Vì sao công ty Hồng Hoàng vốn 5 tỷ vay 1.400 tỷ với lãi suất 20% mua cổ phiếu ACB?

13/11/2019 17:20 GMT+7
Câu chuyện CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng có vốn điều lệ 5 tỷ đi vay một tổ chức nước ngoài 1.400 tỷ với lãi suất 20%/năm để mua trái phiếu của ACB khiến nhà đầu tư không khỏi nghi vấn. Nhất là trước đó, có nhiều quan hệ giao dịch giữa công ty này với gia đình nhà ông Trần Huy Hùng, chủ tịch HĐQT ACB.

CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng) vừa công bố hoàn tất số trái phiếu trị giá hơn 1.402 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành ngày 29/10/2019, có kỳ hạn 5 năm.

Người sở hữu lô trái phiếu hơn 1.400 tỷ đồng này của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng là một tổ chức đầu tư nước ngoài. Trái chủ có thể bán lại một phần hoặc bán lại toàn bộ trái phiếu mà mình đang nắm giữ cho tổ chức phát hành khi xảy ra sự kiện mua lại trước hạn theo qui định trong hợp đồng mua bán trái phiếu thỏa thuận với nhà đầu tư.

Tổ chức tư vấn, đại lý đăng kí lưu kí phát hành trái phiếu là Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).

Lãi vay gấp 56 lần vốn điều lệ, Công ty Hồng Hoàng liên quan thế nào đến ACB của Trần Hùng Huy? - Ảnh 1.

Đáng chú ý, lãi suất của lô trái phiếu này "vượt mặt" Phát Đạt (14,5%) và Pharmacity (13%) và lên tới 20%/năm. Tên tuổi khá lạ lẫm và quy mô vốn khiêm tốn nhưng CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng vẫn huy động vốn nghìn tỷ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư bất ngờ.

Chưa kể, với lãi suất vay 20%/năm, mỗi năm công ty Hồng Hoàng sẽ phải trả lãi vay lên tới 280 tỷ đồng một năm.

Được biết, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, được thành lập vào năm 2016 do 3 thành viên trú tại cùng 1 địa chỉ sở hữu gồm ông Đặng Anh Tuấn, ông Đặng Anh Vũ và bà Phạm Thị Khánh Hồng.

Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại 480 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, TP HCM. Đây cũng là địa chỉ của CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan do bà Phạm Thị Khánh Hồng làm người đại diện pháp luật. Công ty Nghi Lan thành lập ngày 9/8/2019 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm bà Trần Thị Minh Hà ; ông Phạm Nhã Nam và bà Võ Thị Tường Vy.

Bà Trần Thị Minh Hà cũng là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh, doanh nghiệp vào tháng 2/2019 đã nhận chuyển nhượng 1,25% vốn điều lệ của ACB từ ông Trần Minh Hoàng (em trai của chủ tịch ACB Trần Hùng Huy).

Lãi vay gấp 56 lần vốn điều lệ, Công ty Hồng Hoàng liên quan thế nào đến ACB của Trần Hùng Huy? - Ảnh 3.

Câu hỏi đặt ra, liệu CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh có phải là công ty "sân sau" của nhóm cổ đông gia đình ông Phạm Hùng Huy? Có hay không mối quan hệ khá "mật thiết" giữa công ty Hồng Hoàng với CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh.

Chưa dừng lại, mối quan hệ giữa Công ty Hồng Hoàng với "đế chế" nhà ông Trần Hùng Huy tiếp tục được đặt câu hỏi liên quan đến việc ACB bán ra 35,2 triệu cổ phiếu quỹ.

Theo đó, ngày 30/10, trước khi CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng hoàn tất phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, trên thị trường chứng khoán đã có tổng cộng 4 lệnh thỏa thuận cổ phiếu ACB tại mức giá 23.800 đồng với tổng khối lượng là 60.771.055 cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 1.446 tỷ đồng - đúng bằng số cổ phiếu ACB mà công ty Hồng Hoàng đang nắm giữ.

Lãi vay gấp 56 lần vốn điều lệ, Công ty Hồng Hoàng liên quan thế nào đến ACB của Trần Hùng Huy? - Ảnh 4.

Giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB ngày 30/10. Nguồn: NDH

Cùng ngày, ACB của ông Trần Hùng Huy cũng đã thực hiện thành công giao dịch bán hơn 35,2 triệu cổ phiếu quĩ theo hình thức thỏa thuận với giá 23.800 đồng/cp, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 838 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất giao dịch, ACB hiện chỉ còn sở hữu 6,2 triệu cổ phiếu quĩ, tương đương 0,37% vốn điều lệ.

ACB không công bố về bên mua lượng cổ phiếu này. Tuy nhiên, mới đây, CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng đã thế chấp 60,77 triệu cổ phiếu ACB tại Saigon Asia Credit Limited. 

Liên hệ với việc CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng huy động hơn 1.400 tỷ đồng từ một tổ chức nước ngoài, câu hỏi đặt ra, có hay không việc công ty Hồng Hoàng "ôm" 60,77 triệu cổ phiếu ACB chỉ trong 1 phiên giao dịch cuối tháng 10 vừa qua.

Cộng hưởng tất cả những mảnh ghép trên, nghi vấn về việc nhóm cổ đông ACB đã thực hiện vay tiền từ Saigon Asia Credit Limited để tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu được đặt ra?

Lê Thúy
Cùng chuyên mục