Thị trường đấu giá đất Hà Nội đang hấp thụ tốt bỗng dưng gặp khó, do đâu?

11/01/2023 08:35 GMT+7
Sau thời gian, các huyện vùng ven Hà Nội liên tục “chạy đua” tổ chức đấu giá đất, có thời điểm mức giá trúng đất đấu giá có nơi cao hơn 2 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức đấu giá đất đang gặp nhiều khó khăn.

Đến đầu tháng 12/2022, Hà Nội đã tổ chức đấu giá đất 87 dự án, với tổng diện tích đã đấu giá khoảng 14,17ha. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhiều quận, huyện của Hà Nội, việc tổ chức đấu giá đất trong thời điểm này lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân được một số quận, huyện chỉ ra là do căn cứ xây dựng mức giá khởi điểm phải dựa trên mức trúng đấu giá của phiên đấu giá đất trước lúc thị trường bất động sản vẫn sôi động, nên tình trạng chung là giá khởi điểm cao nên ít người tham gia.

Theo huyện Đan Phượng cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, huyện tổ chức đấu giá đất thành công 18 lô đất, thậm chí mức trúng đấu giá còn cao hơn 20% mức giá khởi điểm. Tuy nhiên, cách đây mấy ngày, phiên đấu giá lần 2 với 21 lô được đưa ra thị trường lại không có người mua hồ sơ tham dự.

Thị trường đấu giá đất Hà Nội hấp thụ tốt, bỗng dưng gặp khó do đâu? - Ảnh 1.

Nhiều khu vực vùng ven Hà Nội gặp khó trong việc tổ chức đấu giá đất (Ảnh: TN)

Không chỉ các huyện vùng ven Hà Nội, ngay tại các quận có thị trường bất động sản được quan tâm. Đơn cử tại quận Long Biên, tổ chức đấu giá đất 12 lô đất, có mức giá khởi điểm từ 34,2 đến 57,65 triệu đồng/m2 vào cuối tháng 12/2022. Tuy nhiên, số lượng đất đấu giá thành công chỉ hơn 60% các lô đất, và gần như không có sự xuất hiện của nhà đầu tư bất động sản tại các phiên đấu giá đất.

Hay như tại quận Hà Đông xác định tổ chức đấu giá đất vào thời điểm cuối năm 2022, trong đó 26 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 67,54 đến 79,9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp tham gia đấu giá đất ít nên quận Hà Đông đổi thời điểm tổ chức sang ngày 15/01/2023.

Các chuyên gia bất động sản nhận định việc đấu giá đất gặp khó khăn là bởi gần đây Hà Nội đã siết chặt các quy định đấu giá đất. Ví dụ như tiền đặt cọc đã tăng từ 5% lên 20% giá khởi điểm lô đất tham gia đấu. Cùng với đó, những người tham gia đấu giá đất trong vòng 1 tháng phải thanh toán hết tiền. Tiền đặt cọc có những lô đất lên đến cả tỷ đồng khiến nhà đầu tư không mặn mà vì khó có cơ hội để lướt sóng.

Đất đấu giá rõ ràng đang chững lại theo diễn biến chung của thị trường bất động sản. Tại Hà Nội, các đợt đấu giá đất liên tục được tổ chức nhưng lượt tìm kiếm và giá của phân khúc này ngày càng sụt giảm, thậm chí có khu vực giá giảm gần 40% trong thời gian ngắn.

Dự kiến năm 2023, UBND thành phố Hà Nội sẽ đấu giá đất 531 dự án, tổng diện tích đất đấu giá là 485,46 ha và tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 42 nghìn tỷ đồng.

Trước những diễn biến trái chiều của hoạt động đấu giá đất, nhất là tình trạng thổi giá, dìm giá, bỏ cọc, khiến thị trường hỗn loạn, vừa qua, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiến hành các giải pháp cứng rắn, hoàn thiện quy định pháp lý. Cùng với đó, bổ sung quy định về việc dừng đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu các phản ánh, kiến nghị liên quan đến các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, trong đó có nội dung về tỷ lệ tiền đặt trước trong quá trình đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới.

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục