Cảm xúc về giao thừa đầu tiên không có pháo hoa

PV (ghi) Thứ ba, ngày 31/01/2017 14:00 PM (GMT+7)
Giao thừa năm nay, lần đầu tiên ở các địa phương trên cả nước không bắn pháo hoa. Chủ trương rất được ủng hộ vì sự tiết kiệm và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, sau một đêm giao thừa vắng pháo hoa, bạn đọc trên cả nước đã có nhiều tâm trạng và suy nghĩ khác nhau...
Bình luận 0

Không bắn pháo hoa để tiết kiệm cho người nghèo là hợp lý

“Quyết định không tổ chức bắn pháo hoa năm nay của Thủ tướng Chính phủ là việc làm cần thiết để tiết kiệm ngân sách trong tình hình kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Việc bắn pháo hoa chỉ thực hiện tại một số tỉnh, thành phố lớn nên xét về phương diện mặt bằng dân số thì lượng người được thưởng thức xem cũng chỉ là con số ít, nhưng đã phải chi tiền tỷ cho hình thức này là vô cùng tốn kém và không cần thiết. Nhất là hiện nay, kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của đại đa số người dân còn nghèo, nhất là các vùng mới gặp phải thiên tai, lũ lụt miền tai một số tỉnh miền Trung và bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tôi nghĩ sau giao thừa không pháo hoa năm nay, sang năm mới sẽ có thêm nhiều hỗ trợ thiết thực cho bà con vùng bị thiên tai".

Bạn đọc Đỗ Xuân Thư (Tây Hồ, Hà Nội)

Giao thừa không còn gì đáng để chờ đợi?

"Là người sống ở Thủ đô từ nhỏ, tôi và gia đình đã gắn với truyền thông bắn pháo hoa từ khi Chính phủ ta cấm đốt pháo vào những năm 90 của thế kỷ trước. Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, khi đất trời giao hòa, vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và mới, việc người dân ngóng chờ màn pháo hoa không chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, cũng không phải chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ, mà theo tôi, nó mang ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Nó là chỉ dấu bắt đầu một năm mới, một giai đoạn mới trong cuộc sống mỗi con người, đặt ra biết bao hy vọng, bao kế hoạch dự định trong tương lai của chúng ta.

Pháo hoa cũng tạo ra một sự mong ngóng, như một lời chia tay, tiễn biệt những điều đã qua để hướng tới những điều tốt đẹp hơn phía trước. Chính do vậy, pháo hoa không chỉ là pháo hoa, nó chính là sự khai mở trong tư tưởng mỗi con người khi thời khắc chuyển giao giữa hai năm đến.

Năm nay không có pháo hoa, thật lòng chúng tôi không còn thấy khoảnh khắc giao thừa còn chút gì là thiêng liêng hay đáng để chờ đợi, để ngóng trông nữa. Bởi không còn pháo hoa là không còn chỉ dấu báo hiệu khoảnh khắc chuyển giao, không còn thứ để hàng triệu con người có thể cùng hướng vào nó, mà thực ra là đang hướng trái tim, suy nghĩ của mình vào những dự định của tương lai. Thật sự là một sự thiếu vắng, trống trải khủng khiếp khi không còn pháo hoa. Hy vọng đây chỉ là quyết định tạm thời của Hà Nội và năm sau, tôi và gia đình, người thân sẽ cùng được quây quần bên nhau để chờ thời khắc màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời đêm 30".

Bạn đọc Hoàng Dũng (Ba Đình, Hà Nội)

img

Bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: I.T

Hoàn toàn bình thường

“Tôi là một phụ nữ làm nội trợ năm nay đã 50 tuổi. Tết đến là mỗi dịp tôi bận bịu với công việc nhà cửa – nào đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, bày biện cúng bái… con cái là những đứa trẻ đang lớn nên cũng ít giúp mẹ. Thôi thì hạnh phúc của mình là nhìn thấy chồng con ăn tết vui vẻ và ấm cúng. Cho nên nhiều năm nay mỗi lần xuân sang hay lúc giao thừa tôi thường ở nhà lúc đó để chuẩn bị cho bữa cúng tất niên. Và giao thừa, tôi chỉ xem bắn pháo hoa qua màn ảnh nhỏ, không ấn tượng gì. Việc bắn pháo hoa hay không bắn pháo hoa đối với tôi không quan trọng. Tết năm nay, không có pháo hoa tôi cũng thấy bình thường như mọi năm. Nếu không bắn pháo hoa mà tiết kiệm được tiền cho đất nước thì là việc nên làm."

Nguyễn Thị Hạnh (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội)

img

Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết. Ảnh: I.T

Nên giữ và xã hội hóa việc bắn pháo hoa

"Tôi hoàn toàn ủng hộ với việc tiết giảm chi phí cho việc trang hoàng và bắn pháo hoa ngày Tết. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, đúng là trải qua một đêm giao thừa không pháo hoa tôi thấy cảm giác hơn buồn. Vì hình như thành thói quen, khi thấy pháo hoa rực sáng trên bầu trời là thấy khoảnh khắc bước sang năm mới đã đến. Tôi nghĩ nên chăng, năm sau chúng ta vẫn cứ duy trì việc bắn pháo hoa nhưng có thể kêu gọi xã hội hóa, hoặc bắn pháo hoa với quy mô nhỏ hơn, đơn giản hơn. Có như vậy, vẫn vừa đảm bảo tiết kiệm, an toàn, vừa không mất đi không khí rộn ràng, thiêng liêng của thời khắc giao thừa".

Bạn đọc Nguyễn Mai (Thanh Xuân, Hà Nội)

Không bắn pháo hoa tập trung, e ngại đốt pháo lậu gia tăng?

"Mọi năm ở quê tôi vẫn bắn pháo hoa tập trung ở quảng trường trung tâm. Lượng người đổ về đó lớn, đúng là cũng có khi xảy ra một vài va chạm hay xô xát nhỏ. Nhưng nhìn chung là vui và háo hức. Năm nay không có pháo hoa, nhà nào ở nhà ấy, không còn cảnh háo hức đổ dồn về quảng trường nữa. Nhưng vì ai cũng muốn có cái gì đó đánh dấu thời khắc giao thừa nên cũng có một số gia đình lén lút mua pháo về đốt. Tôi thấy lực lượng chức năng phải đi xử lý và lập biên bản cũng rất vất vả. Nên tôi nghĩ, có không bắn pháo hoa tập trung cũng chưa hẳn đã tốt. Hoặc nếu chọn cách làm đó thì phải làm chặt hơn, tăng chế tài xử phạt việc đốt pháo. Nếu không e rằng tình trạng đốt pháo sẽ gia tăng".


                                     Bạn đọc Trung Hiếu (trunghieu2007@gmail.com)

   

                                      

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem