dd/mm/yyyy

Thủy sản Vĩnh Hoàn báo lãi giảm hơn nửa so với cùng kỳ

CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ngày 16/11 đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, ghi nhận doanh thu giảm 17,3% so với cùng kỳ về còn 2.698 tỷ đồng. Với việc giá vốn giảm chưa tới 8,5%, lợi nhuận gộp trong kỳ của Vĩnh Hoàn chỉ đạt 285 tỷ đồng, giảm 54% so với quý III/2022.

Doanh thu Vĩnh Hoàn giảm mạnh và giá vốn được duy trì ở mức cao

Doanh thu giảm mạnh và giá vốn được duy trì ở mức cao là những lý do chính khiến lợi nhuận của Thủy sản Vĩnh Hoàn trong quý III/2023 giảm hơn nửa so với cùng kỳ 2022.

Cụ thể, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Vĩnh Hoàn giảm 29,5% về còn 115 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 58%, 11% và 4,3% về còn 45 tỷ đồng, 57 tỷ đồng và 77 tỷ đồng.

Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Vĩnh Hoàn đạt 201 tỷ đồng, giảm hơn 56% so với quý III/2022 và kém xa khoản lãi 430 tỷ đồng của quý II/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thủy sản Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu bán hàng 7.679 tỷ đồng, giảm 30%, chủ yếu do doanh thu bán thành phẩm giảm từ 8.316 tỷ đồng về còn 5.127 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính của Thủy sản Vĩnh Hoàn giảm 13% về còn 297 tỷ đồng, bao gồm 139 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái, 92,5 tỷ đồng lãi tiền gửi… Kết quả, Thủy sản Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế 883 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với 9 tháng đầu năm 2022.

Tính đến ngày 30/9/2023, tài sản của Thủy sản Vĩnh Hoàn tăng 6,8% so với đầu năm lên 12.366 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn tăng 8,68% lên 8.303 tỷ đồng bao gồm 360 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 2.129 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn; 3.925 tỷ đồng hàng tồn kho.

Tại cuối quý III, Thủy sản Vĩnh Hoàn ghi nhận 1.645 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó 1.513 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, 50 tỷ đồng trái phiếu và 178 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh.

Nợ phải trả của Thủy sản Vĩnh Hoàn tăng nhẹ lên 3.902 tỷ đồng với phần lớn là 2.546 tỷ đồng vay ngắn hạn và 123 tỷ đồng vay dài hạn, lần lượt tăng 15% và giảm 30% so với thời điểm đầu năm.

Thủy sản Vĩnh Hoàn báo lãi giảm hơn nửa so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Vĩnh Hoàn

Thủy sản Vĩnh Hoàn báo lãi giảm hơn nửa so với cùng kỳ - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Vĩnh Hoàn

Trên thị trường, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mặt hàng cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn sau những thông tin tích cực về thị trường Mỹ. Sau chương trình thanh tra của FSIS, cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3.

Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này... Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phile tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo nhận định của VASEP, trong số các thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay. Sau khi nước này tái mở cửa hoàn toàn, hoạt động giao thương đang dần trở lại bình thường. Kỳ vọng kinh tế Trung Quốc ổn định hơn trong những tháng cuối năm, thu nhập và tiêu dùng của người dân nước này phục hồi sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản, VASEP cho biết.

Thủy sản Vĩnh Hoàn báo lãi giảm hơn nửa so với cùng kỳ - Ảnh 3.

Theo VASEP, xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, đánh giá ngành cá tra năm 2023, Hiệp hội Cá tra cho biết, toàn ngành bị ảnh hưởng chung của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Cùng với đó, giá cá nguyên liệu ở mức thấp, chi phí sản xuất tăng; doanh nghiệp và hộ nuôi gặp khó khăn về vốn sản xuất.

Từ đầu quý II, xuất khẩu cá tra có chiều hướng giảm dần cho đến hết tháng 8 và có dấu hiệu phục hồi từ tháng 9/2023. Nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn trong những tháng cuối năm 2023.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng nêu ra một số thông tin về xu hướng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới: Xu hướng tiêu dùng thay đổi, ưu tiên hơn cho những sản phẩm tiện lợi, giá cả hợp lý; giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới bên cạnh sự lớn mạnh của thị phần Trung Quốc đầy tiềm năng để đảm bảo sức mạnh thương lượng của ngành cá tra trên trường quốc tế.

Để giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nhiệp tận dụng tốt thời cơ, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, cần hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung; thực hiện theo các quy định về việc giám sát bệnh, giám sát dư lượng quốc gia cho nguyên liệu đầu vào; có chính sách bình ổn giá thức ăn, ổn định giá thành sản xuất; áp dụng tiêu chuẩn trong nuôi Global Gap, ASC, BAP, VietGap…

 

Nguyễn Phương