dd/mm/yyyy

Vì sao tỉnh Bắc Ninh đứng "đội sổ" về tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm: Đến nông nghiệp cũng âm 6,83%

Liên tục trong nhiều năm liền, tỉnh Bắc Ninh lọt trong tốp đầu các tỉnh về tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP), trong đó năm 2022 tốc độ tăng trưởng đạt 14,1%. Song bất ngờ, trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP của Bắc Ninh đã bị -12,59%, đứng đội sổ trong 63 tỉnh thành. Lý do vì sao vậy?

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Bắc Ninh đã bị "âm" gần như toàn diện. So với tốc độ tăng trưởng 14,1% vào cũng kỳ năm 2022, thì trong 6 tháng đầu năm nay, đã bị âm (-12,59%). Tốc độ tăng trưởng suy giảm toàn diện trên cả 3 lĩnh vực, đó là: Công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp.

Cụ thể, nông nghiệp giảm (-6,83%); công nghiệp (-18,39%), trong đó riêng công nghiệp chế tạo -18,52%. Điều này được cho là ảnh hưởng của sức tiêu thụ trên thị trường thế giới giảm, dẫn đến sản xuất điện thoại thông minh (Samsung) giảm 27,3%, máy in -44,1%, quần áo các loại -35,2%.

Không chỉ giảm trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thu hút FDI vào địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng giảm tới 45,9% khi 6 tháng đầu năm tổng vốn đăng ký chỉ đạt 871 triệu USD; đặc biệt, tốc độ giải ngân đầu tư công cũng giảm 6%, chỉ đạt 2.341,9 tỷ đồng, trong đó khối cấp huyện giảm tới 43,8%.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Ninh ngày 6/7 mới đây, ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thừa nhận: "Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Ninh gặp phải không ít khó khăn, thách thức do tình hình chung của thế giới tác động trực tiếp đến đặc thù của tỉnh có cơ cấu kinh tế FDI lớn, cùng một số khó khăn, hạn chế, chậm trễ cả cấp trên và cấp dưới, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh: Tổng sản phẩm xã hội GRDP giảm sâu 12,59% (mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây). Ngoài yếu tố cơ bản là các doanh nghiệp FDI sụt giảm thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung đều gặp khó khăn, tiến độ giải ngân đầu tư thấp, thu hút đầu tư trong nước sụt giảm...".

Trên cơ sở phân tích tình hình, dự báo Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đang đặt ra một chỉ tiêu khá "lạ" là phấn đầu tăng trưởng GRDP về... 0%. Cụ thể, phấn đầu tăng trưởng từ -5,25% đến 0% so với ước thực hiện năm 2022 (kế hoạch là tăng từ 6,5% đến 7%), HĐND tỉnh quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2023.

Vì sao tỉnh Bắc Ninh đứng "đội sổ" về trăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm: Đến nông nghiệp cũng âm 6,83% - Ảnh 1.

Vì sao tỉnh Bắc Ninh đứng "đội sổ" về trăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm: Đến nông nghiệp cũng âm 6,83% - Ảnh 2.

Vì sao tỉnh Bắc Ninh đứng "đội sổ" về trăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm: Đến nông nghiệp cũng âm 6,83% - Ảnh 3.

Vì sao tỉnh Bắc Ninh đứng "đội sổ" về trăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm: Đến nông nghiệp cũng âm 6,83% - Ảnh 4.

 Các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh: Điểm sáng của kinh tế Bắc Ninh 6 tháng đầu năm là về đăng ký doanh nghiệp, trong 6 tháng, toàn tỉnh có 1.676 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 18.987 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước về số doanh nghiệp và tăng 81,1% về tổng vốn đăng ký bổ sung; 541 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,8% so với cùng kỳ; ngược lại có 167 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 9,2% so với cùng kỳ và 1.111 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 21,7% so với cùng kỳ. Như vậy, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường bằng 173,5% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Ngoài ra, có 191 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình nhằm thích nghi theo mô hình hoạt động phù hợp hơn. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bắc Ninh đứng thứ 6 cả nước. Trong đó, tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2023, toàn tỉnh cấp đầu tư mới cho 139 dự án FDI với hơn 570 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần về số dự án và tăng gấp 4,8 lần về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,06%, cung - cầu hàng hóa được bảo đảm, các ngành chức năng đã kiểm soát tốt giá cả, không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa hoặc tăng giá đột biến.

Về lao động, việc làm, đến thời điểm này có khoảng 767,7 nghìn lao động đang làm việc, giảm 13 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được quan tâm, triển khai tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định xã hội.

Ngọc Lê- K.Lực