Cô giáo quỳ gối xin lỗi: Phụ huynh tự ý dùng "luật rừng"

 Giáo viên Vũ Đức Cảnh Thứ ba, ngày 06/03/2018 20:16 PM (GMT+7)
Nhiều năm đứng trên bục giảng, đọc tin tức về đồng nghiệp phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh, thầy giáo Vũ Đức Cảnh - giáo viên trường tiểu học Thúc Kháng, huyện Bình Giang ( Hải Dương)  đã phải thốt lên một cách đau đớn: “Tôi thấy thật buồn!”
Bình luận 0

Dân Việt xin trích dẫn bài viết của thầy Cảnh để bạn đọc có cái nhìn khách quan từ những người cùng nghành. 

img

Thầy giáo Vũ Đức Cảnh 

"Cô giáo ở Long An bị phụ huynh học sinh bắt quỳ  để xin lỗi vì cô đã bắt con em họ quỳ khi phạm lỗi. Là một người giáo viên lâu năm, tôi thấy thật buồn.

Nhân đây cũng xin có đôi điều với các bạn là cha mẹ học sinh (tôi gọi PHHS là bạn để trao đổi như những người bạn với nhau).

 Thứ nhất: Hành động của cô giáo là sai so với quy định của ngành nói riêng và của pháp luật nói chung. Tôi không bênh cô giáo nhưng tôi có thể thông cảm với cô vì áp lực công việc.

Dạy một lớp 30- 35 HS, mỗi em một tính một nết, mỗi em có mức độ tiếp thu khác nhau thì thầy cô (trong đó có tôi) phải rất nỗ lực để các cháu vào kỷ cương, các cháu chăm chỉ học hành.

Thứ hai: Bạn là một phụ huynh bạn đã bao giờ trả lời những câu hỏi sau:

- Bạn có thường xuyên dạy một đứa con của bạn trong thời gian 2-3 tiếng mỗi ngày không?

- Khi con bạn không làm được bài, bạn giảng mãi con bạn nó vẫn lơ ngơ. Lúc ấy bạn có cáu gắt không?

- Khi bạn cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi hay để chú tâm làm việc ở nhà mà các con bạn nó cứ ầm ĩ, nói mãi không nghe. Bạn có tức không? Bạn có quát không?

- Bạn đã bao giờ so sánh "việc bạn dạy một đứa con” và  “việc cô giáo dạy 30 cháu” ở trên lớp không?

- Con bạn biết chữ, biết tính toán,… là do công của bạn dạy ở nhà hay do thầy cô giáo dạy ở trường?

- Khi con bạn hư, bạn đã làm gì với con của bạn?

- Bạn hạ nhục cô giáo trước mặt con bạn, con bạn sẽ học được những gì từ bạn?

- Bạn hãy đặt bạn vào vị trí của cô giáo ở mọi lúc, mọi nơi, bạn thấy thế nào?

Thứ ba: Tôi muốn kể một trong những câu chuyện cũ ngày xưa chúng tôi đi học.

 Ngày xưa không có phổ cập giáo dục, một lớp có đủ mọi lứa tuổi. Vì có người đúp đi, đúp lại. Trình độ học sinh thì khác nhau hoàn toàn. Thầy cô giáo chúng tôi chỉ học hết lớp 5, lớp 7 đã đi học sư phạm và về dạy chúng tôi.

Các thầy cô rất nghiêm khắc, bọn tôi vi phạm kỷ luật như: không thuộc bài, đánh bạn, đi học muộn, không viết bài. Nhẹ nhất là thầy mắng cho một trận, và đi dọn vệ sinh hố xí (hố xí ngày xưa nó mới kinh khủng làm sao).

Sau đó mời bố mẹ đến gặp thầy. Còn thầy cô bực thì cứ thước của thầy cô làm bạn với mông của học trò chúng tôi. Ai viết xấu, thầy cho ăn thước vào tay.

Ai viết bút kim tinh mà bỏ viết bút quản chấm mực thì thầy cũng cho sưng mông. Bố mẹ bọn tôi khi bị thầy cô của con mời lên cũng rất ngại ngùng, lo sợ.

Khi nghe hôm nay con mình bị phạt thì bọn tôi bị bố mẹ đánh thêm ở nhà. Bố mẹ chúng tôi gặp thầy cô thì luôn gửi gắm một câu: “Cháu hư thầy cô cứ phạt, gia đình chúng em không phàn nàn”.

Về chủ quan, tôi có thể nói rằng:  Thế hệ U50 của bọn tôi, hầu hết là chữ rất đẹp, tính tình điềm đạm hơn bọn trẻ bây giờ.

Thứ tư: Về vụ việc cô giáo quỳ gối xin lỗi, cần có cái nhìn khách quan từ hai phía. Về phía giáo viên, cô giáo có sai nhưng cô sai thì có pháp luật, cơ quan xử lý. Và chắc chắn bị xử lý, không ai được tự ý thay mặt pháp luật để xử lý người khác.

Còn về phụ huynh, họ đã báo cáo vụ việc lên nhà trường (đã gửi gắm nhà trường) nhưng lại không tôn trọng cách giải quyết của nhà trường và Hội Cha mẹ học sinh. Họ tự ý mang luật rừng ra để xử cô khi cô giáo có sai phạm là không đúng.     

Lời cuối của bài viết cần dẫn lại câu của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – tức là: Điều mà mình đã không muốn thì đừng đem làm với người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem