên lề diễn đàn.

Bài, ảnh: Minh Huệ