Trung Quốc ồ ạt trồng chuối, thanh long và vải: Hàng nông sản Việt Nam gặp khó!?

28/04/2023 16:08 GMT+7
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Phú, Thương vụ Việt Nam tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), cho biết: Việc Trung Quốc đẩy mạnh trồng và chế biến các loại nông sản Việt Nam có thế mạnh như thanh long, vải, chuối.. với sản lượng hàng triệu tấn/năm đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với Việt Nam.

Trung Quốc tăng cường trồng, chế biến nông sản có thế mạnh của Việt Nam

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 tại Bộ Công Thương, hàng chục thương vụ Việt Nam tại nước ngoài như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản đã báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc và một số thị trường trọng điểm trong 4 tháng qua và cơ hội, thách thức từ nay đến cuối năm.

Tại thị trường Trung Quốc, theo ông Trần Quang Huy, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc trồng ồ ạt chuối, thanh long, vải, hàng nông sản Việt Nam gặp khó!? - Ảnh 1.

Trung Quốc đẩy mạnh trồng các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam khiến nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó, cạnh tranh trực tiếp (Ảnh hàng nông sản Việt Nam qua lại với Trung Quốc)

Như vậy, so với hai tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 01/2023 giảm 24,33%, tháng 02/2023 giảm 18,72%). Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định.

Ông Huy cho biết, hiện còn nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc. Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao.

Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày cơ bản tương đương với giai đoạn trước dịch.

Tuy nhiên, thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng không nhỏ. Ông Huy nêu, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã từng bước thay đổi và thích nghi, nhưng phải thẳng thắn nhận ra rằng, tốc độ còn rất chậm, theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi.

Đáng chú ý, báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Phú, Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, hiện nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh và sẽ bị cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn tại Trung Quốc. Lý do, Trung Quốc chủ động trồng và chế biến các mặt hàng này với sản lượng lớn.

Đơn cử, ông Phú nêu vải thiều Trung Quốc trồng và khai thác dự kiến 1,5 triệu tấn/năm, nhãn là 1 triệu tấn/năm, chuối là 4,8 triệu tấn/năm, thanh long là 380.000 tấn/năm, xoài là trên 200.000 tấn/năm… Do lợi thế quy mô và khả năng chế biến sâu, thị trường lớn, nên theo đại diện thương vụ Việt Nam tại Quảng Tây, thời gian tới mặt hàng Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh rất lớn từ mặt hàng tương tự ở Trung Quốc.

Ngoài ra, hàng Việt Nam hiện đang gặp một số trở ngại về thủ tục, kiểm soát hải quan ở Trung Quốc. Ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nêu rõ: Trong tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành "Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương", trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi "Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới" nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.

Trung Quốc trồng ồ ạt chuối, thanh long, vải, hàng nông sản Việt Nam gặp khó!? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị (Ảnh BCT)

Đối với xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản) chưa kịp đăng ký gia hạn doanh nghiệp trên Hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị gián đoạn.

Theo ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, sắp tới vào vụ thu hoạch trái cây tươi vào tháng 6 và tháng 7, địa phương mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu qua tỉnh Lạng Sơn và hỗ trợ các vấn đề phát sinh để có biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh.

Ông Đại đề xuất Bộ Công Thương, tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của Thương vụ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các mô hình hải quan, cơ sở hạ tầng của phía bạn; kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật; xúc tiến sang thị trường Trung Quốc các ngành hàng có lợi thế; quan tâm và nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải cái gì thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Hơn nữa, theo Bộ trưởng các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, do đó hàng hóa của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh.

"Khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19 thì vừa là thời cơ, vừa là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta phải nhận diện trúng, đánh giá đúng tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay, để khai thác thế mạnh và lợi thế đối với thị trường này", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Diên, địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, nhu cầu tại Trung Quốc chưa thực sự khôi phục, trong khi đó dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây là những yếu tố tác động đến thương mại giữa hai nước.

An Linh
Cùng chuyên mục