dd/mm/yyyy

Vụ 120 tấn cá chết ở Hải Dương: Hơn 10 tỷ trôi theo dòng nước “lạ”

Gần 1 tuần trôi qua, những hộ nuôi cá lồng ở xã Nhân Huệ, TP.Chí Linh (Hải Dương) vẫn chưa thể “nguôi ngoai” trước những tổn thất nặng nề mà họ phải gánh chịu khi chỉ trong một đêm, gần 120 tấn cá nuôi bỗng dưng chết trắng, ước tính thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Truy tìm nguyên nhân

Ông Nguyễn Ngọc Huy - hộ nuôi cá lồng tại xã Nhân Huệ kể: “Chúng tôi nuôi cá lồng trên sông Thái Bình đã lâu, trước đó cá trong lồng vẫn phát triển bình thường, đến ngày 6/3 xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, trong đó nhà tôi bị thiệt hại nặng nề nhất. Chúng tôi quan sát thì thấy nguồn nước trên sông có màu lạ”.

Để chứng minh nguyên nhân cá chết bởi có “nguồn nước lạ”, ông Huy đưa cho phóng viên 1 chai nước. Theo quan sát của chúng tôi, chai nước này có màu đen đặc. Mở nắp chai ngửi thì thấy có mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

“Sau khi phát hiện cá có dấu hiệu yếu, lờ đờ và chết dần, tôi đã nhanh chóng lấy nước tại các lồng có cá chết để giữ lại, mẫu nước này cũng đã được các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương lấy đi để xét nghiệm” - ông Huy nói.

Điều đáng nói, thiệt hại đối với các hộ nuôi cá lồng rất lớn vì hầu hết cá nuôi đã lớn, chuẩn bị được xuất bán. Theo các hộ dân, cá chết đều là những loại có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá trắm, cá chép giòn, cá ngạnh, trọng lượng bình quân từ 2 - 2,5kg/con trở lên. Thậm chí, có cả những con cá trắm nặng tới gần 10kg cũng chết phơi bụng.

Vụ 120 tấn cá chết ở Hải Dương: Hơn 10 tỷ trôi theo dòng nước “lạ” - Ảnh 1.

 Gia đình ông Nguyễn Ngọc Huy - một trong những hộ thiệt hại nặng nề nhất trong vụ cá chết, ước tính thiệt hại gần 60 tấn cá các loại, khoảng 3 tỷ đồng.  (ảnh Minh Ngọc)

“Để cứu những con cá còn khỏe mạnh, một số hộ dân đã kéo lồng cá sang khu nước an toàn ở phía bờ sông đối diện (thuộc huyện Lương Tài, Bắc Ninh) để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, đối với những hộ có số lượng lồng bè lớn, được thiết kế chắc chắn như gia đình tôi thì việc di chuyển lồng cá gặp nhiều khó khăn, thiệt hại rất nặng nề” - ông Huy cho biết.

Ngày 7/3, sau khi nắm được thông tin, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương gồm UBND TP.Chí Linh, Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cứu những con cá còn khỏe mạnh, thống kê thiệt hại và khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân.

Là một trong những hộ gia đình nuôi cá lồng đầu tiên phát hiện tình trạng cá chết, ông Phan Văn Luyn kể lại, khoảng 18 giờ ngày 6/3, ông nhận thấy đàn cá bơi lờ đờ, nhiều con thì quẫy mạnh khác thường. Đến 19 giờ cùng ngày, đàn cá bắt đầu nổi lên và chết. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp như sục khí nhưng ông Luyn không thể cứu được đàn cá.

“Cá tôi nuôi chủ yếu là cá trắm, cá lăng, trọng lượng trung bình 3-4kg/con. Khoảng 36 tấn cá chuẩn bị xuất bán trong lồng đều chết hết, ước tính thiệt hại của gia đình tôi khoảng 1,5 tỷ đồng. Giờ thì trắng tay rồi" - ông Luyn buồn rầu nói.

Theo ông Bùi Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ, ngay khi xảy ra tình trạng cá chết, lãnh đạo UBND xã đã khẩn trương xuống hiện trường động viên, hỗ trợ người dân tìm cách cứu đàn cá. Ông Tuấn cho biết thêm, tính đến chiều 7/3, tình trạng cá chết xảy ra ở 80 lồng cá của 12 hộ dân, ước tính thiệt hại 120 tấn cá, trị giá trên 10 tỷ đồng.

“UBND xã Nhân Huệ đã chỉ đạo người dân vớt hết cá chết đem tiêu hủy theo đúng quy định” - ông Tuấn nói.

Đối mặt nợ, phá sản

Ngày 12/3, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Tuấn cho biết, hiện tại UBND xã và các hộ dân bị thiệt hại do cá chết vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào thông báo về kết quả xét nghiệm mẫu nước cũng như nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt ngày 6/3. 

Ngày 12/3, thông tin từ Chi cục Thủy sản Hải Dương Nguyên nhân khiến hơn 100 tấn cá lồng  bị chết ngày 6/3 là do thiếu oxy và có thể do nước sông ô nhiễm. Theo Sở TNMT Hải Dương: Kết quả đo nhanh mẫu nước do người dân lấy tại khu vực lồng cá vào 19 giờ và 22 giờ ngày 6/3 cho thấy hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) là 0,92mg/l và 1,45mg/l, không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08-MT:2018/BTNMT) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (DO>= 4 mg/l).

“Chúng tôi đang rất nóng ruột, mong các cơ quan chức năng sớm công bố quả xét nghiệm mẫu nước để từ đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cá chết bất thường” - ông Huy chia sẻ.

Được biết, để đầu tư lồng, bè nuôi cá trên sông, nhiều hộ dân xã Nhận Huệ đã phải vay vốn ngân hàng, người thì thế chấp sổ đỏ. Nay chỉ sau một đêm, nhiều tỷ đồng bỗng chốc trôi sông, khiến bà con như ngồi trên đống lửa khi viễn cảnh nợ nần, phá sản đang dần hiện hữu.

“Gia đình tôi và nhiều hộ dân đang vô cùng lo lắng, thiệt hại nặng nề thế nào thì mọi người, chính quyền cũng đã rõ. Giờ đây chỉ mong ngành chức năng tỉnh Hải Dương sớm tìm ra nguyên nhân cá chết và có giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho chúng tôi” - ông Luyn xót xa nói.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương) cho biết, vụ cá lồng chết hàng loạt ở xã Nhân Huệ không nằm trong diện được hỗ trợ vì bị thiệt hại.

Theo ông Tình, căn cứ Pháp lệnh Thú y và 21 loại hình thiên tai thì tình trạng cá  lồng chết hàng loạt vừa qua ở xã Nhân Huệ không phải do dịch bệnh. Nếu có dịch bệnh xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch thì mới được hỗ trợ. 

Minh Ngọc