Thừa Thiên Huế: Kinh tế tập thể là “bà đỡ” cho nền kinh tế nhưng vẫn bị hoài nghi

04/08/2023 15:22 GMT+7
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện vẫn còn tình trạng hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, trong khi công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa thống nhất.

Ngày 4/8, theo tin từ Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tổ chức này đã chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng nhiều mô hình HTX. Đến nay, đã vận động, xây dựng và phát triển 310 HTX và hơn 170.000 thành viên.

Doanh thu mỗi HTX đạt bình quân 3,3 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 150 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên tại HTX đạt 32 triệu đồng/năm.

Thừa Thiên Huế: Kinh tế tập thể là “bà đỡ” cho nền kinh tế nhưng vẫn còn bị hoài nghi  - Ảnh 1.

Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ ký kết giữa Sở với Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Nông dân tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp năm 2023.

Hiện đã hình thành những mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng sản phẩm đặc trưng của vùng, miền. Nhiều sản phẩm của HTX đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, một số HTX đã và đang xây dựng chứng nhận sản phẩm 5 sao.

Các HTX ở tỉnh đã ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất kinh doanh kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp tích cực của các HTX vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương, nền kinh tế hợp tác có thể nói là "bà đỡ" cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho bà nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm.

Thừa Thiên Huế: Kinh tế tập thể là “bà đỡ” cho nền kinh tế nhưng vẫn còn bị hoài nghi  - Ảnh 2.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao tại HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).

Theo ông Phan Quý Phương, nhận thức của nhiều cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX thời kỳ bao cấp.

Hiện vẫn còn tình trạng hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, trong khi công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa thống nhất, một số nơi buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể chưa thường xuyên.

Từ thực tế đó, ông Phan Quý Phương đề nghị cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở tỉnh trong thời gian đến. 


Phong Cầm
Cùng chuyên mục