Đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở Yên Bái

Đình Việt Thứ hai, ngày 14/10/2019 08:07 AM (GMT+7)
Để phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ. Việc này được thể hiện qua việc xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết lớn về công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ .
Bình luận 0

Nhiều Nghị quyết về đào tạo cán bộ 

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, xác định mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để phát triển kinh tế bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ.

img

Tỉnh Yên Bái xác định chất lượng nhân lực là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ.

Để phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy Yên Bái tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ. Việc này được thể hiện qua việc xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết lớn về công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như:

Nghị quyết số 16 – NQ/TU ngày 15/8/2011 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó xác định khâu đột phá là công tác cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.

Nghị quyết số 25 – NQ/TU ngày 25/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2020.

Nghị quyết số 31 – NQ/TU ngày 29/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dư nguồn giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trọng tâm là công tác đào tạo về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Để cụ thể hóa Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định về đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó có những đề án, kế hoạch tập trung chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có những đề án, kế hoạch tập trung chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Cụ thể như sau:

Tỉnh đã chú trọng, ban hành hệ thống các văn bản nhằm thu hút cán bộ có triển vọng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học – kỹ thuật vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị, góp phần từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu , ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh .

Việc triển khai các chế độ, chính sách trong thu hút, cử tuyển, đào tạo cán bộ của tỉnh đảm bảo các quy định hiện hành. Số cán bộ được thu hút, đào tạo về tỉnh đã phát huy được năng lực, sở trường, chuyên môn, nghiệp vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Kết quả đạt được là trong giai đoạn 2011 – 2015 đã thu hút được 145 người, trong đó: Thạc sỹ 17 người; Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi: 49 người; Bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học 79 người.

Giai đoạn 2016 – 2018 đã thu hút được 39 người, trong đó: Thạc sỹ lâm sàng, cận lâm sàng 2 người; Bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học, cử nhân Điều dưỡng 33 người; sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi 4 người.

Ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 08 – ĐA/TU ngày 5/12/2012 về “Đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều có cán bộ có trình độ sau đại học, có các chuyên gia đầu ngành, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết quả thực hiện đã cử 82 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học với tổng kinh phí đã cấp hỗ trợ 4,5 tỷ đồng. Trong đó, đào tạo tiến sỹ là 6 người thuộc các lĩnh vực: văn hóa 4 người, giáo dục và đào tạo 1 người, quản lý kinh tế - tài chính 1 người.

Đào tạo thạc sỹ là 76 người thuộc các lĩnh vực: Chính trị, quản lý hành chính 9 người; kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng 18 người; nông, lâm nghiệp, tài nguyên, môi trường 21 người; luật 6 người; giáo dục và đào tạo 13 người; văn hóa, du lịch 4 người; xây dựng, giao thông 4 người; công nghiệp, công nghệ thông tin 1 người.

Tỉnh Yên Bái cũng ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 11 – ĐA/TU ngày 19/6/2013 về “Đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2020” với mục tiêu đào tạo 500 cán bộ chốt cấp xã và diện quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học chuyên môn theo các chuyên ngành.

Mỗi xã, phường, thị trấn được đào tạo từ 2 – 5 cán bộ, thuộc 6 chức danh (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND). Đến nay đã mở được 7 lớp đại học cho hơn 500 học viên là cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã; cơ bản tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị.

Cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng

Đặc biệt trong năm 2018, để thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), nhất là Nghị quyết số 26 – NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

img

Lớp bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ tỉnh Yên Bái. Ảnh: H. Thúy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái cụ thể hóa nghị quyết bằng việc chỉ đạo xây dựng Đề án số 11 – ĐA/TU, ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 203”.

Điểm nổi bật mang tính chất đột phá của Đề án 11 so với các Đề án về đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch trước đây của tỉnh thể hiện ở chỗ Đề án này xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để tạo nguồn giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới.

Cán bộ tham gia Đề án được lựa chọn qua nhiều khâu của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Sau đó qua 2 vòng sơ tuyển, sát hạch ở cấp tỉnh để đảm bảo tuyển chọn được 150 đồng chí (trong đó cán bộ trẻ là 60 đồng chí) thực sự có năng lực, tố chất, triển vọng phát triển. Cán bộ tham gia Đề án được Tỉnh ủy cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức lý luận, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 22 – QĐ/TU ngày 11/06/2019 về việc quản lý, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án số 11 – ĐA/TU trong đó xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ nhằm nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ tham gia Đề án

Kết quả thực hiện từ đầu năm 2019 đến nay Tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ của tỉnh, giảng viên tham gia giảng dạy là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, giảng viên cao cấp, chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của các học viện, các trường đại học...giảng dạy.

Quyết định cử Đoàn cán bộ của tỉnh gồm 57 đồng chí (trong đó có 54 cán bộ trẻ của Đề án số 11 – ĐA/TU) tham dự lớp dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; thời gian từ ngày 10/6 – 24/6/2019. Liên kết với Tập đoàn LG – Hải Phòng tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng quản trị đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Đề án.

 Trên cơ sở đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố, các ban, sở, ngành của tỉnh, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang nghiên cứu xây dựng phương án tăng cường, biệt phái, tập sự lãnh đạo đối với khoảng 25% cán bộ, công chức thuộc Đề án 11 – ĐA/TU của Tỉnh ủy (trong đó: khoảng 18% cán bộ trẻ, 7% cán bộ là nữ và là dân tộc thiểu số) về các cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường của các cán bộ nhằm rèn luyện, thử thách, đào tạo cán bộ.

Trong thời gian tiếp theo, Tỉnh ủy tiếp tục tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức lý luận, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ tham gia Đề án. Tổ chức lớp bồi dưỡng, mời chuyên gia cao cấp nước ngoài có kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp giảng dạy; tăng cường cán bộ về cơ sở để tiếp tục rèn luyện, thử thách, đào tạo cán bộ; từng bước hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem