dd/mm/yyyy

Thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam dự đoán giảm mua gạo, điều gì sẽ xảy ra?

Theo dự báo, do nguồn cung nội địa tăng, Philippines khả năng sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu từ các nước, cho dù nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nhẹ. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam.

Philippines dự đoán lượng gạo nhập khẩu sẽ giảm do nguồn cung nội địa tăng 

Nguồn Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, theo báo cáo của Cơ quan quản lý xuất khẩu nông sản - Bộ Nông nghiệp Mỹ (US Department of Agriculture’s Foreign Argiculture Service), lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay ở mức 4 triệu tấn, thay vì mức dự báo 4,1 triệu tấn trước đây, do sản xuất lúa trong nước của Philippines hy vọng sẽ đáp ứng được mức tăng nhẹ của nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Theo quy định tại Lệnh số 50 do Tổng thống Ferdinard R. Marcos Jr. ký, gạo từ các nước nhập khẩu vào Philippines hiện nay đều phải chịu mức thuế nhập khẩu 35% và mức này sẽ áp dụng cho đến cuối năm 2024 (sẽ xem xét lại vào tháng 12 năm 2024).

Theo số liệu từ Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philippines, tính đến ngày 7/3/2023, Philippines nhập khẩu tổng cộng 793.753,49 tấn gạo. Vẫn như mọi năm, gạo Việt Nam chiếm phần lớn, với khối lượng 431.846,72 tấn, chiếm 54,41%, tiếp theo là Thái Lan với 210.127,38 tấn, chiếm 26,47%. 

Như vậy, trong quý I năm 2024 đã chứng kiến lượng gạo Thái Lan nhập khẩu vào thị trường Philippines tăng cao so với trước đây. Đây là tín hiệu và là sự cảnh báo đối với gạo Việt Nam tại thị trường Philippines khi gạo Thái Lan bắt đầu gia tăng thị phần.

Thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam dự đoán giảm mua gạo, điều gì sẽ xảy ra?- Ảnh 1.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản xuất gạo của Philippines sẽ đạt 12,125 triệu tấn do dự đoán rằng El Niño sẽ giảm vào tháng 4 và tháng 5 năm 2024, cũng như Chương trình của Chính phủ hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo trong việc tăng cường sử dụng phân bón và giống tốt. 

Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Nông nghiệp, đã hỗ trợ 30,8 tỷ pesos cho người trồng lúa trên cả nước, số tiền này cao hơn rất nhiều so với mức 15,8 tỷ pesos mà Bộ Nông nghiệp đã nhận được và triển khai hỗ trợ người trồng lúa trong năm 2022. 

Cùng với sự gia tăng hỗ trợ từ Chính phủ, thì năng xuất và sản lượng lúa gạo của Philippines cũng sẽ tăng lên. Năm 2023, sản xuất lúa của Philippines lần đầu cán mốc 20 triệu tấn (cụ thể 20,06 triệu tấn), tăng 1,5% so với năm 2022 và vượt qua mức đỉnh đạt được năm 2021 là 19,96 triệu tấn.

Thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 592 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 558 USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 478 USD/tấn.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã giảm mua lúa gạo từ nông dân sau khi Mỹ dự báo Philippines có thể giảm nhập khẩu trong năm nay do nguồn cung trong nước tăng. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam.

Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, với lượng xuất 2,07 triệu tấn và kim ngạch 1,37 tỷ USD; tăng 12% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.

Thị trường gạo thế giới đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia. Đáng kể là Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo vẫn đang tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Các chuyên giá khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.

Thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam dự đoán giảm mua gạo, điều gì sẽ xảy ra?- Ảnh 2.

Trong tuần qua, giá lúa gạo liên tục giảm mạnh 200 - 600 đồng/kg.

Được biết, giá lúa gạo hôm nay ngày 31/3 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Trong tuần qua, giá lúa gạo liên tục giảm mạnh 200 - 600 đồng/kg.

Cụ thể, tại Kiên Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 10.000 - 10.100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định ở mức 12.600 - 12.700 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 ở mức 10.200 - 10.300 đồng/kg; cám khô duy trì ổn định quanh mức 4.700 - 4.800 đồng/kg.

Tại các địa phương như Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… bình quân giá lúa dao động quanh mốc 7.400 - 8.000 đồng/kg.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.400 - 7.500 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; nếp Long An duy trì quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá lúa các loại giảm từ 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 3 giá lúa các loại lại tăng 100 - 200 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Hiện tại các địa phương, lúa vụ Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong. Tại nhiều địa phương như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang người dân đang xuống giống vụ Hè Thu.


Nguyễn Phương