Chủ nhật, 28/04/2024

Chủ tịch HoREA: Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp sổ đỏ, sổ hồng

19/01/2024 3:24 PM (GMT+7)

Theo HoREA, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung quy định có tính đổi mới về trách nhiệm của Nhà nước phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả người sử dụng đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai 2024, chính thức hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Quy định chi tiết về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp sổ đỏ, sổ hồng

Ông Lê Hoàng Châu chia sẻ Khoản 9 Điều 138 Luật Đất đai 2024 đã bổ sung quy định có tính đổi mới về trách nhiệm của Nhà nước phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả người sử dụng đất theo yêu cầu (có đơn đề nghị) hoặc cả trường hợp người sử dụng đất không có yêu cầu (không có đơn đề nghị). Đây là thay đổi rất lớn, rất căn bản trong công tác quản lý nhà nước.

Bởi lẽ, Điều 101 Luật Đất đai 2013 do chưa quy định "Nhà nước có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện theo quy định tại điều này".

Chủ tịch HoREA: Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp sổ đỏ, sổ hồng - Ảnh 1.

Theo HoREA, trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp "sổ đỏ, sổ hồng" đã được quy định chi tiết tại Luật Đất đai 2024. Ảnh: Quốc Hải

Trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thực hiện cấp Giấy chứng nhận khi người sử dụng đất có yêu cầu, có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận, nên có thể nói là "trước" Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước chưa coi việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Kết quả thực tế là không có địa phương nào có thể hoàn thành được 100% công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điển hình như TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đạt hơn 99% cho các thửa đất, nhưng vẫn còn một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận mặc dù đã sử dụng đất ổn định từ lâu đời hàng chục năm, trăm năm mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

"Khoản 9 Điều 138 Luật Đất đai 2024 vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của "người sử dụng đất", vừa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước đối với "người sử dụng đất" và vừa nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với đất đai", Chủ tịch HoREA nhận xét.

Chủ tịch HoREA: Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp sổ đỏ, sổ hồng - Ảnh 2.

HoREA đề nghị cho "nợ" tiền sử dụng đất "đối với diện tích vượt hạn mức công nhận đất ở" đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai 2024. Ảnh: Quốc Hải

Cũng theo kiến nghị của HoREA, với các trường hợp Nhà nước chủ động thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thì đề nghị cho "nợ" tiền sử dụng đất "đối với diện tích vượt hạn mức công nhận đất ở" đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai 2024.

HoREA cũng rất hoan nghênh Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Điều này sẽ đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây.

HoREA cũng đánh giá cao Luật Đất đai 2024 đã bỏ "khung giá đất" và quy định "bảng giá đất" tại Điều 159, theo đó, "bảng giá đất" được xây dựng hằng năm và "bảng giá đất lần đầu" được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026 và được điều chỉnh từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo sẽ giúp cho "bảng giá đất" tiệm cận giá đất thị trường.

Tuy nhiên, HoREA lo ngại quy định này cũng sẽ làm gia tăng áp lực công việc cho các địa phương.

Cơ chế thực hiện "đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư" đã đảm bảo lợi ích cả 3 bên

Cũng theo đánh giá của HoREA, Điều 126, Chương IX Luật Đất đai 2024 đã quy định cơ chế thực hiện "đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư" đối với đất chưa giải phóng mặt bằng và quy định "nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Đồng thời, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.

Quy định này, theo HoREA là đảm bảo được hài hòa lợi ích của 3 chủ thể có liên quan.

Thứ nhất, đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng bị thu hồi đất được bồi thường theo đúng giá thị trường, được bố trí tái định cư theo hướng ưu tiên được tái định cư tại chỗ, không còn xảy ra tình trạng nhà đầu tư được ai đó "chống lưng" để "mua rẻ" đất của dân.

Thứ 2, đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư biết rõ chi phí và thời gian thực hiện hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và được giao đất để thực hiện dự án, không còn xảy ra tình trạng "đầu nậu" núp bóng sau lưng "chủ đất" gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Và cuối cùng, toàn bộ "địa tô chênh lệch" được thu vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng thì sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận của người có đất bị thu hồi và xã hội.

"Hơn thế nữa, thực hiện được việc này sẽ xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và sẽ làm tăng chỉ số "năng lực cạnh tranh quốc gia" của nước ta", Chủ tịch HoREA đánh giá.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn hiện nay, điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép nhà đầu tư được "thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở" hoặc "phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác" để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là cấp tỉnh, khẩn trương thực thi hiệu quả Điều 125 về thực hiện "đấu giá quyền sử dụng đất" và Điều 126 về thực hiện "đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư" trên thực tế để có đủ quỹ đất thực hiện "đấu giá quyền sử dụng đất" hoặc "đấu thầu dự án có sử dụng đất" để lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại và đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở thương mại của xã hội.

Đặc biệt, Quốc hội cho phép áp dụng ngay một số quy định của Luật Đất đai 2024 như các quy định về định giá đất hoặc các quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án lấn biển, tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn, nhất là việc cho phép áp dụng ngay các quy định về giá đất sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng và ban hành "Nghị định quy định về giá đất" thực hiện Luật Đất đai 2024, thay vì ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất".


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

UBND quận, huyện tại TP.HCM được uỷ quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

UBND quận, huyện tại TP.HCM được uỷ quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

Để đẩy nhanh các dự án đầu tư công trên địa bàn, UBND TP.HCM quyết định ủy quyền cho UBND các quận, huyện (trừ UBND TP.Thủ Đức) điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu với thời gian là 3 năm.

Đừng chờ giá chung cư giảm sâu hơn

Đừng chờ giá chung cư giảm sâu hơn

Giá chung cư được dự báo khó có thể giảm sâu hơn, diễn biến đi ngang trong ngắn hạn và sẽ phục hồi đà tăng khi thanh khoản cải thiện hơn thời gian tới.

TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT do quá nhiều vướng mắc

TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT do quá nhiều vướng mắc

Do hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) gặp quá nhiều vướng mắc, TP.HCM quyết định bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Mê mẩn với mẫu nhà vườn 'chữa lành'

Mê mẩn với mẫu nhà vườn 'chữa lành'

Ngôi nhà được gia chủ ví như một khu nghỉ dưỡng tại gia, là nơi "chữa lành" cho tâm hồn khi mọi không gian được bao quanh bởi cây xanh, đảm bảo sự riêng tư và yên tĩnh.

Chuyên gia: Nếu TP.HCM chặt hơn 400 cây xanh vì metro, phải trồng lại gấp đôi

Chuyên gia: Nếu TP.HCM chặt hơn 400 cây xanh vì metro, phải trồng lại gấp đôi

Ý kiến trên được chuyên gia quy hoạch và kiến trúc đô thị đưa ra sau khi có thông tin chặt hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2 ở TP.HCM

Việt Nam có 2 Cảng hàng không vào Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Việt Nam có 2 Cảng hàng không vào Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Tổ chức Quốc tế Skytrax vừa công kết quả xếp hạng các sân bay trên thế giới năm 2024; trong đó, Việt Nam có 2 Cảng hàng không được vinh danh trong “Top 100 sân bay tốt nhất thế giới” là Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Đà Nẵng.