Thống đốc Lê Minh Hưng: Hệ thống NH cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế trong bất luận tình huống nào

10/04/2020 15:31 GMT+7
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, dư nợ tín dụng quý I/2020 đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực vì 2 tháng đầu năm hầu như không tăng, dự kiến cả năm tăng 11-14%. Trong bất luận tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hệ thống cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.

Sáng nay (10/4), báo cáo về hoạt động ngành ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp ứng phó tổng thể với những tác động từ dịch Covid-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ.

Về nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã và đang điều hành rất linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. "Lạm phát đang có xu hướng giảm, năm nay có khả năng đảm bảo được mục tiêu đề ra", Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.

Thống đốc Lê Minh Hưng: Hệ thống NH cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế trong bất luận tình huống nào - Ảnh 1.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh điều hành sẽ điều hành hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.

Về tỷ giá, NHNN đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó diễn biến trong nước và quốc tế, 3 tháng đầu năm diễn biến ổn định, biến động 1,2-1,5%. Đây là mức ổn định so với biến động khu vực và thế giới, thanh khoản được đảm bảo, mọi nhu cầu của nền kinh tế được đáp ứng.

Dự trữ ngoại hối hiện đạt 84 tỷ USD, đảm bảo ổn định tỷ giá. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho hay, ngành ngân hàng và NHNN sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa, nhất là tạo nền tảng vĩ mô tốt.

Về tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng thông tin, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. "Đây là tín hiệu tích cực vì 2 tháng đầu năm hầu như không tăng, dự kiến cả năm tăng 11-14%. Trong bất luận tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế", ông Hưng nêu rõ.

Đặc biệt, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm lương thưởng, không chia cổ tức tiền mặt để giảm lãi suất cho vay.

Nhắc lại việc NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành từ 0,5-1%, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã và sẽ làm việc với chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm lương thưởng, không chia cổ tức tiền mặt… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN đã kiến nghị với Thủ tướng cho phép giảm lãi vay với đối tượng chính sách. Cùng với đó, đề xuất cho vay tái cấp vốn Ngân hàng chính sách khoảng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để cho vay các chương trình an sinh xã hội.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch Covid-19.

Ngay sau đó, các ngân hàng đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay từ 0,5%-4,5% đối với cả khách hàng mới lẫn khách hàng hiện hữu thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng với quy mô gói tín dụng từ 28.000-30.000 tỷ đồng.

Ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi không bị chuyển thành nợ xấu. Từ đó, khách hàng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng tốt hơn với lãi suất cạnh tranh và giảm chi phí vốn vay do không có lịch sử tín dụng xấu trong hoạt động với ngân hàng, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, tại SHB, tất cả các khách hàng doanh nghiệp nằm trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều được tiếp cận gói vay ưu đãi trị giá 3.000 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 5.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngay sau khi NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, TPBank đã triển khai các hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng các quy định, hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ về các đối tượng, điều kiện được hưởng hỗ trợ cũng như các hình thức hỗ trợ của ngân hàng với các khách hàng trên toàn quốc.

"Chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu nợ, giãn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm so với quy định từ 1,5 – 2,5% với tổng giá trị lên tới 12.000 tỷ đồng", ông Hưng nói.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục