dd/mm/yyyy

Trồng cam VietGAP giúp nhà vườn Hà Tĩnh thu gần nửa tỉ/năm

Năm 2017, mô hình trồng cam VietGAP được triển khai thành công tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Thạch Hà với quy mô 30 ha, 24 hộ tham gia; trong đó xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) có 10 ha, 10 hộ tham gia; xã Hương Đô (huyện Hương Khê) có 10ha, 7 hộ tham gia; xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) có 10ha, 7 hộ tham gia.

Trang trại trồng cam VietGAP của anh Phạm Ngọc Thưởng (thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn)

Đầu tháng 12.2017, đoàn đại biểu của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có buổi tham quan mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại 2 xã là Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) và Sơn Mai (huyện Hương Sơn).

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi” do Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại Hà Tĩnh vừa qua.

Tham gia mô hình trồng cam VietGAP, các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật sản xuất; được hướng dẫn, tổ chức sản xuất cam theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Với số lượng nhiều, chất lượng tốt nên cam Thượng Lộc đã có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh

Chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: “Nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất cam theo VietGAP, gia đình tôi đã giảm được nhiều chi phí, mẫu mã quả đẹp, năng suất cam đạt gần 25 tấn/ha. Giá bán thời điểm này chỉ được 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng gần tết giá sẽ cao hơn nhiều. Ước tính, mỗi năm gia đình tôi thu trên 300 triệu/ha”.

Ông Nguyễn Viết Chuân – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Với số lượng nhiều, chất lượng tốt nên cam Thượng Lộc đã có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt Cam Thượng Lộc được cấp chứng nhận VietGAP góp phần xây dựng cho thương hiệu cam nơi đây”.

Tham quan mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ gia đình anh Phạm Ngọc Thưởng (thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn), chị Bùi Thị Hải Yến ( cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Những vườn cam trĩu quả, sạch sẽ, đồng đều về kích thước quả khiến tôi không muốn rời đi khỏi vườn cam. Đặc biệt cam ở đây rất ngọt và thơm”.

Mô hình “Thâm canh cây cam theo VietGAP” là một hướng phát triển sản xuất bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam

Việc triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh cây cam theo VietGAP” là một hướng phát triển sản xuất bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam, góp phần đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh có thương hiệu và đứng vững trên thị trường.

Trước đó, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã về dự khai mạc Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất.

Lễ hội quy tụ 28 đơn vị với 86 gian hàng cam, bưởi và các sản phẩm nông nghiệp có múi. Các sản phẩm và hàng hóa trong lễ hội được giới thiệu tới khách hàng đều là những đặc sản của các địa phương trong tỉnh, trong đó nổi bật là các sản phẩm như: Cam khe mây (Hương Khê); cam Thượng Lộc (Can Lộc)…

Quỳnh Nga