Bộ LĐTBXH đề xuất hạ tuổi hưởng, tăng tiền trợ cấp hưu trí

Thùy Anh Thứ tư, ngày 28/06/2023 15:36 PM (GMT+7)
Thay vì 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp hưu trí như hiện hành, Tổ soạn thảo Luật BHXH đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến đề xuất hạ tuổi hưởng xuống còn 75 tuổi.
Bình luận 0

Đề xuất giảm tuổi hưởng, tăng trợ cấp hưu trí hàng tháng lên 500 nghìn đồng

Đây là thông tin mới nhất trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được Bộ LĐTBXH gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.

Trước đó, tại dự thảo cũ, Bộ LĐTBXH vẫn để mức hưởng trợ cấp hưu trí cũ là 80 tuổi trở lên, theo quy định hiện hành của Luật Người cao tuổi.

Trợ cấp hưu trí là trợ cấp dành cho nhóm người cao tuổi nhưng không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng. Ngân sách Nhà nước sẽ cung cấp để chi trả khoản tiền này. Thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội là một bước để xây dựng hệ thống BHXH đa tầng.

Theo đó, đề xuất của nhóm soạn thảo là những người đủ 75 tuổi trở lên nếu không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Khi đạt các điều kiện trên, người cao tuổi sẽ được ngân sách nhà nước trợ cấp hằng tháng, với mức 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện hành). Người nhận trợ cấp cũng được tham gia BHYT miễn phí do ngân sách nhà nước bảo đảm.

trợ cấp hưu trí

Đề xuất giảm độ tuổi, tăng tiền trợ cấp hưu trí hàng tháng của Bộ LĐTBXH nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Ảnh: NN

Theo Bộ LĐTBXH, quy định này nhằm gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà không phát sinh tăng nhiều ngân sách nhà nước, do ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ BHYT, còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ BHXH bảo đảm từ thời gian đóng BHXH của người lao động.

 Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng BHXH là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ 65 tuổi thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Số tiền trợ cấp hằng tháng hưởng sớm 10 năm từ Quỹ BHXH do người lao động đã có 5 năm đóng góp, đồng thời người lao động được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm. Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, bảo đảm tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện, dự thảo quy định: Đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm thì các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi. Còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ BHXH bảo đảm thì sẽ do cơ quan BHXH thực hiện.

Bộ LĐTBXH cho biết đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, mới chỉ có 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 5,1 triệu người, trong đó: 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 630.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng và hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Nhiều người hết độ tuổi lao động, không được hưởng trợ cấp hưu trí 

Trong báo cáo đánh giá tác động Luật BHXH về nội dung giảm tuổi nhận trợ cấp hưu trí của Bộ LĐTBXH, bộ này có đánh giá kỹ tác động. Theo đó, nếu giảm độ tuổi nhận trợ cấp từ 80 xuống còn 75 tuổi thì mỗi năm nhà nước sẽ mất thêm 5.000 tỷ đồng, cộng với khoản điều chỉnh trợ cấp từ 360 nghìn đồng/tháng lên 500 nghìn đồng/tháng sẽ mất thêm 2,1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, ngân sách Nhà nước phải chi thêm cho công việc này khoảng 7,1 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo tính toán thì nếu giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 sẽ có thêm khoảng hơn 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mục tiêu trung ương giao phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người. Để đạt mục tiêu này, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 3,84 triệu người.

Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế hiện nay nhiều người dù hết độ tuổi lao động (nữ 56 tuổi, nam là 60 tuổi 9 tháng)  không có lương hưu, chưa nhận được sự hỗ trợ an sinh. Đối tượng này phải chờ tới năm 80 tuổi mới được nhận trợ cấp. Như vậy họ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp sẽ giúp nhóm này tiếp cận tốt hơn với chính sách an sinh.

trợ cấp hưu trí

Nếu đề xuất được chấp nhận, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm hơn 7,1 nghìn đồng để thực hiện. Ảnh: NN

Chia sẻ về vấn đề này ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội), cho rằng đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội tại Luật BHXH sửa đổi từ 80 xuống 75 tuổi là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng từ thực tiễn.

"Thời gian tới, nếu nguồn lực có đủ nên tiếp tục nghiên cứu hạ xuống 70 tuổi. Cùng với hạ tuổi thì việc đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng cũng xác đáng trong lúc giá cả, chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay. Con số 500.000 đồng không phải lớn, nhưng phần nào đó giúp những người cao tuổi có thêm khoản tiền để lo cho cuộc sống" - ông Lợi phân tích.

Cũng theo ông Lợi đa số người cao tuổi sống ở nông thôn Việt Nam không có lương hưu, trợ cấp, cuộc sống rất khó khăn. Có người nương tựa được vào con cái, có người không. Vì vậy, nếu có trợ cấp thì là điều rất may mắn, góp phần hỗ trợ họ và giảm gánh nặng về an sinh với nhóm này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem